Học sinh đi học trở lại: 10 điều cha mẹ và nhà trường nên làm

Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã cho phép học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài 'chưa từng có'. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang là mối nguy hiểm khó lường, công tác phòng, chống nơi trường học được nhiều người quan tâm hơn cả.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã đưa ra những lưu ý, khuyến cáo cho các bậc phụ huynh, học sinh và cả nhà trường.

1. Đo nhiệt độ - chặn ngay mầm bệnh: Ngay từ ngoài cổng trường, cần tổ chức đo nhiệt độ cho học sinh mỗi ngày. Giáo viên phải chú ý theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh suốt quá trình học trên lớp nhằm phát hiện sớm trường hợp có biểu hiện mắc bệnh. Cha mẹ cũng nên đo nhiệt độ cho con trước khi đưa trẻ tới trường.

2. Giữ không gian thông thoáng: Nhà trường cần mở tất cả cửa chính, cửa sổ các phòng học để luồng không khí di chuyển liên tục, tạo môi trường thông thoáng cho lớp học.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách tối thiểu hơn 1m

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách tối thiểu hơn 1m

3. Đeo khẩu trang đúng cách:

- Không cần đeo khẩu trang y tế mà nên sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn sẽ thông thoáng hơn nhất là với học sinh các cấp nhỏ.

Tránh sờ tay vào khẩu trang khi đeo.

Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra.

Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo.

Tuyệt đối không được chạm tay hay bất cứ vật dụng gì vào bề mặt phía trong của khẩu trang.

Nên thường xuyên giặt sạch khẩu trang với xà phòng để dùng lại cho lần sau.

4. Rửa tay thường xuyên là biện pháp phòng bệnh COVID-19 hữu hiệu nhất. Cùng với nhà trường, phụ huynh cần hướng dẫn cho con em mình cách đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay đúng cách, nhất là với trẻ mầm non và học sinh tiểu học. Cha mẹ nên trang bị chai nước rửa tay cá nhân cho con mình.

5. Không nên cho học sinh đeo tấm chắn chống giọt bắn trong suốt quá trình học trên lớp. Tấm chắn ngăn giọt bắn có khoảng cách quá gần với khuôn mặt, khiến tầm nhìn của học sinh bị ảnh hưởng, nhìn không rõ gây mỏi mắt, có khả năng ảnh hưởng thị lực.Tấm chắn chỉ phù hợp khi đeo trong giờ chơi, học sinh đùa nghịch mặt đối mặt với nhau, tránh lơ bạn đối diện ho, hắt hơi.

6. Huấn luyện trẻ hít thở: Có ý kiến lo ngại học sinh cấp mầm non, tiểu học không chịu đeo khẩu trang trong thời gian dài, sợ con em mình khó thở, vì thế, phụ huynh cần huấn luyện trẻ hít thở khi đeo khẩu trang, hít thật sâu và thở ra từ từ, sau khoảng 30 phút đầu khó chịu sau đó sẽ quen dần.

7. Khuyến cáo học sinh không chia sẻ đồ dùng và ly tách với bạn bè.

Theo tự nhiên, trẻ em thích chia sẻ đồ dùng, các món đồ chơi yêu thích và ly tách với bạn bè. Cần dạy trẻ không chia sẻ đồ dùng cho việc ăn uống với bạn bè, đặc biệt là trong mùa dịch cúm và các dịch bệnh hô hấp khác. Virus và vi khuẩn dễ dàng truyền qua nước bọt.

8. Nâng cao đề kháng của cho học sinh bằng cách bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm, vitamin, cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc.

9. Nên chủ động cho trẻ ăn sáng ở nhà: Chủ động với bữa sáng đầy đủ dưỡng chất tại nhà. Hạn chế điều kiện tiếp xúc của con trẻ khi dùng bữa sáng nơi công cộng.

10. Chuẩn bị vật bất ly thân cho con trẻ: Ngoài sách vở, phụ huynh nên trang bị, giúp và nhắc con luôn đem theo các vật bất ly thân ( mùa dịch ) khi đến trường: Khẩu trang, nước rửa tay, khăn giấy, nón che giọt bắn.

ĐINH HẰNG (ghi)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoc-sinh-di-hoc-tro-lai-10-dieu-cha-me-va-nha-truong-nen-lam-n174000.html