Học sinh chế tạo thiết bị giám sát sức khỏe từ xa

Khi giám sát nhịp tim và nồng độ oxy trong máu, thiết bị sẽ đối chiếu với dữ liệu chuẩn để đưa ra cảnh báo cho người sử dụng thiết bị và gửi thông tin cho những số điện thoại đã cài đặt.

Thanh Nhàn (phải) và Hữu Hiệu- tác giả của đề tài.

Nói về lý do chọn đề tài trên, Thanh Nhàn cho rằng, giám sát sức khỏe con người là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu của xã hội. Sức khỏe của con người được biết thông qua các thông số nhờ nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ, nồng độ oxy trong máu… Tuy nhiên, có 2 thông số quan trọng giúp cho chúng ta đánh giá nhanh về sức khỏe của con người đó là nhịp tim và nồng độ oxy trong máu.

"Nhịp tim phản ánh thông tin về hệ tuần hoàn. Thông qua việc giám sát nhịp tim, chúng ta có thể phán đoán về tình trạng của hệ tuần hoàn và nồng độ oxy trong máu phản ánh tình trạng hệ hô hấp. Hệ tuần hoàn hoạt động không tốt thì sẽ không cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể, làm cho chúng ta mệt mỏi, thiếu máu và có thể đột quỵ dẫn đến tử vong"- Thanh Nhàn chia sẻ.

Theo Thanh Nhàn, mặc dù trên thị trường, thời gian qua đã có một số thiết bị hỗ trợ cho mục tiêu này nhưng chúng đều có chung một hạn chế là không cho phép giám sát từ xa, không giúp cho người thân hay bác sĩ theo dõi được tình trạng sức khỏe của người lớn tuổi hay bệnh nhân khi ở xa. Hoặc chỉ có thiết bị giám sát nhịp tim hoặc là thiết bị giám sát nồng độ oxy trong máu. Trong khi đó, thiết bị của hai học sinh này đồng thời giám sát một lúc vừa nhịp tim vừa nồng độ oxy trong máu.

Nhóm tác giả của đề tài cho biết, quá trình sáng chế, các em đã thực hiện cuộc thực nghiệm bằng mô hình máy đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu trên 100 người ở các nhóm tuổi từ 1 - 10, từ 10 - 70 và trên 70. Ban đầu kết quả mang lại có sự chênh lệch nhưng sau khi điều chỉnh thiết bị đã hoạt động ổn định. Nói về nguyên lý hoạt động, các tác giả cho biết, sản phẩm có khối xử lý trung tâm luôn đọc thông tin từ khối cảm biến và xử lý thông tin nhận được thành các dữ liệu cần thiết. Sau đó, dữ liệu được đưa lên server thông qua kết nối Internet. Nếu nhịp tim và nồng độ oxy trong máu vượt quá mức cho phép thì hệ thống cảnh báo sẽ bật đèn cảnh báo cho người sử dụng. Ngoài ra, ở trên hệ thống còn có lắp SIM900 cài đặt sẵn số điện thoại của người thân hay các cơ quan y tế. Nếu người sử dụng có vấn đề về sức khỏe, hệ thống sẽ tự động gửi thông tin theo các số điện thoại này.

Thiết bị giám sát nhịp tim và nồng độ oxy trong máu.

Với tính hiệu quả thực tế, đề tài máy giám sát nhịp tim và nồng độ oxy trong máu ứng dụng công nghệ IoT của Thanh Nhàn và Hữu Hiệu đã xuất sắc vượt qua gần trăm đề tài khác và vừa đoạt giải Nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh TT-Huế năm 2018. Đề tài này cũng được chọn dự thi quốc gia. Thanh Nhàn cho biết, với các kết quả nghiên cứu từ cơ sở lý thuyết và thực nghiệm, hướng phát triển của đề tài máy giám sát nhịp tim và nồng độ oxy trong máu ứng dụng công nghệ IoT là tiếp tục nghiên cứu, phát triển bằng cách tìm hiểu sâu hơn khả năng và vai trò của công nghệ IoT để kết hợp với các xu hướng công nghệ hiện đại và ứng dụng của nó. Đồng thời, đúc kết các kết quả trên thực tế qua quá trình thực nghiệm để đưa ra nhiều hướng bổ sung cho đề tài, đảm bảo về mặt nội dung, phương pháp thực hiện, góp phần làm phong phú thêm việc ứng dụng công nghệ IoT để giám sát sức khỏe của con người.

"Nếu đề tài này được áp dụng vào thực tế và nhân rộng đại trà thì rất tốt, giúp cho nhiều người trong việc giám sát sức khỏe hay cảnh báo khi trẻ em gặp một số sự cố như bị bắt cóc, sợ hãi, đau ốm…"- Th.S Hoàng Minh, giáo viên trực tiếp hướng dẫn đề tài cho hai học sinh này chia sẻ.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_198022_hoc-sinh-che-tao-thiet-bi-giam-sat-suc-khoe-tu-xa.aspx