Học sinh giờ cũng biết lập trình nhoay nhoáy: Google mở dự án dạy IT miễn phí tại Việt Nam cho 150.000 học viên

Có thể coi đây là bộ đồ nghề cho lớp trẻ khỏi bỡ ngỡ trước thời đại số cùng các thay đổi nó mang lại.

Thời đại 4.0 đổ bộ khiến người người nhà nhà đổ xô đi học công nghệ thông tin (IT), dự kiến sẽ là ngành nghề hot nhất toàn cầu những năm tới đây. Hiện tại, khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ thiếu khoảng 47 triệu nhân lực IT vào năm 2030, càng là lý do để thúc đẩy việc dạy các em học sinh làm quen với lập trình ngay từ cấp tiểu học. Vì vậy, hôm nay 5/12, Google chính thức giới thiệu dự án "Lập trình Tương lai cùng Google" mở rộng lần 2 sau thành công của giai đoạn 1.

Đây là dự án giáo dục hoàn toàn miễn phí, được tài trợ bởi Google và Quỹ Dariu, nhằm trang bị kiến thức về lập trình, sử dụng an toàn và khai thác hiệu quả Internet, phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Dự án năm 2018 đã chứng kiến 100% các em hoàn thành khóa học đều có thể tạo ra sản phẩm lập trình của mình bằng ngôn ngữ Scratch, minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng tiếp thu và áp dụng kiến thức của các em. Nhiều sản phẩm đã thực sự khiến người lớn ngỡ ngàng, như các ứng dụng về An toàn giao thông, Trò chơi làm Toán, Ôn luyện tiếng Anh, luyện Chính tả, Học Địa lý và những trò chơi giải trí sau giờ học.

Một số dự án của các em tham gia chương trình học.

Một số dự án của các em tham gia chương trình học.

Hệ thống tự động tưới nước thu nhỏ được lập trình tự động của các em được đem đến buổi giới thiệu.

Nhiều học viên tiêu biểu của giai đoạn 1 cũng được mời tới sự kiện giới thiệu lần 2.

Em Minh Ngọc với thành tích rất đáng nể, được ghi nhận bởi chính Google sau khi hoàn thành khóa học trước.

Đối tượng học sinh bao gồm học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên khối nghề nghiệp với số lượng lên đến 150.000 học viên, đi kèm đội ngũ 350 giáo viên, triển khai tại cả 15 tỉnh thành Bắc - Trung - Nam. Công cụ đào tạo chính sẽ là ngôn ngữ lập trình dành riêng cho trẻ nhập môn, dễ hiểu và có giao diện hỗ trợ thoải mái tùy biến. Bên cạnh những kiến thức lập trình, các em cũng được giáo dục về môi trường không gian mạng và cách để trở thành công dân mạng của tương lai, bên cạnh đó trở thành nguồn nhân lực thức thời trong thời đại số.

"Ngôn ngữ lập trình Scratch là ngôn ngữ mở, tương tác dễ dàng bằng cách kéo thả dòng code sẽ là bước ban đầu để các em làm quen. Sau đó, các em sẽ có thể phát triển những dự án cao hơn bằng ứng dụng các bo mạch Micro:bit, như các mô hình về nông nghiệp, về giao thông và các thiết bị ví dụ như nhà thông minh", ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Dariu chia sẻ.

"Khi nhìn vào dự án, không ai nghĩ đây là sản phẩm của các em học sinh trung học cơ sở. Thông qua ngôn ngữ lập trình Scratch và các bo mạch, các em có thể tạo ra những dự án rất ấn tượng. Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình của Dariu và Google, chúng tôi muốn truyền đạt thông điệp: 'Lập trình không quá khó', và các em có thể phát huy được tính sáng tạo của mình xuất phát từ chính nhu cầu và suy nghĩ của chính các em", ông Hạnh nói thêm. Đó sẽ là bước đầu để các em trau dồi khả năng lập trình và ứng phó với những bài toán trong thực tế, nhằm phát triển được những dự án mang tính ứng dụng cao hơn.

"Nếu không có điều kiện theo học các khóa trên lớp, các em có thể tự do đăng ký học online, nhờ thế nội dung chương trình giảng dạy có thể đến được với nhiều em hơn", bà Trâm Nguyễn, Giám đốc Quốc gia phụ trách các thị trường Việt Nam - Campuchia - Lào tại Google Châu Á Thái Bình Dương cũng chia sẻ.

Những chương trình dạy lớp trẻ học cách trò chuyện với máy tính bằng những ngôn ngữ lập trình dễ học, dễ áp dụng sẽ tạo cho Việt Nam một thế hệ năng động, dễ thích ứng với những thay đổi mà Cách mạng 4.0 mang lại. Bộ ngôn ngữ Scratch và bo mạch Micro:Bit, bên cạnh đó là kiến thức về mạng Internet vốn nhiều hiểm nguy, cạm bẫy sẽ là bộ hành trang đầu đời cho các em bước vào thời đại số.

CN

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hoc-sinh-gio-cung-biet-lap-trinh-nhoay-nhoay-google-mo-du-an-day-it-mien-phi-tai-viet-nam-cho-150000-hoc-vien-22019512211244375.htm