Học sinh gồng mình 'chạy nước rút'

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là các em học sinh lớp 9 sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đa phần các em đã học được khoảng 2/3 chương trình, trang bị những kiến thức cơ bản và bước sang giai đoạn ôn luyện kết hợp với hoàn thiện việc trang bị kiến thức còn thiếu.

“Quên” Tết để ôn thi vào lớp 10

Tháng 10/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội chính thức công bố phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020. Theo đó, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một trong số 6 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân. Môn thi thứ tư sẽ được công bố vào tháng 3/2019. Những thay đổi này ít nhiều đã tạo ra sự lo lắng, hoang mang và áp lực không nhỏ cho nhiều học sinh, phụ huynh khi phải đối mặt với kỳ thi này.

Chị Nguyễn Thị Công (có con đang học lớp 9 tại Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết: “Để đánh giá thì tôi thấy kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội còn áp lực hơn cả thi Đại học nên phụ huynh rất căng thẳng, không biết các con có kịp thích ứng với những thay đổi của kỳ thi hay không. Bản thân tôi xác định, không chỉ phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kiến thức còn là nền tảng cho những năm học cấp 3 và sau này nên việc chuẩn bị tâm lý, kiến thức và chủ động tìm hiểu thông tin về kỳ thi là điều rất cần thiết mà mọi phụ huynh nên làm”.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 – 2019 tại Hà Nội.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 – 2019 tại Hà Nội.

Theo ghi nhận, sau kỳ nghỉ Tết, các em học sinh bắt đầu bước vào giai đoạn “nước rút”, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 dự kiến sẽ diễn ra vào hai ngày 2 và 3/6. Năm nay, kỳ thi có nhiều thay đổi và được đánh giá là căng thẳng hơn so với các năm trước. Hiện tại nhiều em học sinh đang “tăng tốc” với môn Ngoại ngữ và chờ đợi môn thi thứ 4 sắp được công bố.“Kể từ lúc biết thông tin, chúng em đã bắt đầu ôn luyện theo hướng dẫn của các thầy cô. Hiện tại cá nhân em vẫn còn nhiều lo lắng nhưng em sẽ cố gắng học tập và thi thật tốt” –Nguyễn Thành Nam (học sinh Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ.

Cùng tâm trạng như Nam, Minh An (học sinh Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm) cho biết em và các bạn trong lớp đã được cô giáo nhắc nhở không được lơ là với môn học nào vì ngoài 3 môn đã biết thì môn thi thứ 4 vẫn còn đang “bỏ ngỏ”. Tuy nhiên, việc ôn tập đủ 9 môn khiến Minh An hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Những ngày nghỉ Tết vừa qua, thay vì đi chơi, phần lớn thời gian Minh An đều dành để nhờ chị họ là sinh viên đại học bổ túc thêm cho môn tiếng Anh.

Chắc kiến thức, học theo sơ đồ tư duy

Theo Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm hoc 2019 – 2020 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm học 2018 – 2019, dự kiến toàn thành phố sẽ có 101.460 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS, theo dự kiến khoảng 60% đến 62% số học sinh tuyển vào các trường THPT công lập, 20% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và từ 8% đến 10% số học sinh tham gia học nghề. Như vậy, năm học 2019 – 2020, dự kiến các trường THPT công lập ở Hà Nội sẽ tuyển khoảng 60.900 đến 62.900 học sinh (giảm khoảng 3.000 học sinh so với năm học 2018 – 2019).

Trước những lo lắng, căng thẳng của hầu hết học sinh và phụ huynh, nhiều thầy cô giáo khẳng định, chỉ cần các em nắm chắc kiến thức và học theo sơ đồ tư duy thì chuyện đối mặt với bất kỳ sự thay đổi nào không phải là vấn đề. “Công thức” này có thể áp dụng đối với tất cả các môn thi. Cô giáo Nguyễn Thu Trang (Giáo viên bộ môn Ngữ Văn của Hệ thống Giáo dục HOCMAI) cho biết: Nhiều người cho rằng, học Văn là lãng mạn, không cần rành mạch, học và viết theo cảm hứng nhưng điều này là quan niệm sai lầm mà đa số học sinh, phụ huynh. Không chỉ các môn Tự nhiên, môn Văn cũng đòi hỏi học sinh phải có tư duy logic. Với hệ thống ý chính được vạch thành sơ đồ, các em vừa dễ dàng nắm chắc nội dung vừa triển khai ý từ đoạn văn, bài văn nhanh, đầy đủ, cô đọng và súc tích.

