Học sinh chủ động, sáng tạo, tự tin sẽ tạo nên một giờ học hạnh phúc

Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đang đi... Nhiều năm đứng trên bục giảng, thay vì đi tìm công thức để tạo ra những lớp học có nhiều học sinh giỏi, cô giáo Hoàng Thị Lộc - Giáo viên Ngữ Văn, Trường Trung học cơ sở Ban Mai (quận Hà Đông) lại luôn đi tìm đáp án cho câu hỏi: Làm thế nào để có lớp học hạnh phúc?

Vậy lớp học hạnh phúc là như thế nào? Theo cô Lộc, hiểu một cách đơn giản, lớp học hạnh phúc là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác mong chờ, hứng thú và yêu thích mỗi khi đến.

Lớp học hạnh phúc của cô giáo Hoàng Thị Lộc và các học trò.

Lớp học hạnh phúc của cô giáo Hoàng Thị Lộc và các học trò.

Đã gần 10 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng, được gặp gỡ biết bao lứa học trò đáng yêu, cô Lộc luôn thấy hạnh phúc và chưa bao giờ ngừng đam mê với công việc mà mình đã chọn. Cô luôn ấp ủ, luôn cố gắng học hỏi để mang lại cho học sinh những bài học thật vui, thật sáng tạo và thật hấp dẫn.

Ở lớp học của mình, cô Lộc không áp đặt phát triển theo khuôn mẫu mà chỉ đóng vai trò định hướng để các em học sinh được làm những gì mình yêu thích. Với môn học Ngữ văn, cô Lộc biến hóa thành bài giảng hấp dẫn qua những trò chơi, những trải nghiệm thú vị.

Xuyên suốt bài giảng, cô Lộc không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa mà còn tổ chức cho học sinh các hoạt động như: Thi sáng tác thơ, sáng tác truyện, diễn kịch, làm sân khấu hóa... Sau mỗi giờ học, cô cho học sinh khái quát lại nội dung bài bằng sơ đồ tư duy để củng cố nội dung kiến thức đã học. Chính điều này đã giúp các em học sinh cảm thấy hứng thú, chủ động, sáng tạo, tự tin trong việc học tập và giao tiếp. Nhờ vậy, các em sẽ có một giờ học vui vẻ , nhẹ nhàng và lý thú.

Học sinh thể hiện bài học Văn học dân gian thông qua sơ đồ tư duy sáng tạo

Tôn trọng cảm xúc của học trò là một trong những yếu tố giúp cô Lộc tạo nên lớp học hạnh phúc. Học sinh sẽ yêu thích việc đến trường nếu như ở đó các em được lên tiếng và được lắng nghe một cách đầy tôn trọng. Thay vì la mắng, dọa dẫm, cô Lộc luôn khuyến khích học sinh nói ra sai lầm và cảm xúc của mình để rồi cùng các em đưa ra giải pháp cụ thể. Điều này sẽ giúp các em tiếp thu bài tập tốt hơn, tự tin và hòa đồng hơn. Từ đó, rèn luyện ý thức và khả năng tập trung từ chính nhận thức của bản thân mình.

Không chỉ thi đua học tập tốt, lớp học của cô giáo Hoàng Thị Lộc còn luôn dẫn đầu phong trào thi đua của nhà trường và đạt danh hiệu lớp Xuất sắc. Nhiều đồng nghiệp tò mò hỏi: “Làm thế nào mà lớp chị luôn đứng đầu trong các phong trào thi đua như vậy?” Cô Lộc không ngần ngại bật mí: “Đó là có sự song hành của cô và trò trong mọi hoạt động. Cô trò cùng làm việc, cùng động viên nhau vượt qua mọi thử thách, biến những điều không thể thành có thể".

Là giáo viên chủ nhiệm lớp, với cô Lộc, từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử của học sinh luôn được cô hướng dẫn và uốn nắn một cách cụ thể, tận tình. Lớp học luôn gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp; học sinh nữ thì chăm chỉ, khéo léo, dịu dàng; học sinh nam luôn biết giúp đỡ, nhường nhịn, ga-lăng. Đặc biệt, các em học sinh luôn chia sẻ, gắn bó, thân thiết với nhau như một đại gia đình lớn.

Theo cô Lộc, tôn trọng cảm xúc của học trò là một trong những yếu tố giúp tạo nên lớp học hạnh phúc.

Một kỉ niệm mà cô Lộc nhớ mãi, đó là vào năm lớp 6, khi mới tiếp nhận lớp chủ nhiệm mới, có một học sinh cá tính và có phần hơi bướng bỉnh. Ban đầu có nhiều ý kiến phản ánh từ phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp về ý thức học tập của H. ở lớp. Cô Lộc đã tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình để nắm bắt tâm lý học sinh. Cô dùng cách động viên, khích lệ kịp thời những thành tích mà H. đạt được, đồng thời trao cho H. cơ hội để được thể hiện mình.

Hàng ngày, cô Lộc đều dành thời gian tâm sự, nói chuyện với H. để thấu hiểu và uốn nắn kịp thời những hành vi chưa đúng. Dần dần, cô nhận thấy một sự thay đổi lớn ở H.. Em bắt đầu tích cực tham gia phong trào của lớp, chủ động giúp đỡ cô giáo và các bạn trong các hoạt động. Nhờ vậy dần chiếm được sự yêu quý và tin tưởng của thầy cô giáo và các bạn trong lớp. Bên cạnh đó, H. còn rất quan tâm đến cô Lộc qua từng chi tiết nhỏ. Có đồ gì ăn ngon, H. đều để dành phần cô. Khi cô bị ốm, H. đã đứng dậy nhắc nhở cả lớp giữ trật tự, rồi mang lên bàn cho cô một cốc nước. Mùa đông lạnh, cô Lộc bị ho nhiều, bài giảng có đôi lúc bị ngắt quãng, H. đã lặng lẽ mua tặng cô một lọ thuốc ho. Sáng hôm sau đến lớp, cô Lộc đã thấy hộp thuốc được đặt ngay ngắn trên mặt bàn. Dù chỉ là những hành động nhỏ thôi nhưng cũng khiến cô Lộc cảm thấy thật ấm lòng.

Hạnh phúc đôi khi đến từ những điều rất nhỏ bé, bình dị. Đó là được ngắm nhìn những nụ cười rạng ngời và ánh mắt lấp lánh của học sinh mỗi ngày. Đây cũng chính là niềm hạnh phúc to lớn, là động lực để cô Lộc tiếp tục gắn bó với học sinh để cùng tạo nên những giờ học thật sự hạnh phúc và chuyên tâm với sự nghiệp trồng người.

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hoc-sinh-chu-dong-sang-tao-tu-tin-se-tao-nen-mot-gio-hoc-hanh-phuc-97850.html