Học qua trải nghiệm: Nhờ học hay, học sinh... hay học

Trong kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh, Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã hướng tới tiếp cận dạy học tích hợp Lịch sử - Địa lý, từ năm học 2021 - 2022.

Vừa nghe thuyết minh, vừa tận mắt nhìn hiện vật, học sinh thêm hiểu và yêu môn Lịch sử.

Vừa nghe thuyết minh, vừa tận mắt nhìn hiện vật, học sinh thêm hiểu và yêu môn Lịch sử.

Tích hợp nhiều kiến thức

Cô Vũ Hạnh Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết: Xây dựng những hoạt động trải nghiệm gắn với kiến thức môn học nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới, là điều nhà trường đặc biệt chú trọng trong kế hoạch giáo dục.

Việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm môn Lịch sử theo hình thức kết hợp trong một buổi thực tế, vừa được nghe hướng dẫn viên thuyết minh, tham quan hệ thống trưng bày hiện vật. Học sinh đồng thời tham gia tái hiện kiến thức lịch sử qua hoạt động liên quan đến bài học, giúp có cơ hội hiểu sâu sắc hơn các kiến thức trong sách giáo khoa.

“Các hiện vật được trưng bày, ở bảo tàng đã rút ngắn khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, khiến những điều trong sách vở không còn trừu tượng mà hiện hữu ngay trước mắt học sinh. Các em có thể cảm nhận được chiều dài không gian và thời gian lịch sử một cách dễ dàng”- cô Nguyên nhìn nhận.

Với cô Phạm Thị Ngọc Thúy, Trưởng bộ môn Lịch sử Trường THCS Chu Văn An, khi cách tiếp cận kiến thức của môn học hay, hữu ích, gần gũi, học sinh sẽ “hay học”, chịu khó tìm tòi đào sâu thêm những nội dung mà các em yêu thích. Đồng nghĩa với việc, các em phát huy được khả năng nội tại, từ đó khơi dậy năng lực, phẩm chất cần có.

Cô Thúy cho rằng: Học lịch sử qua trải nghiệm không chỉ khiến học sinh hào hứng mà ngay cả giáo viên cũng phải “học” để đổi mới cách dạy, tiếp cận vấn đề. 45 phút trên lớp, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin (CNTT) chỉ đủ để thầy và trò chinh phục kiến thức trong sách giáo khoa. Với hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng, các em được tiếp xúc với hiện vật thật. Vì vậy, kiến thức sẽ được khắc sâu hơn, toàn diện hơn.

“Nếu học không gắn với trải nghiệm thực tế sẽ khó tránh khỏi những khoảng trống kiến thức. Hơn thế, tiếp cận kiến thức lịch sử, học sinh còn thu nạp được hiểu biết về địa lý, khoa học... Hoạt động trải nghiệm chính là bước đệm, cơ sở để nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”- cô Thúy bày tỏ.

Em Trần Hoàng Minh - lớp 6C2, Trường THCS Chu Văn An bộc bạch: Chúng em rất hào hứng khi tham gia các hoạt động trải nghiệm môn học gắn với thực tế. Qua hoạt động trải nghiệm môn Lịch sử, chúng em thấy dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng tiếp thu được những nội dung cơ bản trong sách giáo khoa và nắm bắt được bản chất của sự kiện, diễn biến, nhân vật lịch sử.

Xúc động khi được nghe, nhìn, tái hiện giá trị lịch sử của cha ông để lại, em Nguyễn Thị Hà Phương, học sinh lớp 6C1, Trường THCS Chu Văn An chia sẻ: Lần đầu tiên, em thấy môn Lịch sử lại thú vị đến thế. Việc học ở bảo tàng “rất khác” khi học tại lớp. Cách học này giúp chúng em hiểu, yêu lịch sử đất nước mình. Học lịch sử, em có thêm những kiến thức về địa lý liên quan đến diễn biến của sự kiện, như: Không gian, thời tiết, địa danh, địa hình…

Học sinh hào hứng tìm hiểu kiến thức lịch sử qua trải nghiệm thực tiễn.

Giáo viên sẵn sàng dạy học tích hợp

Theo cô Vũ Hạnh Nguyên, thông qua hoạt động trải nghiệm tại địa danh lịch sử, học sinh không chỉ học được kiến thức mà còn tích hợp được kiến thức của nhiều môn học khác. Ví dụ, với trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ở môn Sinh học, học sinh sẽ biết thời kỳ nguyên thủy con người sống và săn bắt như thế nào. Ở môn Địa lý, học sinh biết về tác động của thủy triều ra sao, địa hình hiểm trở thế nào, tác động của thời tiết đến diễn biến sự kiện… Qua đây, giáo viên cũng dễ hình dung phương pháp tổ chức dạy học tích hợp sẽ bắt đầu triển khai trong năm học tới với lớp 6.

“Trước đây, mỗi giáo viên Lịch sử, Địa lý sẽ dạy môn học của mình theo chuyên môn riêng. Do đó, khi nghe đến việc phải dạy học tích hợp, liên môn, thầy cô đều lo lắng. Thực tế, dạy học tích hợp là đưa kiến thức lịch sử vào bài địa lý và ngược lại, chứ không phải là một giáo viên môn Lịch sử phải chuyển sang đi dạy Địa lý”- cô Nguyên cho hay.

Do đó, theo cô Nguyên, giáo viên các môn phải chia sẻ, sinh hoạt chuyên môn chung để có thể tích hợp một phần hoặc tích hợp theo chủ đề, bảo đảm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Ngoài chuyên môn của từng người, giáo viên phải có sự giao thoa, hỗ trợ lẫn nhau, từ đó dần làm chủ chương trình…

Đón bắt chương trình mới, những năm học gần đây, giáo viên nhà trường đã triển khai dạy tích hợp một số môn. Sách giáo khoa mới cũng đưa rõ nội dung cần tích hợp nên khi áp dụng vào dạy học chính thức trong năm học này sẽ không phải là vấn đề khó khăn.

Cô Phạm Thị Ngọc Thúy cho rằng: Bên cạnh các tiết dạy độc lập, giáo viên dạy các môn tích hợp sẽ phải tăng cường hơn nữa làm việc nhóm, phối hợp để có bài giảng liên môn phù hợp với học sinh và yêu cầu của chương trình. Cùng với đổi mới phương pháp tiếp cận và truyền tải kiến thức môn học, việc kiểm tra, đánh giá, thi cử sẽ dần đồng bộ với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đó là đánh giá được năng lực tổng hợp của người học chứ không phải kiểm tra việc ghi nhớ máy móc.

Với học sinh chưa học lịch sử ở nhà trường, chương trình tập trung giới thiệu các nhân vật, sự kiện lịch sử. Học sinh đã học lịch sử, chương trình được thiết kế gắn kết với nội dung sách giáo khoa. Các bài giảng được thiết kế hấp dẫn, kết hợp với phương pháp truyền đạt qua chuyện kể và tổ chức trò chơi bằng câu hỏi, hoạt động tương tác, đã tạo ra sự hứng thú học tập cho các em. - Bà Nguyễn Thị Hà (cán bộ phòng Giáo dục Công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/hoc-qua-trai-nghiem-nho-hoc-hay-hoc-sinh-hay-hoc-rvkDcejMg.html