Học sinh cấp 3 hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng làm sao để nhận ra cơ hội?

Học sinh trường Trung học phổ thông Phương Xá (huyện Cẩm Khê - Phú Thọ) đã nêu câu hỏi này với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Ngày 12/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, trường Trung học phổ thông Phương Xá (huyện Cẩm Khê – Phú Thọ) tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Được biết, trong hành trình 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của nhà trường, trường Trung học phổ thông Phương Xá đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói chuyện với các em về thách thức, cơ hội trong thời đại cách mạng 4.0. Ảnh: Đỗ Thơm

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói chuyện với các em về thách thức, cơ hội trong thời đại cách mạng 4.0. Ảnh: Đỗ Thơm

Năm 2014, nhà trường được các cấp có thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn Quốc Gia giai đoạn 1. Năm 2015 trường được đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đạt cấp độ 3.

Đặc biệt, từ năm học 2015-2016, 2016-2017, nhà trường đã khẳng định được chất lượng giáo dục mũi nhọn: Năm học 2016-2017 đã có 6 học sinh đỗ Đại học đạt từ 27 điểm trở lên; năm học 2016-2017 đội tuyển tham dự kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia cấp Tỉnh đã đứng ở vị trí số 1 trong các trường Trung học phổ thông tham dự kỳ thi.

Thầy Trịnh Việt Phương – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phương Xá tự hào chia sẻ, rất nhiều học sinh nhà trường đã đạt được thành công nổi trội. Đó là những chủ doanh nghiệp có doanh thu tới con số hàng chục tỷ đồng, những học sinh đạt được mức điểm cao đỗ vào các trường đại học trong cả nước.

Đây là động lực, là nền tảng để thầy và trò nhà trường nối tiếp truyền thống ấn tượng đó trong dạy và học. Vì thế, buổi hội thảo do Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với kinh nghiệm, kiến thức sẽ truyền lửa thêm cho học sinh nhà trường.

Học sinh trường Trung học phổ thông Phương Xá đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Đỗ Thơm

Tại buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nói chuyện về những cơ hội, thách thức trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, những tấm gương khởi nghiệp thành công trên nhiều lĩnh vực được chia sẻ với hơn 1.000 học sinh của trường.

Sau những chia sẻ của Giáo sư, em Nguyễn Thị Hồng Nhung – học sinh lớp 10 A5 nêu câu hỏi: “Em từng xem một bức tranh nổi tiếng nói về vị thần cơ hội có một chỏm tóc.

Thực tế, trong cuộc sống có nhiều người không nhận ra được cơ hội để cho mình thăng tiến hay tạo nên bước ngoặt thay đổi cuộc đời của mình.

Vậy xin hỏi Giáo sư, làm sao để nhận biết đấy là cơ hội đến với mình?”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Có một trong 3 điều không bền vững trong cuộc sống đó là cơ hội. Cơ hội qua đi thì sẽ không quay trở lại được.

Không ai khác, chính em phải tự nhận ra cơ hội của mình. Em phải biết rằng là em có năng lực gì, cơ hội đến có hợp với em không. Em phải nắm bắt nhanh”.

Em Vũ Hương Giang – học sinh lớp 11A1 hỏi: “Thầy là một Giáo sư được rất nhiều người ngưỡng mộ. Vậy, ở tuổi 82, thầy còn điều gì nuối tiếc khi mình còn trẻ đã không làm được không ạ?”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: "Tôi vô cùng nuối tiếc vì đã lo học hành, tuổi trẻ không học nhạc cụ gì cả. Vì thế hôm nay nhìn nhiều em đánh đàn ghi ta, tôi rất thích.

Vì thế, tôi nói với các em, ngoài việc siêng năng học hành trau dồi kiến thức, các em hãy theo học thêm nhạc cụ hay một môn nghệ thuật gì đó mà các em thích để phát triển toàn diện hơn”.

Em Giang hỏi tiếp Giáo sư “nếu được quay lại tuổi trẻ”, thầy có học cách chơi một nhạc cụ nào không?

Giáo sư nhấn mạnh, thời gian, tuổi trẻ không thể quay lại nhưng nếu được quay lại, đương nhiên tôi sẽ tìm học một nhạc cụ nào đó.

Thầy Trịnh Việt Phương – Hiệu trưởng nhà trường gửi lời cảm ơn đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Đỗ Thơm

Bày tỏ băn khoăn về thách thức trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với vấn đề việc làm, em Nguyễn Thị Huyền Trang – học sinh lớp 11A8 hỏi: “Ở thời đại 4.0, chúng ta nên học ngành gì để không thất nghiệp?”.

Em Trang cũng thể hiện nguyện vọng muốn theo học ngành công nghệ thông tin.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, nhiều ngành nghề lao động phổ thông như lái xe, công nhân may…có thể sẽ bị thay thế bởi rô bốt. Đó là các nguy cơ hiện hữu.

Việt Nam đã tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Vì thế các em hoàn toàn có thể lao động ở bất cứ nước nào là thành viên của Hiệp định này.

Quan trọng là các em chuẩn bị đủ kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ để tham gia được thị trường lao động mang tính hội nhập quốc tế cao.

Ngành mà bạn Trang mong muốn theo đuổi là một ngành công nghệ mũi nhọn.

Thầy chúc con sẽ thực hiện được mong muốn đó. Con hãy cố gắng, nỗ lực học tốt Toán, Lý, Ngoại ngữ…để từng bước làm tốt công việc đó.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giáo viên nhà trường. Ảnh: Đỗ Thơm

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-cap-3-hoi-giao-su-nguyen-lan-dung-lam-sao-de-nhan-ra-co-hoi-post197468.gd