Chỉ ra một số quan niệm sai lầm về môn Văn của đa học sinh và phụ huynh như: Viết văn là “chém gió”, viết văn dài kiểu gì cũng trúng ý, học văn là học thuộc, nước đến chân mới nhảy và môn Văn là lãng mạn nên mỗi thầy cô chấm một kiểu… cô Trang hướng cho học sinh và phụ huynh thay đổi cách nhìn nhận về môn Văn và việc học môn học này.“Bất kể là Văn hay môn thi nào khác, đáp án của đề thi đều có barem chấm điểm rõ ràng. Chính vì vậy, với môn Văn, dù viết hay, bay bổng, lãng mạn và dài thế nào nhưng không đủ ý thì vẫn bị mất điểm. Các em nên lập sơ đồ kiến thức trong quá trình học để thu lại hiệu quả học cao nhất” – cô Trang chia sẻ.

Đồng quan điểm về áp dụng tư duy logic và việc xây dựng hệ thống sơ đồ tư duy trong quá trình học, thầy Hồng Trí Quang (Giáo viên môn Toán của Hệ thống Giáo dục HOCMAI) cho rằng, học sinh cần nắm vững kiến thức trọng tâm. Nhiệm vụ của các em là chia nhỏ và tích lũy dần kiến thức; học cuốn chiếu và kết thúc chuyên đề nào chắc chắn chuyên đề ấy. Trên cơ sở các kiến thức trọng tâm này, học sinh sẽ dễ dàng hệ thống hóa thành lộ trình học tập đối với từng dạng bài, từng mảng kiến thức.

Ngoài ra, thầy Quang cũng đưa ra những chia sẻ rất cụ thể về cách học cũng như khoanh vùng kiến thức đối với môn Toán. Với phần Đại số, học sinh làm bài tập nhiều, cẩn thận từng bước và hạn chế tối đa sai sót. Ở phần Hình học, từng bước khai thác đề bài theo hướng tư duy suy luận ngược, học sinh sẽ lần lượt tìm ra vấn đề cần giải quyết. Thầy Quang đặc biệt lưu ý, việc trình bày trong môn thi Toán rất quan trọng. Học sinh cần trình bày cẩn thẩn, chắc chắn từng bước, tránh tư duy nhanh nhưng làm ẩu, tắt bước dẫn tới mất điểm. Trong quá trình học, hãy học từ sai lầm của bản thân và của bạn bè để rút ra kinh nghiệm.

Bày tỏ quan điểm về vai trò của phụ huynh đối với việc đồng hành và định hướng cho con trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, thầy Quang cho rằng, phụ huynh nên là người giúp con tự nâng cao ý thức học và đủ sự yêu thích, đam mê với việc học thay vì cưỡng ép. Cũng theo thầy Hồng Trí Quang, phụ huynh nên cùng con cái thảo luận, đưa ra lộ trình học tập.

Khi đã đặt được lộ trình thì cả phụ huynh và con đều cam kết thực hiện không lùi bước. Lộ trình mà thầy Quang gợi ý cho phụ huynh và học sinh là lộ trình xoắn ốc, tức là học kiến thức cơ bản – học nâng cao chuyên đề và trộn vào với nhau, luyện đề và làm bài thi thử.

Còn theo cô giáo Phạm Thúy Ngọc (Hiệu phó Trường THCS Trung Tú, Hà Nội), việc xây dựng lộ trình học tập phù hợp rất quan trọng; đặc biệt trong hoàn cảnh tháng 3 các em mới biết môn thi cuối cùng. Đặc biệt, sự đồng hành của phụ huynh cùng các con là vô cùng cần thiết. “Trước mỗi bài học, các em nên đọc trước 2 – 3 lần tại nhà, vạch trước kiến thức trọng tâm.

Sau khi học xong tại lớp, các em tự xây dựng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức trọng tâm. Môn thi cuối cùng sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm nên chỉ cần nắm chắc kiến thức trọng tâm và kỹ năng làm bài trắc nghiệm thì không gì có thể làm khó được các em” – cô Ngọc chia sẻ.

Bên cạnh đó, với cương vị một phụ huynh từng có con tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, cô Ngọc mong rằng các phụ huynh hãy dành thời gian quan tâm, chăm sóc tới chế độ ăn uống, tạo tinh thần thoải mái nhất cho các con để các con có thể tự tin bước qua ngưỡng cửa này.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hoc-sinh-gong-minh-chay-nuoc-rut-87489.html