Học sinh Hải Phòng bảo vệ môi trường theo cách mới lạ

Học sinh Hải Phòng bảo vệ môi trường thông qua bài học trực quan, nguồn thu được từ bán rác thải nhựa sẽ được dùng để mua túi giấy đựng đồ.

Thay đổi hành vi sử dụng đồ nhựa

TP. Hải Phòng với tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế nên luôn phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phổ biến, thông tin, tuyên truyền, vận động tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan và đơn vị trực thuộc hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”; có những hành động thiết thực hạn chế sử dụng và tiến tới nói “không” với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Đồng thời, lãnh đạo Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị không sử dụng các loại nước uống đóng chai nhựa, các ly, cốc, ống hút nhựa sử dụng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác tại đơn vị.

Riêng Sở GD&ĐT Hải Phòng thực hiện phong trào học sinh, sinh viên nói “không” với sản phẩm nhựa dùng một lần, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu trong học sinh, sinh viên về tác hại của việc sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, các giải pháp về chống rác thải nhựa.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng Lê Quốc Tiến, để hiện thực hóa các phong trào kêu gọi bảo vệ môi trường, đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an Thành phố tổ chức các buổi tập huấn bằng những bài học trực quan sinh động cho các em học sinh.

Nhiều hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường được Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng kết hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an Thành phố thực hiện thành công.

Nhiều hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường được Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng kết hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an Thành phố thực hiện thành công.

Đối tượng được nhắm tới là toàn bộ học sinh từ cấp tiểu học đến THPT trên địa bàn TP. Hải Phòng, trong đó đối tượng chính là các em học sinh mầm non, tiểu học.

"Các em càng nhỏ tuổi thì càng dễ giáo dục, thay đổi hành vi sử dụng rác thải nhựa, thay vào đó là sử dụng những vật dụng dễ tiêu hủy. Dần dần sẽ tạo thành thói quen và bảo vệ môi trường bền vững trong tương lai" - ông Tiến cho biết.

Bà Nguyễn Thị Minh Khoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, Trường đã vận động giáo viên, học sinh nói không với rác thải nhựa.

Thay vào đó, Trường thường xuyên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tại các cuộc họp, Trường không sử dụng chai nước nhỏ (lavie) nữa mà dùng bình nước lớn, được uống bằng cốc thủy tinh, cốc sứ. Trong căng tin của trường, không cho dùng cốc nhựa sử dụng một lần nữa mà sẽ thay bằng cốc inox. Cùng với đó, Trường chủ động yêu cầu các đơn vị cung ứng thực phẩm không sử dụng túi nilon để đựng, bọc sản phẩm nữa.

Bà Khoa cho biết thêm, nhà trường không dùng mệnh lệnh mà bằng hình thức tuyên truyền để các em sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoặc tổ chức nhiều chương trình liên quan đến chủ đề bảo vệ môi trường. Mỗi em học sinh sẽ là một kênh tuyên truyền đến từng gia đình, bố mẹ trong việc hạn chế rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Hòa – PGĐ Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, đến nay đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện Thông báo của UBND thành phố đến tất cả các cơ sở giáo dục, các trường học. Các trường đều yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên hạn chế sử dụng sản phẩm rác thải 1 lần, thực hiện hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Chương trình "Thiếu nhi Việt Nam tìm hiểu và tuyên truyền bảo vệ môi trường KUN siêu phàm" chuẩn bị được tổ chức tại TP. Hải Phòng vào đầu năm 2020.

Chuyển hóa đồ nhựa thành đồ dễ tiêu hủy

Một trong những phong trào tiêu biểu, được cho là cách làm hay để bảo vệ môi trường ở TP. Hải Phòng là việc chuyển hóa đồ nhựa thành đồ dễ tiêu hủy của HLHPN Q. Ngô Quyền, đây cũng chính là điểm sáng của cả thành phố trong công tác bảo vệ môi trường những năm qua.

Bằng sự sáng tạo của mình, HLHPN Q. Ngô Quyền triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, nhằm nâng cao ý thức dẫn đến thay đổi hành vi trong toàn bộ cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn.

Chị Lưu Thị Bích, Chi hội trưởng Chi hội Tổ dân phố 31 phường Vạn Mỹ đã cắt may ủng hộ HLHPN phường 300 chiếc túi vải với hy vọng hội viên sẽ dùng túi vải đi chợ nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông.

Bên cạnh đó, HLHPN phường Vạn Mỹ sẽ dùng toàn bộ kinh phí thu được từ việc bán phế liệu nhựa để trang bị thắp điện chiếu sáng cho ngõ giáp ranh giữa lô nhà 3A và tổ dân phố số 9. Trước đây, khu vực này là nơi nhiều đối tượng nghiện ngập thường xuyên tụ tập khi trời tối và ban đêm, lại chưa có điện chiếu sáng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT.

