Học phí tăng 16 lần có mang lại diện mạo mới cho đại học Pháp?

Nhiều chuyên gia tin tưởng việc tăng học phí 16 lần đối với sinh viên quốc tế sẽ góp phần thay đổi diện mạo của giáo dục bậc cao vốn bị đánh giá chất lượng thấp của nước này.

18 tuổi, Ella bắt đầu học Y năm nhất ở Paris, Pháp. Là thành viên trong lớp học gồm 1.500 sinh viên, cô ngay lập tức học được bài không bao giờ để vở ghi chép ngoài tầm mắt.

“Bạn có thể bỏ quên laptop trong lớp, không ai để ý nó, nhưng nên cẩn thận với vở ghi chép. Một số sinh viên luôn tìm cách lấy trộm và tiêu hủy nó. Họ nghĩ nếu hãm hại bạn, họ sẽ có thêm cơ hội vượt qua năm nhất”, nữ sinh 18 tuổi cho biết.

Ella và nhiều du học sinh nhận định bức tranh chung của giáo dục đại học Pháp là không tuyển chọn, học phí quá thấp, lớp học đông và tỷ lệ trượt ở năm nhất cao gấp Anh 5 lần.

Sức hút từ học phí rẻ

Theo thống kê của Campus France, năm 2018, thế giới có khoảng 5 triệu du học sinh. Trong đó, 343.000 sinh viên quốc tế học tại Pháp. 45% du học sinh đến từ châu Phi, 19% từ Liên minh châu Âu, 16% từ châu Á, 9% từ châu Mỹ và 4% từ Trung Đông.

Sinh viên Pháp dự kỳ thi sau năm nhất, hơn 50% không vượt qua được cửa ải này. Ảnh: AFP.

Sinh viên Pháp dự kỳ thi sau năm nhất, hơn 50% không vượt qua được cửa ải này. Ảnh: AFP.

Chiếm gần 7% tổng du học sinh, Pháp chỉ đứng sau Mỹ, Anh và Australia, đồng thời là điểm đến du học được ưa thích nhất trong số các nước không nói tiếng Anh. Điều đáng nói, Pháp lại không phải nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới.

Theo đánh giá của QS, năm 2018, nước này đứng thứ sáu, sau Mỹ, Anh, Đức, Australia, Canada. Trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới năm 2019, chỉ một trường của nước này (ĐH Khoa học và Văn chương Paris - thứ 50) lọt vào top 50.

Mở rộng giới hạn ra 100 trường, Pháp cũng chỉ có 3 đại học lọt vào danh sách, bao gồm ĐH Nghiên cứu Khoa học và Văn chương Paris, trường Bách khoa Paris và ĐH Sorbonne.

Trong khi đó, Pháp bị đánh giá là một trong những môi trường tệ nhất tại châu Âu đối với sinh viên quốc tế. Thực tế, trước năm 2019, đất nước xinh đẹp này vẫn là điểm đến ưa thích nhờ mức học phí thấp (gần như miễn phí) - 170 euro cho chương trình cử nhân, 243 euro với chương trình thạc sĩ.

Thêm vào đó, Pháp không tuyển chọn đầu vào bằng thi cử. Những người có bằng tú tài đạt điểm trung bình trở lên đều được quyền chọn trường học. Những ai kém may mắn sẽ phải theo học chương trình ít người chọn.

Hơn 50 năm trước, Bộ trưởng Giáo dục Pháp lúc đó thậm chí miêu tả cuộc sống đại học nước này như “tập dượt một trận đắm tàu để tìm ra người biết bơi”. Tỷ lệ sàng lọc bậc đại học lại kỷ lục khi hơn 50% sinh viên rớt sau năm đầu tiên. Ở Anh, con số này là 8,4%.

Theo Independent, tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn cũng chỉ ở mức 27%, thấp hơn nhiều so với mức 75% của Anh. Ngoài ra, nhà tuyển dụng không đánh giá cao các bằng đại học, trừ bằng chuyên ngành sâu.

