Học quan sát của tiền nhân

Nghề báo, có rất nhiều thể loại đòi hỏi người viết phải nhìn nhận đúng bản chấtnhân vật.

Học quan sát của tiền nhân. Ảnh: TL

Không ít nhà báo viết về cái hay, cái tốt nhằm nêu gương nhân vật như một điển hình tiên tiến nhưng lại bị chính nhân vật phản ứng vì nói không đúng. Thậm chí có người bịa đặt, gán ghép nhiều điều tốt cho nhân vật đến nỗi khi lên“giấy trắng mực đen”thì tác giả phải lảng tránh vì tự thấy ngượng ngùng.

Lời dạy tiền nhân

Khổng Tử (người nước Lỗ 551 - 479 TCN) cả đời chăm lo đạo đức làm nền tảng của xã hội, nói: “Biết người” là khâu quan trọng trong đạo xử thế. Vậy phải làm thế nào để hiểu được người khác? Điều quan trọng là phải biết quan sát!

Có ba việc phải lưu ý: Xem người đó làm gì. Tức là quan sát cái bên ngoài; Xem động cơ của lời nói, việc làm. Tức là nghĩ tới cái bên trong; Xem thái độ ngôn và hành của người đó, có vẻ gì là lo lắng suy nghĩ không. Tức là xem cái thần sắc của người đó. Quan sát từ đầu đến cuối, từ ngoài đến trong, thì liệu người đó còn che đậy được gì nữa đây?(1)

Bác Hồ dạy, “Người viết báo phải viết đúng sự thật, có thế nào viết thế ấy. Viết biểu dương cũng như viết phê bình phải chân thành, đúng đắn. Thái độ phải rõ ràng trong khen, chê. Lập trường phải vững vàng”(2) .

Người đặc biệt nhắc nhở: “Phê bình phải đúng đắn, thật thà, chân thành. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Muốn thế nhà báo phải có tài liệu, tư liệu... Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là phải quan sát.

Bác mách bảo: “Nghe: Lắng tai nghe cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết. Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi. Thấy: Mình phải đi đến, xem xét mà thấy. Cụ thể, sâu sát thực tế. Xem: Xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài... Muốn có nhiều tài liệu thì phải xem cho rộng. Ghi: Ghi những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết... Tìm tài liệu cũng như các công việc khác, phải chịu khó”.

Đương nhiên, bài báo hay trước tiên phụ thuộc vào chủ đề. Sự độc đáo của chủ đề là phẩm chất hay của bài viết, khiến người đọc cảm thấy không đọc ở nơi nào khác được. Bài báo tốt là nhờ phát hiện vấn đề chính xác, viết hấp dẫn, bổ ích thiết thực. Tài quan sát phải được coi là đức hạnh, là phẩm chất làm người.

Sách Nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam từng viện dẫn tài nhìn người của Hoàng hậu ở nước nọ khi chọn vợ cho con là Đại Quận Công. Đại thể, theo yêu cầu, một hôm những người giúp việc đưa tới ba cô gái trẻ, đẹp trên cùng một chiếc xe.

Ngồi trong nhà, qua ô cửa quan sát, Hoàng hậu thấy: Cô Cả nhảy tót qua cửa xe để xuống; bà thầm nghĩ cô này lẳng lơ! Cô Hai dáng vẻ vênh vang; bà thầm nghĩ cô Hai kiêu kì, hướng ngoại! Khi ấy cô Ba không có vẻ sắc nước hương trời như cô Cả, cô Hai, nhưng từ tốn, khoan thai bước xuống; bà thốt ra lời: Cô Ba khiêm nhường, hướng nội, hiền thảo!... Đó là cách quan sát mang tính nhân tướng học, theo quan niệm nhìn người của một tầng lớp xã hội.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: TL

Con mắt tinh tường

Với nghề báo, cho dù thời gian cách xa cả nghìn năm, nghệ thuật “biết người”, quan sát để chọn người của Khổng Tử vẫn rất bổ ích cho mỗi người làm báo. Quan sát (cái bên ngoài; nghĩ cái bên trong; xem cái thần sắc của con người) để hiểu thấu đáo về nhân vật, thật sự thiết thực để nhà báo thể hiện nhân vật qua ngôn từ thuật, tả cử chỉ, hành động; tâm đức, bản tính của nhân vật sát thực, trung thực, khách quan; không phỏng đoán, suy diễn, đặt điều cho nhân vật.

