Học sinh bóp cổ cô giáo: Đình chỉ 1 năm có thể gây cú sốc tâm lý

Việc hội đồng kỷ luật Trường THCS Tân Thạch (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) quyết định đình chỉ học tập 1 năm đối với học sinh N.V.M.T, người văng tục và bóp cổ cô giáo ngay tại lớp học trong giờ học tiếng Anh vào ngày 2.3, liệu có giúp em học sinh tốt hơn hay đang đẩy em ra xa hơn?

Đình chỉ học một năm với học sinh bóp cổ cô.

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho rằng, việc học sinh bóp cổ cô giáo là một hành vi không đúng nhưng lỗi không nằm hoàn toàn ở em học sinh mà còn do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có hệ thống giáo dục, khi đã không dạy cho các em cách ứng xử đúng trong những tình huống như vậy.

Việc kỷ luật học sinh như thế nào tùy thuộc vào nội quy của từng trường học đã được thông báo công khai cho phụ huynh và học sinh ngay từ đầu năm học. Bên cạnh đó, khi áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật nào đối với học sinh, nhà trường, thầy cô cần phải xem xét từng tình huống cụ thể, làm thế nào để hình phạt có tính giáo dục cao nhất.

“Trong trường hợp này, hãy cân nhắc đến tính giáo dục của hình thức kỷ luật, liệu đình chỉ học một năm có làm cho em học sinh rút ra được bài học và tốt lên hay không hay là còn một hình thức kỷ luật nào khác giúp em tốt lên và vẫn kết nối được với trường học để phát triển thành công dân tốt cho xã hội. Đó là điều chỉ có những người trong cuộc là nhà trường, thầy cô mới có thể cân nhắc và quyết định được. Tất cả các hình phạt phải cân nhắc đến tính giáo dục cho học sinh, vì sự phát triển của học sinh”, TS Nam phân tích.

TS Thành Nam cũng đặt câu hỏi, vậy trong một năm không được đến lớp, em học sinh sẽ làm gì và trong trường hợp xấu nhất, em có thể bị bạn xấu rủ rê và làm nhiều hành động gây hại cho xã hội? Việc đẩy công dân phạm lỗi ra khỏi môi trường giáo dục khiến họ có nhiều nguy cơ không có khả năng “trở lại”.

Hình thức kỷ luật này cũng có thể tạo ra cú sốc tâm lý lớn trong một số trường hợp, có thể làm “quay ngoắt” hướng đi cuộc đời của một con người và thậm chí là hạn chế tiềm năng. Trường hợp, học sinh cho rằng hình thức kỷ luật này là hành động không công bằng của ban giám hiệu, của thầy cô thì rất có thể làm thay đổi niềm tin và thái độ của nhiều học sinh về hệ thống giáo dục này.

Nêu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, TS Nam cho biết, hình phạt dành cho trẻ vị thành niên mắc lỗi luôn được giảm nhẹ. Thay vì để học sinh phải chịu những hình thức quản chế khắt khe thì nên để các em mắc lỗi phải làm việc hỗ trợ cộng đồng như lao động công ích. Việc này vừa giúp các em biết rằng mắc lỗi thì phải chịu phạt, vừa cho các em cơ hội chuộc lỗi để tốt lên.

Thiên Bình

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/hoc-sinh-bop-co-co-giao-dinh-chi-1-nam-co-the-gay-cu-soc-tam-ly-595690.ldo