Học phí rẻ, không tuyển đầu vào từng là hai yếu tố thu hút sinh viên nước ngoài đến Pháp. Tuy nhiên, những năm gần đây, nước này đang dần đánh mất sức hút bởi học phí thấp đồng nghĩa chất lượng kém. Đó cũng là lý do được Thủ tướng Edouard Philippe đưa ra để lý giải việc tăng học phí lên 16 lần đối với sinh viên ngoài EU trong kế hoạch “Welcome to France”.

Hy vọng về diện mạo đại học mới

Mặc dù mức tăng 16 lần khiến nhiều người sốc, học phí đại học ở Pháp được cho là vẫn ở mức thấp - 2.770 euro - cho chương trình cử nhân, 3.770 euro với thạc sĩ và tiến sĩ. Trong khi đó, du học sinh tại Hà Lan phải trả từ 8.000 euro đến 13.000 euro và học phí tại Anh lên đến hàng chục nghìn bảng.

Một điểm đến du học lý tưởng khác ở châu Âu là Đức cũng có mức học phí cao hơn, 1.500 euro/học kỳ đối với sinh viên ngoài EU. Học phí cho du học sinh tại Nga dao động từ 2400-3.600 euro.

Giáo dục đại học Pháp mất dần sức hút trong mắt sinh viên quốc tế vì học phí rẻ đồng nghĩa chất lượng thấp. Ảnh: AFP.

Ngoài ra, Pháp cũng tăng suất học bổng từ 7.000 lên 21.000, trong đó, 14.000 suất nhắm đến sinh viên các nước đang phát triển.

Cùng với các đãi ngộ về visa cư trú, việc làm sau tốt nghiệp, tăng số khóa học bằng tiếng Anh, Pháp đặt mục tiêu tăng số sinh viên quốc tế lên 500.000 người vào năm 2027.

Trong thời gian dài, lãnh đạo nhiều trường đại học ở Pháp mong đợi sự thay đổi về chính sách nhằm định hướng lại nền giáo dục nước này. Vì thế, kế hoạch của ông Philippe được đón nhận.

Bà Minh-ha Pham, Phó giám đốc Quan hệ quốc tế, ĐH Nghiên cứu Khoa học và Văn chương Paris, đánh giá cao “Welcome to France”. Bà cho rằng sinh viên quốc tế cần phải nắm được phương thức hoạt động của xã hội và thích ứng với nó.

Mặc dù tăng học phí, các chính sách mới của Pháp sẽ hỗ trợ du học sinh tốt hơn thông qua sự hỗ trợ trong tìm nhà, thị thực, các thủ tục hành chính phức tạp khác, tăng gấp đôi khóa học tiếng Anh và tiếng Pháp.

Guillaume Garreta - Giám đốc Quan hệ quốc tế ĐH Paris-Saclay - nhận định kế hoạch thu hút sinh viên ngoài EU bằng tăng học phí lên 16 lần là “bước tiến lớn”. Cá nhân ông kỳ vọng nó sẽ thu hút lượng lớn du học sinh đồng thời tăng chất lượng giáo dục đại học Pháp.

Riêng vấn đề tăng học phí, ông Garreta đánh giá vẫn ở mức “phải chăng” so với nhiều nước. Việc này cũng đánh dấu sự thay đổi trong truyền thống bình đẳng trong tiếp cận giáo dục bậc cao ở nước này.

“Trong quá trình toàn cầu, chúng tôi phải thay đổi để hấp dẫn hơn. Đương nhiên, việc học phí tăng cao rất khó chấp nhận nhưng chúng ta cần thay đổi lối suy nghĩ của mình”, bà Minh-ha Pham nói.

Dù nhiều sinh viên quốc tế tỏ ra thất vọng về mức học phí mới dẫn tới lượng du học sinh có thể giảm ở giai đoạn đầu, nhiều người vẫn tin tưởng vào thành công của kế hoạch thu hút 500.000 du học sinh.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoc-phi-tang-16-lan-co-mang-lai-dien-mao-moi-cho-dai-hoc-phap-post894759.html