Học sinh giỏi năm 2019: Soạn đề thi có vấn đề?

Nếu đề thi được soạn có độ tin cậy (repeatibility) cao thì khó có thể có sự thay đổi như chúng ta thấy ở 'nhóm chứng' TPHCM hay Cần Thơ

Sau khi có phân tích về xu hướng biến chuyển điểm thi giữa năm 2019 và 2018. GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan, Australia) lại chỉ ra điều ngạc nhiên thông qua số liệu phân bố tỉ lệ học sinh giỏi giữa một số tỉnh thành.

Lấy TPHCM làm "nhóm chứng", GS Nguyễn Văn Tuấn phân tích:

Năm 2018, TPHCM chỉ có 32 học sinh có điểm toán ≥ 9 (hay 0.04% tổng số thí sinh), nhưng năm nay thì số thí sinh giỏi lên đến 751 (chiếm 1.1% tổng số). Nói cách khác, con số học sinh giỏi toán ở TPHCM tăng 23 lần - chỉ trong 1 năm! Số học sinh giỏi ngoại ngữ cũng tăng từ 1257 em (1.8%) lên 3690 em (5.8%), hay tăng gần 3 lần số tuyệt đối! Các môn khác cũng ghi nhận tăng số học sinh giỏi, nhưng mức độ thấp hơn các môn toán và ngoại ngữ.

Lấy Cần Thơ là một nhóm chứng khác, GS Nguyễn Văn Tuấn cũng chỉ ra sự tăng số học sinh giỏi của Cần Thơ là đáng kinh ngạc!

Năm 2018, Cần Thơ chỉ có 2 học sinh với điểm toán ≥ 9, nhưng năm 2019 thì con số này là 96 (chiếm gần 1% tổng số thí sinh), tăng 48 lần! Nhưng số học sinh giỏi môn lí và hóa thì không tăng. Số học sinh giỏi ngoại ngữ của Cần Thơ năm 2018 chiếm 0.3% tổng số thí sinh, nhưng năm 2019 thì có gần 1.1% tổng số thí sinh có thể xem là giỏi ngoại ngữ.

Một điều đáng ngạc nhiên là số học sinh giỏi môn văn của TPHCM năm nay (10 em) cũng như năm ngoái (5 em) rất thấp. Số này kém xa Cần Thơ. Ngay cả môn sử, số học sinh giỏi của TPHCM cũng khá khiêm tốn.

"Có thể nói học sinh TPHCM giỏi toán và ngoại ngữ, nhưng khá kém cỏi về sử và văn!", GS Nguyễn Văn Tuấn nhận xét.

Với Hà Giang là nơi được nhận được nhiều chú ý. GS Tuấn cho biết, năm 2018 số thí sinh giỏi toán của Hà Giang là khá cao (30 em, 1% tổng số thí sinh), nhưng năm 2019 thì con số này giảm xuống còn 12 em (0.23% tổng số thí sinh). Các môn khác như lí, hóa, văn thì Hà Giang năm nay không có học sinh giỏi. Riêng ngoại ngữ thì số học sinh giỏi giảm từ 24 em năm ngoái xuống còn 10 em.

Xu hướng giảm số học sinh giỏi cũng được ghi nhận ở Sơn La. Số học sinh giỏi toán của Sơn La năm nay là 14 em (0.13% tổng số), so với 30 em năm ngoái (~0.3% tổng số). Cũng như Hà Giang, năm nay, Sơn La không có học sinh giỏi môn lí và hóa.

Riêng Hòa Bình thì xu hướng tăng giảm tùy thuộc vào môn học. Số học sinh giỏi môn toán, sử và ngoại ngữ tăng, nhưng đối với môn lí, hóa, văn thì số học sinh giỏi giảm.

Dựa vào những thay đổi về số 'học sinh giỏi' trong 2 năm 2019 và 2018 theo các tỉnh, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, việc soạn đề thi có thể có vấn đề.

"Nếu đề thi được soạn có độ tin cậy (repeatibility) cao thì khó có thể có sự thay đổi như chúng ta thấy ở "nhóm chứng" TPHCM hay Cần Thơ", vị GS kết luận.

Ở một diễn biến khác, khi tập trung phân tích mối tương quan giữa các môn học và phân bố số thí sinh với điểm 0, GS Nguyễn Văn Tuấn cũng cho ra nhiều kết quả thú vị.

1. Phân tích tương quan các môn thi

Dựa trên biểu đồ trình bày hệ số tương quan giữa 8 môn học: toán, lí, hóa, sinh, văn, ngoại ngữ, sử và địa lí, tính trên gần 1 triệu cá nhân, GS Nguyễn Văn Tuấn cho thấy điểm môn toán liên quan khá tốt với môn lí (r = 0.67), hóa (r = 0.61), và môn tiếng Anh (r = 0.57). Điểm môn hóa lại tương quan khá cao với môn lí (r = 0.51). Một điều khá thú vị là điểm môn sử có liên quan khá cao với môn địa lí (r = 0.60).

