Học phí Đại học: Tăng lượng có đi cùng tăng chất?

Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã đề xuất tạm dừng tăng học phí ĐH năm học 2021 - 2022, nhưng xu hướng tăng là điều sẽ chắc chắn sẽ diễn ra trong những năm tới. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu để đảm bảo khả năng chi trả của người học và câu hỏi về chất lượng đi kèm mức độ tăng học phí vẫn tiếp tục được đặt ra.

GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho biết, theo dõi học phí của các trường năm học 2020 - 2021, thấy nhiều trường công lập chưa tự chủ tăng kịch trần theo Nghị định 86 của Chính phủ. Riêng chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế… cao gấp 2 - 3 lần chương trình đại trà. Theo lộ trình, các trường ĐH sau khi đủ điều kiện tự chủ sẽ tự xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Dự báo học phí ĐH trong thời gian tới có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3 so với hiện nay là xu hướng chung, nhưng cần tính đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tức là đi kèm với đó là các chính sách cho vay để học ĐH như nhiều nước đang thực hiện rất thành công. Tuy nhiên, đó là trách nhiệm của Nhà nước, không nên quy định cứng các trường phải dành bao nhiêu phần trăm để hỗ trợ sinh viên vì như vậy là mâu thuẫn với quyền tự chủ của các trường.

Việc tăng học phí ĐH chắc chắn có lộ trình và tuân thủ theo quy định của pháp luật nhưng kết quả sau cùng vẫn là chất lượng đào tạo được tăng theo. Ảnh: P.T

Việc tăng học phí ĐH chắc chắn có lộ trình và tuân thủ theo quy định của pháp luật nhưng kết quả sau cùng vẫn là chất lượng đào tạo được tăng theo. Ảnh: P.T

Khi chuyển qua tự chủ, các trường ĐH công lập ít nhất bị cắt khoản chi thường xuyên (chi điện nước, sửa chữa nhỏ…). Các khoản chi thường xuyên này trước đây Nhà nước bao cấp từ ngân sách. Dù các khoản chi này quá thấp so với yêu cầu nhưng khi cắt đi thì các trường ĐH công lập phải tính khoản bù từ tăng học phí.

Tuy nhiên, không thể dồn hết gánh nặng nguồn thu lên học phí. GS.TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng, năm học này có trường ĐH tăng mạnh học phí với giải thích là vì ngân sách Nhà nước cắt toàn bộ chi thường xuyên. Điều này, không hợp lý khi tất cả gánh nặng dồn lên học phí. Bởi các trường phải tính đến các nguồn thu khác như tăng cường các nguồn tài trợ của Nhà nước và DN, các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hoạt động đầu tư…

Năm học này, nhiều trường đại ĐH công công bố mức học phí áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2020 tăng mạnh so với những năm trước đây. Cụ thể, học phí trường ĐH Y dược TP HCM áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2020 từ 30 đến 68 triệu đồng/năm tùy theo ngành. Trong khi đó, khóa tuyển sinh năm 2019, trường ĐH Y dược TP HCM thu học phí theo khung của Nghị định 86 với tất cả các ngành là 13 triệu đồng/năm, các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%...

Nhưng đi kèm với học phí, vấn đề được nhiều người quan tâm là chất lượng đào tạo của các trường có tăng?

Thực tế, kết quả kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tại 23 trường ĐH công lập thuộc Bộ GD&ĐT vừa công bố cho thấy một số bất cập. Đơn cử như trong chương trình liên kết đào tạo tại một số trường ĐH, kiểm toán Nhà nước phát hiện thấy tình trạng liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước trong điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo, chương trình chưa được kiểm định, giáo trình chưa tự xây dựng. Hơn nữa, giảng viên giảng dạy thì không bảo đảm và học viên lại chưa đủ điều kiện đầu vào theo chương trình xây dựng.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy nhiều trường chưa thực sự chú trọng công tác đổi mới nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Việc đổi mới chủ yếu điều chỉnh một số tín chỉ môn học phù hợp với thực tế đào tạo, cập nhật đề cương môn học, giảm bớt số tín chỉ các môn học đại cương, tăng tín chỉ tiếng Anh hoặc tăng giảm số tín chỉ các môn học tự chọn. Ngoài ra, một số trường xây dựng chương trình tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế song gặp nhiều trở ngại và không đem lại hiệu quả.

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo quốc gia, nhìn nhận, ai cũng hiểu rằng, học phí giáo dục ĐH thấp gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và cho chính nhà trường. Chúng ta không thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao với chi phí thấp được.

Nhưng, việc tăng học phí này cần có lộ trình và tuân thủ theo quy định của pháp luật, cần có trách nhiệm và sự nỗ lực không chỉ của các trường, mà còn cả của cấp quản lý cao hơn. Mặt khác, việc cấp học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính cũng đã có quy định, các trường cần tuân thủ, thậm chí sáng tạo thêm, nhằm vừa có được tài lực, đồng thời thu hút hoặc bảo đảm cơ hội cho những người học có năng lực tốt vào học tại trường. Học phí cao hơn, nhưng việc hỗ trợ cũng sẽ cao hơn tương ứng, ý tưởng là hướng tới công bằng xã hội chứ không phải cào bằng đối với người học. Quan trọng nhất là học phí cao thì chất lượng đào tạo cũng phải tăng theo.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoc-phi-dai-hoc-tang-luong-co-di-cung-tang-chat-218580.html