Học phí trường Y phía Nam tăng gấp 5, thí sinh 'nhào' ra Bắc?

Khi học phí trường y dược phía Nam tăng cao, sẽ có thí sinh sẵn sàng ra Bắc học ngành y với mức học phí thấp hơn. Liệu tỉ lệ chọi, điểm chuẩn các trường y phía Bắc có tăng theo?

Mới đây Trường ĐH Y dược TP.HCM công bố mức học phí dự kiến tăng 'chóng mặt' từ 13 triệu đồng/năm lên 50-70 triệu đồng/năm trong phương án tuyển sinh 2020.

Cụ thể, so với mức thu hiện tại chỉ 1,3 triệu đồng/tháng, tương ứng 13 triệu đồng/năm, học phí dành cho sinh viên khóa mới của Trường ĐH Y Dược TP.HCM từ năm 2020 với ngành Răng - Hàm - Mặt lên tới 70 triệu đồng/năm, ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm.... Dự kiến học phí còn tăng 10% các năm tiếp theo. Như vậy chi phí đào tạo lên tới cả nửa tỷ đồng cho 6 năm học.

Học phí trường Y Dược TP.HCM dự kiến tăng nhiều lần từ năm học này.

Học phí trường Y Dược TP.HCM dự kiến tăng nhiều lần từ năm học này.

Nhiều người lo lắng, với mức học phí tăng cao như vậy sẽ xuất hiện tình trạng thí sinh phía Nam ra "đầu quân" cho các trường y dược phía Bắc như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược Thái Bình, kéo theo đó là điểm chuẩn năm nay tăng theo.

Được biết, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược Thái Bình hiện là hai cơ sở đào tạo bác sĩ hàng đầu ở miền Bắc. Học phí hai trường này hiện vẫn theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, tức là khoảng hơn 10 triệu đồng/năm.

Theo một số chuyên gia, năm nay Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức kỳ thi THPT với mục đích xét tốt nghiệp nên độ phân hóa đề thi sẽ không cao, các trường dành 25% chỉ tiêu tuyển thẳng với các đối tượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, điểm ưu tiên khiến điểm chuẩn vào các trường y phía Bắc tăng là điều có thể giải thích được.

Theo một lãnh đạo ĐH Y Hà Nội, thời điểm này nói đến điểm trúng tuyển thì còn quá sớm.

“Thí sinh yêu thích ngành y hãy nỗ lực hết mình. Trong trường hợp nhiều thí sinh điểm giống nhau nhà trường sẽ sử dụng tiêu chí phụ.

Vấn đề học phí năm học 2020 – 2021 tại ĐH Y Hà Nội cho sinh viên chính quy theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP và theo Quyết định tự chủ của Trường Đại học Y Hà Nội khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi có hiệu lực, nếu có tăng cũng theo lộ trình và thông báo rõ ràng để sinh viên được biết.

Thí sinh yên tâm là học phí nhà trường phải cân nhắc về chi phí đào tạo, chất lượng đào tạo gắn với thương hiệu nhà trường chứ không phải muốn thu bao nhiêu là thu”, vị lãnh đạo ĐH Y Hà Nội nói.

Ông Ngô Vũ Thắng - Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trường ĐH Y Dược TP.HCM là 1 trong 11 trường đào tạo y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Đây là đơn vị duy nhất bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020.

Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi Bộ GD-ĐT để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên thì xây dựng học phí thế nào, có khống chế mức trần không, định mức kinh tế khi xây dựng giá từng ngành học thế nào...

Theo ông Thắng, xây dựng mức học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế kĩ thuật nhưng hiện chưa nhận được bảng định mức từ ĐH Y Dược TP.HCM nên không biết cụ thể họ xây dựng trên cơ sở nào, kết cấu gồm những gì nên chưa thể kết luận mức thu học phí của trường là hợp lý hay không.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-phi-truong-y-phia-nam-tang-chong-mat-thi-sinh-co-nhao-ra-phia-bac-254416.html