Học sinh cần tiêu chí nào để được tuyển thẳng vào lớp 10 công lập Hà Nội?

Có bốn nhóm đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10 công lập của TP Hà Nội năm học 2020-2021.

Ngày 19/5, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản 152/SGDĐT-QLT gửi trưởng phòng GD&ĐT các quận huyện, thị xã, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các Trung tâm GDNN-GDTX hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020-2021.

Trường hợp được tuyển thẳng vào lớp 10 công lập Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Trường hợp được tuyển thẳng vào lớp 10 công lập Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên tại Hà Nội diễn ra vào ngày 17/7/2020 và 18/7/2020 với 3 bài thi gồm ngữ văn, ngoại ngữ và toán. Trong đó, bài thi ngữ văn và toán thi theo hình thức tự luận, bài thi ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Nếu học sinh có nguyện vọng dự thi vào lớp 10 chuyên, ngoài việc dự thi các môn nói trên thì phải dự thi thêm các bài thi môn chuyên vào chiều 18/7/2020 và sáng ngày 19/7/2020. Nếu học sinh có nguyện vọng dự thi vào lớp 10 chương trình song bằng thì phải dự thi thêm các bài thi theo chuẩn CAIE vào ngày 20/7/2020 và nếu đạt điều kiện sẽ dự phỏng vấn vào ngày 1/8/2020.

Đối tượng dự tuyển là học sinh đã tốt nghiệp THCS hoặc chương trình GDTX với độ tuổi là 15, ngoài một số trường hợp đặc biệt như học sinh đã được học vượt lớp, học sinh vào lớp ở độ tuổi cao hơn quy định, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh ở nước ngoài về nước, học sinh thiếu 1 tuổi do tồn tại từ những năm học trước.

Để dự tuyển vào trường THPT công lập, học sinh hoặc bố, mẹ của học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Để làm căn cứ cho việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển, toàn thành phố được phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh.

Học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực tuyển sinh nào được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đó. Ngoài ra, học sinh phải lưu ý điều kiện để đăng ký ngoại ngữ học tại trường THPT bảo đảm nối tiếp chương trình đã học ở cấp THCS theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chuyên tại các trường THPT chuyên và các trường THPT có lớp chuyên, vào lớp 10 chương trình song bằng, vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trường THPT ngoài công lập... thì không phải áp dụng quy định về khu vực tuyển sinh. Các trường này được phép tuyển học sinh trên toàn địa bàn thành phố.

Mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập ở cùng một khu vực tuyển sinh, nhưng cần lưu ý là 2 trường này phải được xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm.

Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2. Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 1, không nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 2. Đây là quy định mà các em cần nắm vững để quyết định đăng ký, sắp xếp nguyện vọng dự tuyển phù hợp.

Bên cạnh đó, học sinh cũng cần lưu ý, khi đã trúng tuyển vào trường THPT công lập thì phải học ổn định hết cấp học tại trường THPT đó. Trường hợp đặc biệt phát sinh trong quá trình học tập cần chuyển trường thì phải được Giám đốc Sở GD&ĐT cho phép.

Cũng theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, có bốn đối tượng thuộc diện tuyển thẳng vào lớp 10 THPT.

Thứ nhất là học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT của trường Phổ thông dân tộc nội trú.

Thứ hai, đối tượng học sinh là người dân tộc rất ít người (thuộc một trong các dân tộc sau: La Ha, La Hủ, Pà Thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Si La, Pu Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu).

Thứ ba, đối tượng là học sinh khuyết tật. Học sinh khuyết tật là học sinh bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng không bình thường khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; Học sinh khuyết tật phải có Giấy xác nhận khuyết tật do Chủ tịch UBND cấp xã cấp khi làm hồ sơ đăng ký tuyển thẳng.

Thứ tư, đối tượng học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

Các cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc Bộ GD&ĐT phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức, gồm: Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 (SWIS-2019). Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”; Cuộc thi “Giao thông học đường”. Thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa. Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT. Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (gồm các môn thể thao được dạy trong trường học, được tổ chức 4 năm/lần). Cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.

Thí sinh thuộc một trong bốn đối tượng tuyển thẳng ở trên chỉ đủ điều kiện đăng ký tuyển thẳng khi học sinh hoặc bố, mẹ của học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Học sinh được đăng ký vào trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh tương ứng với hộ khẩu thường trú. Nếu đăng ký vào trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc THPT ngoài công lập thì không phân biệt khu vực tuyển sinh.

Ngày 12/6 những học sinh trong diện tuyển thẳng, nộp hồ sơ đăng ký dự xét tuyển thẳng tại cơ sở giáo dục nơi học sinh học lớp 9. Ngày 10/7, Sở GD&ĐT công bố danh sách học sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng. Từ ngày 3 đến ngày 5/8 học sinh có Quyết định trúng tuyển diện tuyển thẳng xác nhận nhập học tại trường THPT nơi đăng ký tuyển thẳng theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Từ ngày 12 đến ngày 15/8 học sinh nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT trúng tuyển thẳng.

Hoàng Mai

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoc-sinh-can-tieu-chi-nao-duoc-tuyen-thang-vao-lop-10-cong-lap-ha-noi-a476084.html