Một cách làm sáng tạo khác trong chiến dịch phòng chống rác thải nhựa tại Q. Ngô Quyền không thể không nhắc tới HLHPN phường Máy Chai. Chị Trần Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN phường phấn khởi cho biết: "Nguồn kinh phí thu về sau khi bán phế liệu nhựa do chị em hội viên phụ nữ thu gom sẽ được hội dùng để đặt may túi bìa xi-măng. Trước mắt hội dự kiến sẽ in khoảng 2.000 túi bìa xi măng, trên mỗi chiếc túi in dòng chữ “Phụ nữ phường Máy Chai nói không với túi ni-lông”.

Hội viên phụ nữ các phường trên địa bàn quận Ngô Quyền tích cực thu gom phế liệu nhựa.

Những chiếc túi này sẽ được hội phát tới các cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Máy Chai, qua đó góp phần tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông sử dụng 1 lần, tiến tới sử dụng những vật liệu thân thiện với tự nhiên để thay thế.

Ngoài ra, HLHPN phường Máy Chai sẽ trích 1 phần kinh phí từ việc thu gom phế liệu nhựa để trao tặng 5 thẻ Bảo hiểm y tế cho những trường hợp trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường.

Khác với hai địa phương trên, riêng ở phường Gia Viên, HLHPN phường cho biết sắp tới sẽ thành lập “Đội xung kích truyền thông thay đổi hành vi” với sự tham gia của các Chi hội trưởng, Chi hội phó Chi hội phụ nữ cơ sở. Theo chị Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch HLHPN phường Gia Viên: "Hoạt động của Đội xung kích sẽ góp phần tăng cường vai trò phụ nữ trong việc truyền truyền cán bộ hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, thay đổi những hành vi chưa chuẩn, chưa đẹp thành những việc làm tốt đẹp, có ý nghĩa và tích cực hơn cho cộng đồng.

Tiêu biểu như vận động nhân dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; thí điểm phân loại rác thải đầu nguồn, hạn chế sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng 1 lần - phân loại rác thải nhựa tại một số Chi hội, sau đó nhân rộng toàn phường....".

Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) tổ chức thành công chương trình "Thiếu nhi Việt Nam tìm hiểu và tuyên truyền bảo vệ môi trường KUN siêu phàm" tại trường Tiểu học Kim Liên, TP. Hà Nội.

Ngày 10/1/2020, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng dự kiến có chương trình phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ TN&MT, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) cùng Hội đồng Đội Trung ương, nhiều cơ quan truyền thông và những nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, MC Trấn Thành, diễn viên Xuân Bắc... tổ chức chương trình "Thiếu nhi Việt Nam tìm hiểu và tuyên truyền bảo vệ môi trường KUN siêu phàm".

Với hình thức thể hiện phong phú, cuộc thi là dịp để các em mạnh dạn đưa ra các sáng kiến bảo vệ và cải tạo môi trường, đồng thời nói lên tiếng nói của mình đối với tương lai. Từ đó, với vai trò nòng cốt, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh có sự ghi nhận và nhân rộng những sáng kiến, gương “người tốt việc tốt”, lồng ghép trong các hoạt động Đội.

Thông qua các hình thức thể hiện như truyện ngắn, thơ, truyện tranh, tranh vẽ, kịch - hoạt cảnh, thuyết trình, trang trí khuôn viên lớp học, khuôn viên sân trường, các video thực tế với nội dung bảo vệ - cải tạo môi trường... các em học sinh từ độ tuổi 6 - 10 sẽ tạo nên bức tranh toàn cảnh sinh động về môi trường sống và những nỗ lực bảo vệ môi trường sống gắn bó mật thiết với các em học sinh mọi vùng miền.

Trong mỗi bài thi, các em học sinh được quyền phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm do khí thải, nạn chặt phá rừng, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất, săn bắn động vật hoang dã trái phép, tình trạng sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần.

Hoặc thể hiện vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên; hành động nỗ lực xây dựng, gìn giữ, bảo vệ môi trường tại nơi các em sinh sống.

Đây chương trình có quy mô diễn ra ở 16 tỉnh thành của Việt Nam, dự kiến tiếp cận 6000 trường tiểu học trên toàn quốc tham gia dự thi.

Mỗi tình thành sẽ chọn ra 1 tác phẩm tập thể thể (của trường) và 10 tác phẩm của cá nhân/nhóm xuất sắc của trường gửi về dự thi toàn quốc.

Ngọc Lan

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/nhip-song-tre/hoc-sinh-hai-phong-bao-ve-moi-truong-theo-cach-moi-la-3390323/