Học phí trường đại học tăng kịch trần

Không chỉ có trường tư thục, hàng loạt trường đại học công lập tại TP. HCM đã công bố mức học phí mới khiến không ít sinh viên và phụ huynh phải giật mình. Đáng chú ý, ở năm học 2020 - 2021, nhiều trường tăng học phí kịch trần.

Tăng đột ngột

Bộ GD - ĐT vừa đưa ra đề xuất, từ năm học 2021 - 2022, học phí bậc đại học tăng mạnh tăng 12,5%. Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo lần thứ 2 Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ GD - ĐT đã có tờ trình xin rút lại đề xuất tăng học phí.

Ở năm học 2020-2021, nhiều trường tăng học phí kịch trần.

Ở năm học 2020-2021, nhiều trường tăng học phí kịch trần.

Đáng nói, ngay cả khi Bộ GD - ĐT đề chưa đề xuất tăng học phí thì các trường công lập đưa ra nhiều mức học phí, trong đó học phí chương trình đại trà tăng kịch trần theo khung của Nghị định 86 của Chính phủ; chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế… cao gấp 2 - 3 lần chương trình đại trà.

Cụ thể, năm học 2020 - 2021, học phí của các trường công lập chưa tự chủ tăng kịch trần theo Nghị định 86 của Chính phủ. Theo đó, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo năm học 2020 - 2021 lần lượt: Khối ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông - Lâm, Thủy sản là 9,8 triệu đồng/năm; Khối ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, Du lịch 11,7 triệu đồng/năm, Khối ngành Y dược 14,3 triệu đồng/năm. Mức tăng từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/năm so với năm học trước. Đối với đào tạo sau ĐH, học phí cũng tăng theo: trình độ thạc sĩ tăng gấp 1,5 lần so với đại học và trình độ tiến sĩ tăng 2,5 lần so với trình độ đại học.

Trong khi đó, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự chủ (chi thường xuyên và chi đầu tư) áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo năm học 2020-2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) lần lượt là 2,05 triệu đồng/tháng (20,5 triệu đồng/năm), 2,4 triệu đồng/tháng (24 triệu đồng/năm), 5,05 triệu đồng/tháng (50,5 triệu đồng/năm). Mức tăng 2 - 4,5 triệu đồng/năm so với năm học 2019-2020.

Ở khối trường ngoài công lập, học phí được tăng một cách vô tội vạ. Điển hình như việc tăng học phí lên cao và bất ngờ của trường ĐH Văn Lang khiến các tân sinh viên phản ứng. Cụ thể, theo hướng dẫn học phí dành cho khóa 26 của trường mới công bố, tất cả các ngành và chương trình đào tạo đều tăng so với khóa 25. Mức học phí mới dao động từ 1.070.000 - 4.480.000 đồng/tín chỉ (tùy ngành); có ngành tăng lên gần 35%.

Một sinh viên vừa trúng tuyển vào ngành Kiến trúc cho biết, khi làm thủ tục nhập học đã phải đóng hơn 27 triệu đồng, trong đó học phí là hơn 26 triệu đồng. Mức học phí này cao hơn rất nhiều so với năm 2019 chỉ từ 16 - 22 triệu đồng/học kỳ. Tương tự, sinh viên trúng tuyển vào ngành Tài chính ngân hàng năm 2019 đóng 1.050.000 đồng/tín chỉ. Toàn khóa học là 130 tín chỉ tương đương khoảng 136 triệu đồng. Trong khi sinh viên khóa 26 ngành này sẽ học 131 tín chỉ với mỗi tín chỉ là 1.380.000 đồng thì tổng học phí lên đến hơn 180 triệu đồng. Các tân sinh viên cho biết trước đó không biết thông tin này.

Giải thích lý do tăng học phí, lãnh đạo trường ĐH Văn Lang cho biết, chính sách học phí cho khóa 26 theo kế hoạch sẽ có nhiều cải tiến trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và trải nghiệm thực tế. Nhà trường sẽ bổ sung vào chương trình đào tạo các nội dung mới, bổ sung các trải nghiệm, dịch vụ tiện ích... nhằm đảm bảo giá trị tăng thêm cho sinh viên và đạt các chuẩn đầu ra theo yêu cầu thị trường sau bối cảnh dịch COVID-19... Mức học phí của khóa 26 tăng so với các khóa trước, tương ứng với mức đầu tư nhằm nâng tầm chất lượng đào tạo theo định hướng quốc tế hóa, nâng cao năng lực và giá trị cho người học.

Trường tự chủ cũng tăng mạnh

Đối với 23 trường thí điểm tự chủ từ năm 2015 đến nay, dù đã hết thời hạn thí điểm tự chủ nhưng vẫn thực hiện đúng như đề án và quyết định cho thí điểm tự chủ của Thủ tướng đó là: tăng học phí có lộ trình, mỗi năm tăng không quá 10%.

Dự báo học phí đại học trong thời gian tới có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3 so với hiện nay.

Theo mức học phí chính thức trường ĐH Công nghiệp TP. HCM đã công bố, sinh viên khóa mới phải đóng 20,4 triệu đồng/năm (khối Kinh tế) và 22,3 triệu đồng/năm (các ngành khối cCông nghệ). Học phí này không đổi trong suốt 4 năm học.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM quy định học phí đại học chính quy năm học mới là 684.000 đồng/tín chỉ và không tăng quá 10% mỗi năm. Trường ĐH Mở TP.HCM công bố học phí chương trình đại trà năm học mới này ở mức 17 - 22 triệu đồng/năm. Các ngành chương trình chất lượng cao 34,5 - 37,5 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Kinh tế TP. HCM dự kiến học phí chương trình đại trà sinh viên trúng tuyển năm 2020 là 20,5 triệu đồng/năm thứ nhất và các năm tiếp theo tăng lên: 22,5 triệu đồng (năm 2); 24,8 triệu đồng (năm 3) và 27,2 triệu đồng (năm 4). Học phí chương trình cử nhân chất lượng cao từ 940.000 - gần 1,6 triệu đồng/tín chỉ.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, học phí chương trình đại trà cũng ở mức 17,5 - 19,5 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao tiếng Việt 28 - 30 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao tiếng Anh và chất lượng cao Việt - Nhật 32 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Luật TP. HCM công bố học phí dự kiến 18 triệu đồng/năm (lớp đại trà), 36 triệu đồng/năm (lớp Anh văn pháp lý), 45 - 49,5 triệu đồng/năm (các lớp chất lượng cao). Trường học phí Quốc tế TP.HCM dự kiến mức thu sinh viên chính quy 43,5 triệu đồng và lộ trình tăng tối đa từng năm 10%.

Ngoài ra, HP ở các trường công lập còn có sự chênh lệch lớn giữa chương trình đại trà với các chương trình đặc biệt. Trong đó, các ngành chất lượng cao, chương trình quốc tế học phí có thể cao hơn chương trình đại trà 4 - 5 lần.

Đó là chưa kể, theo lộ trình, các trường đại học sau khi đủ điều kiện tự chủ sẽ tự xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Dự báo học phí đại học trong thời gian tới có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3 so với hiện nay.

(Còn tiếp)

Quế Sơn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-giao-duc/hoc-phi-truong-dai-hoc-tang-kich-tran-1750968.tpo