Học sinh hào hứng vào vai nông dân, thương lái...

Học trò được trải nghiệm làm nông nghiệp, làm thương lái, làm hướng dẫn viên du lịch… là những hoạt động trải nghiệm sáng tạo của ngành giáo dục TP Cần Thơ. Từ những bài học gắn liền với cuộc sống, các em HS được trải nghiệm thực tế và trau dồi thêm nhiều kỹ năng sống…

HS Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch tại Chợ nổi Cái Răng

Hào hứng trải nghiệm làm nghề nông

Với chủ đề “Chúng em là kỹ sư nông nghiệp”, HS Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) rất hào hứng tham gia và trải nghiệm được nhiều bài học bổ ích. Đây là một trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo năm học 2017 - 2018 được nhà trường tổ chức. Hoạt động này giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên bước đầu chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học trong môn học.

Đặc biệt là các chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp với việc tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực, sáng tạo của HS. Sử dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để xây dựng tiến trình dạy học theo chuyên đề nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của HS. Hoạt động giáo dục này còn tăng cường mở rộng không gian lớp học cho HS, với phương pháp “thực học, thực nghiệm”. Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Thầy Lê Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Trung An, cho biết: “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo còn hướng tới mục tiêu tạo sự tương tác hiệu quả giữa gia đình - nhà trường, giáo viên - phụ huynh - HS trong việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện cho các em HS. Tăng cường xây dựng các hoạt động giáo dục trải nghiệm, giúp HS tiếp cận kiến thức một cách chủ động, tích cực, sáng tạo, tiếp cận và phát triển năng lực của HS…”.

Để tham gia hoạt động “Chúng em là kỹ sư nông nghiệp”, các em HS Trường THPT Trung An sẽ thực hiện các nội dung gồm: Khối lớp 10 trồng cây củ cải; mỗi lớp trồng 40 chậu, mỗi chậu 4 cây. Khối 11 trồng cây bông cải; mỗi lớp trồng 40 chậu, mỗi chậu 1 cây. Khối 12 trồng bắp cải; mỗi lớp trồng 40 chậu, mỗi chậu 1 cây. Cách thức thực hiện hoạt động này là các lớp sẽ được nhà trường trang bị chậu và giống, hệ thống tưới nước; riêng phần đất và phân bón các lớp tự tìm kiếm.

Các lớp không được sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học, mà phải sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học. Các trường hợp sử dụng phân và thuốc hóa học phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Để khích lệ tinh thần của các lớp, nhà trường sẽ khen thưởng cho các lớp đứng I, II, III của các khối tính trên tổng số kg thu hoạch của các lớp. Hiện tại, các sản phẩm trải nghiệm của các em đang phát triển rất tốt. Nhà trường đã giao cho tổ Sinh - Công nghệ theo dõi và chấm điểm cho từng sản phẩm của HS để tính điểm kiểm tra thường xuyên.

Vườn rau xanh tốt của HS Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ

Những bài học bổ ích ngoài sách vở

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, trong những năm qua, hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật được ngành quan tâm đầu tư. Điển hình như hoạt động giáo dục nhà trường gắn liền với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương (Chợ nổi Cái Răng) thực hiện tại Trường THPT Nguyễn Việt Hồng.

Bên cạnh đó còn có hoạt động Tuổi trẻ hành động bảo vệ môi trường bằng phương pháp giáo dục hành động theo Dự án WINDY mở rộng giai đoạn 2017 - 2019. Năm 2017 Sở đã tổ chức 12 lớp tập huấn với 348 công chức, viên chức và 900 HS trung học thuộc 30 trường được chọn tham gia dự án.

Tổng số trường đã và đang thực hiện Dự án WINDY là 41 trường với 418 công chức, viên chức và 1.208 HS. Dự án sẽ mở rộng đến 100% số trường trung học trong giai đoạn 2017 - 2019. Đặc biệt, ở TP Cần Thơ có 100% các đơn vị tổ chức các hoạt động giảng dạy thông qua hành trình di sản với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương và điều kiện cụ thể của đơn vị.

Một trong những mô hình thành công nhất là Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tổ chức cho HS trải nghiệm kinh doanh, mua bán trên Chợ nổi Cái Răng. Trường cách Chợ nổi Cái Răng khoảng 2km nên việc tổ chức cho HS trải nghiệm rất thuận tiện.

Sau khi được hướng dẫn viên chuyên nghiệp giới thiệu một số kỹ năng, các em HS sẽ vận dụng vốn ngoại ngữ, văn học, lịch sử để tham gia làm hướng dẫn viên du lịch. Đây chỉ là 1 trong 4 dự án nghề cho học sinh của Trường THPT Nguyễn Việt Hồng. Vào các giờ ngoại khóa, các em tham gia kinh doanh rau màu trên chợ nổi, bán rau màu trên bờ, nuôi trồng và bán thủy sản...

Theo chia sẻ của thầy Võ Đức Chỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng: “Cho học trò trải nghiệm Chợ nổi chúng ta cũng sẽ thu được nhiều kết quả cả về hiện tại và tương lai. Được tham gia các hoạt động, các em vừa được rèn ngoại ngữ, vừa biết cách chuẩn bị kỹ càng cho một chuyến tham quan. Đặc biệt là cách giao tiếp với du khách nước ngoài thể hiện văn hóa mến khách của người Việt Nam”.

Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hoc-sinh-hao-hung-vao-vai-nong-dan-thuong-lai-3920700-b.html