Khổng Tử còn nói, cần quan sát cái bên ngoài đối với những người có hoàn cảnh khác nhau: “Láng giềng của người đó. Bè bạn của họ là ai. Cử chỉ của những người thành đạt. Việc mà người cùng khổ không làm. Cái mà người nghèo không nhận”.

“Biết người, biết mặt khó biết lòng. Như vậy phải mất công, mất sức, phải thận trọng tỉ mỉ, phải biết quan sát tinh tế... Phải có quan điểm độc lập khi quan sát. Không bị người khác lôi kéo. Người bị người khác ghét bỏ, ta quan sát tỉ mỉ; người được người khác hoan nghênh, ta càng phải quan sát kỹ càng... Nếu được người hiền đức khen ngợi mới là người tốt; còn người tà ác nói tốt thì không thể tốt được”. Nghĩa là tin người, nhưng không tin mù quáng. Phải biết kết hợp với sự quan sát tỉ mỉ của mình”.

Bác Hồ thăm và tìm hiểu về hoạt động sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (nay thuộc TP Hải Dương) năm 1957. Ảnh: TL

“Kiến thức sâu sắc khi quan sát một người thì không được phỏng đoán tùy tiện, nhưng lại phải quan sát ngay được cái thiện, cái ác của người đó... Quan sát cái sai của một người là để hiểu về người đó... Sai lầm của con người có nhiều loại. Quan sát sai lầm của một người thì biết người đó là loại người nào”! (3). Quan sát như thế, thật quá thiết thân với nhà báo, bớt đi lỗi lầm không đáng có của nhà báo!

Thiên chức của nhà báo là thông tin. Trước nhất, giúp người đọc hiểu đúng, hiểu đầy đủ vấn đề mình viết. Bởi vậy, hơn ai hết, báo chí và nhà báo phải luôn học hỏi tiền nhân, thấm sâu những lời dạy của Bác Hồ: “Nhiệm vụ của tờ báo là: Tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức nhân dân để đưa dân chúng đến mục đích chung... Nhà báo phải đi sâu vào thực tế, gắn bó với thực tế. Phải biết lãnh đạo dư luận. Nghĩa là báo chí phải hướng dẫn dư luận, định hướng dư luận xã hội lành mạnh, định hướng hành động cách mạng cho quần chúng”(4) .

Người nhắc nhở: Nhà báo phải cổ vũ nhân tố mới bằng cách viết cho hay, viết cho chân thật và hùng hồn. Bác coi chân thật là nguyên tắc của báo chí. Cho nên báo chí phải phản ánh đúng sự thật, chống giả dối. “Chống làm láo, báo cáo hay”! Cho nên chúng ta phải hết sức coi trọng khâu lấy tài liệu (nghe, hỏi, thấy, xem, ghi); luôn sâu sát thực tế, chịu khó khai thác tài liệu.

Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa rõ thì chớ nói, chớ viết. Điều này thật vô cùng quan trọng khi thông tin mạng xã hội đang lấn lướt, thật giả lẫn lộn... Nhà báo viết để cổ vũ dân chúng noi gương, nên theo Bác là: “Phải viết cho hay, cho văn chương... Thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì người ta mới đọc”! (5) .

Lời tiền nhân thật hữu ích; chẳng khi nào cũ với nghề báo, với mỗi người làm báo. Nhất là khi viết bài xoay quanh chủ đích nêu gương người tốt việc tốt./.

Nguyễn Uyển

(1) Tác phẩm “Hồ Văn Phi đàm đạo với Khổng Tử” do Vũ Ngọc Quỳnh dịch, NXB Văn học ấn hành năm 2000. - Tr 208).
(2) Sách “Cách viết”, Hội những người viết báo VN xuất bản năm 1955. In lại trong tập “Báo chí mấy thể loại thông dụng” - NXB.VHTT-2004
(3) Sách đàm đạo với Khổng Tử , tr 209 - tr 212).
(4) Thư gửi lớp Báo chí Huỳnh Thúc Kháng - tháng 5/1949 của Hồ Chủ tịch (5) Sách Tư tưởng HCM, tr.122

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/hoc-quan-sat-cua-tien-nhan-n11509.html