Học sinh đi tham quan: Nhà trường và phụ huynh cần làm gì?

Mới đây, một học sinh lớp 6 của Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) khi đi thăm quan đã bị tử vong. Vụ việc này khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Nhà trường kết hợp với phụ huynh cần trang bị cho học sinh những kỹ năng sống để tránh rủi ro mỗi khi tham gia các buổi dã ngoại. Ảnh minh họa: Q.A

Nhà trường kết hợp với phụ huynh cần trang bị cho học sinh những kỹ năng sống để tránh rủi ro mỗi khi tham gia các buổi dã ngoại. Ảnh minh họa: Q.A

Con tham quan, bố mẹ lo lắng

Để học sinh không bị “gà mờ” giữa kiến thức và trải nghiệm thực tế, đời sống, nhất là với thiên nhiên, trong những năm trở lại đây, hình thức tham quan, dã ngoại đã được ngành giáo dục nhiều địa phương, các nhà trường đặc biệt quan tâm, coi đây là hoạt động rất bổ ích nằm trong chương trình giáo dục từ Mầm non cho tới Trung học. Thời điểm sắp kết thúc học kỳ 1, gần kề hết năm học, các lớp cuối cấp luôn được các trường chọn tham quan, dã ngoại, chụp ảnh kỷ yếu… để tăng cường trải nghiệm, lưu lại những khoảnh khắc ý nghĩa của lứa tuổi học trò.

Tuy nhiên, dù ủng hộ các hoạt động này, nhưng với nhiều bậc phụ huynh lại chung mối lo trước các chuyến đi xa, đến những nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích của con. Bởi thời gian qua, một số vụ tai nạn của học sinh khi đi tham quan, dã ngoại do trường học tổ chức là lý do khiến phụ huynh lo lắng. Trước đó, một nam sinh lớp 9, Trường THCS Giáp Bát (Hà Nội) đã bị chết đuối sau khi cùng bạn bè tắm mát tại khe suối thuộc Khu du lịch sinh thái Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Vụ việc 7 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Bình Dương) bị đuối nước trong chuyến tham quan đến bãi biển Cần Giờ (TPHCM)…

Mới đây nhất, ngày 5/4, một học sinh lớp 6 của Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) đã tử vong khi đang tham gia dã ngoại tại khu vực thác Thăng Thiên (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình). Dù nguyên nhân vụ việc đang được xác định làm rõ, nhưng nhiều phụ huynh cũng đang lo lắng trước chuyến đi của con sắp tới, nhất là các chuyến đi xa do trường, lớp tổ chức.

Chị Thu Hà, có con học lớp 12 tại một trường THPT ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay con học lớp 12, là năm cuối cấp nên lớp đang lên kế hoạch tổ chức hoạt động tham quan, chụp ảnh kỷ yếu ở tỉnh xa. Tôi rất lo lắng vì thời gian qua, nhiều học sinh bị tai nạn khi tham gia các hoạt động tham quan tại các thác nước, đồi núi…”. Còn phụ huynh Nguyễn Thu Hương có con học tiểu học cho biết: “Sắp tới, trường của con có kế hoạch đưa học sinh đi tham quan, trải nghiệm ở vùng ngoại thành. Dù tin tưởng giáo viên, nhà trường và đội ngũ hướng dẫn viên theo đoàn, nhưng để đảm bảo an toàn cho con, tôi sẽ bố trí thời gian để đi cùng đoàn tiện theo dõi, chăm sóc các con”.

Các biện pháp an toàn cho học sinh

Có thể thấy, dù ủng hộ các hoạt động trải nghiệm, tham quan, dã ngoại của con, song nhiều phụ huynh cũng chưa hẳn yên tâm trước việc con mình trong các chuyến đi ấy, ăn uống, chơi ra sao khi không có bố mẹ? Còn với trách nhiệm nhà trường, mỗi nơi làm một khác, có nơi ký hợp đồng với công ty du lịch, có nơi tự tổ chức giáo viên quản học sinh. Cho dù với hình thức nào thì phụ huynh vẫn chưa thể yên tâm vì mỗi lớp học chỉ bố trí giáo viên chủ nhiệm kết hợp với 1-2 hướng dẫn viên, trong khi sĩ số học sinh lên tới 40-50 em/lớp. Lứa tuổi học sinh hiếu động, luôn tìm tòi, khám phá và tách khỏi đoàn…

Chỉ ra bất cập trong quản lý học sinh trong các chuyến đi hiện nay, chị Thanh Thảo – Hướng dẫn viên của một công ty du lịch chia sẻ: “Hầu hết các trường phổ thông khi tham quan đều ký hợp đồng với công ty du lịch, như vậy sẽ đảm bảo hơn về kinh nghiệm, tổ chức và quản lý học sinh. Tuy nhiên, nếu lựa chọn địa điểm ở khu vực du lịch sinh thái, mạo hiểm thì rất khó để quản học sinh, trong khi các em rất hiếu động và không tuân thủ theo chỉ đạo của hướng dẫn viên. Bản thân tôi từng chứng kiến học sinh tham gia trò chơi dân gian đơn giản như: Bập bênh, kéo co, đánh đu… bị ngã dẫn đến bị thương, gãy tay. Để trông học sinh, cả hướng dẫn lẫn giáo viên cũng rất vất vả mà không đảm bảo được an toàn tuyệt đối cho học sinh”.

Ủng hộ các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Hà Nội cho biết, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước giáo dục tiên tiến đều có các hoạt động trải nghiệm, tham quan cho học sinh, từ đơn giản như vườn bách thú, bảo tàng cho đến các địa điểm thiên nhiên kỳ vỹ, các công trình hiện đại… Dù có nhiều vụ tai nạn xảy ra, nhưng không vì thế mà dừng tổ chức hoạt động bổ ích này, bởi làm như thế là thiệt thòi đối với học sinh. Thay vì lo lắng, người lớn hãy tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong mỗi chuyến đi.

“Để tránh những rủi ro, tai nạn có thể xảy ra, phụ huynh và nhà trường cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau, lựa chọn công ty du lịch có uy tính để hợp tác. Đưa ra các biện pháp cụ thể, an toàn trong suốt chuyến đi. Nhà trường cần ban hành, phổ biến thật kỹ những nội quy để học sinh và cả giáo viên cùng thực hiện, nhất là trong việc lựa chọn điểm đến phù hợp. Phụ huynh không nên phó mặc cho nhà trường mà cần nhắc nhở, trang bị kỹ năng sống cho con em mình trước mỗi chuyến đi, nhất là phòng tránh những khu vực nguy hiểm, biết cách xử lý khi gặp nạn... Nếu cảm thấy không tin tưởng, phụ huynh có thể yêu cầu nhà trường lựa chọn địa điểm khác, hoặc từ chối đăng ký cho con em mình tham gia”, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên.

Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sau sự việc một học sinh tại Trường THCS Xuân La tử vong trong khi đi dã ngoại, hiện Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội đã yêu cầu các trường học trên địa bàn phải báo cáo toàn bộ các hoạt động ngoài nhà trường năm học 2017 - 2018, bao gồm các hoạt động đã triển khai và kế hoạch sắp tới. Nội dung báo cáo tập trung nêu rõ địa điểm tổ chức, ý nghĩa, tính hiệu quả của hoạt động, phương thức tổ chức thực hiện, các phương án bảo đảm an toàn cho đoàn, quyền lợi của học sinh, năng lực của đơn vị phối hợp tổ chức.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/hoc-sinh-di-tham-quan-nha-truong-va-phu-huynh-can-lam-gi-20180410095214748.htm