Lưu ý, hệ số tương quan có giá trị tối thiểu là 0 (tức không có liên quan) và tối đa là 1 (liên quan tuyệt đối).

Mối tương quan về điểm thi giữa 8 môn học. Biểu đồ này được tính trên từng học sinh (gần 1 triệu) cho năm 2019.

Mối tương quan về điểm thi giữa 8 môn học. Biểu đồ này được tính trên từng học sinh (gần 1 triệu) cho năm 2019.

2. Phân tích cụm (cluster analysis)

Dùng kết quả phân tích tương quan trên, GS Tuấn tiếp tục khám phá sự tập trung của các tỉnh thành theo điểm thi.

Ở biểu đồ trình bày mối liên quan (tính trên điểm trung bình cấp tỉnh thành) giữa môn toán và lí, cho thấy có 5 "nhóm" địa phương (từ thấp đến cao):

• Nhóm 1: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, và Cao Bằng;
• Nhóm 2: Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hậu Giang, Sóc Trăng;
• Nhóm 3: Quảng Ninh, Lai Châu, Thái Nguyên, Phú Yên, Quảng Nam, Ninh Thuận, Kon Tum, Quảng Ngãi, Hưng Yên;
• Nhóm 4: Bắc Ninh, Quảng Trị, Bình Định, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, v.v.
• Nhóm 5: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Bình Thuận, TPHCM, v.v.

Biểu đồ 2: tương quan giữa môn toán và lí, 'co cụm' thành 5 nhóm tỉnh thành.

Cụm địa phương theo môn sử và địa lí có xu hướng theo 3 nhóm:

• Nhóm 1: Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, và Cao Bẳng
• Nhóm 2: Lai Châu, Bắc Kạn, Hòa Bình, Tuyên Quang, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Gia Lai, Hậu Giang, v.v.
• Nhóm 3: Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Bình Dương, An Giang, TPHCM, v.v.

Biểu đồ 3: tương quan giữa môn sử và địa, 'co cụm' thành 3 nhóm tỉnh thành.

3. Phân tích điểm 0.

Sau khi có phân tích về số điểm 10, GS Nguyễn Văn Tuấn đề cập tới một thái cực khác là điểm 0. Theo đó, năm nay, số thí sinh có điểm 0 nói chung giảm khá nhiều so với năm ngoái, nhưng điều thú vị là sự tập trung của điểm 0 ở một số tỉnh thành có vẻ phụ thuộc vào môn thi.

Tính chung, năm 2018 có 1292 thí sinh với điểm 0; năm 2019 con số này giảm xuống còn 593 thí sinh. Điểm 0 năm 2018 chủ yếu tập trung vào môn toán (833 thí sinh), ngoại ngữ (577), sử (446), địa (424) và hóa (411). Nhưng điểm 0 năm 2019 lại tập trung vào môn địa lí (230), kế tiếp là văn (188) và sử (166). Tất cả các môn khác, số thí sinh điểm 0 đều giảm, chỉ trừ môn văn có số thí sinh điểm 0 tăng!

Số học sinh (và phần trăm) có điểm 0 năm 2018 và 2019

Điểm thi THPT 2019: Sơn La, Hà Giang đã hợp lý hơn

Phân tích cụ thể cho từng tỉnh thành năm 2019 cho thấy một xu hướng khác.

Điểm 0 môn toán chủ yếu tập trung ở các tỉnh như Dak Nong, Lạng Sơn, Sóc Trăng và Tây Ninh. Số thí sinh [của 4 tỉnh này] với điểm 0 môn toán chiếm 85% tổng số thí sinh toàn quốc với điểm 0 môn toán. Đối với môn hóa, số thí sinh của 3 tỉnh Dak Nong, Lạng Sơn và Sóc Trăng chiếm hơn phân nửa tổng số thí sinh có điểm 0. Riêng Cần Thơ có số thí sinh 0 tập trung ở các môn ngoại ngữ (43 thí sinh) và địa (51). Tóm lại, các tỉnh có nhiều thí sinh điểm 0 là Dak Nong, Lạng Sơn, Sóc Trăng, Cần Thơ và Đồng Nai.

Số học sinh với điểm 0 năm 2019 phân chia theo một số tỉnh thành. Dấu * không có nghĩa là 0, mà là ít, không đáng chú ý.

GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, dựa trên mối tương quan giữa các môn học, có thể phân chia các tỉnh thành thành 4 cụm chính. Cụm thứ nhất chủ yếu bao gồm các tỉnh miền Đông Tây Bắc; cụm thứ hai là chủ yếu các tỉnh vùng Trung phần; cụm thứ ba là chủ yếu các tỉnh nam trung phần và miền Tây nam; và cụm thứ tư bao gồm các tỉnh có tiếng 'học giỏi' thuộc đồng bằng sông Hồng và TPHCM.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/hoc-sinh-gioi-nam-2019-soan-de-thi-co-van-de-3384123/