Học phí đại học: Tăng bao nhiêu thì đủ?

Năm học mới đã cận kề, nhiều trường ĐH đã gọi sinh viên nhập học. Hiện mối quan tâm lớn của cả học sinh và phụ huynh là học phí năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước cụ thể là bao nhiêu? Bởi trước thềm mùa tuyển sinh năm học 2018- 2019, phương án tuyển sinh của các trường ĐH đều công bố tăng mức học phí theo từng chương trình đào tạo.

Học phí vẫn là nguồn thu chính, chiếm trên 70% tổng thu của các trường đại học.

Học phí tăng theo lộ trình

Năm học 2018, các trường ĐH chưa thực hiện tự chủ tăng học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ, còn các trường tự chủ tăng theo lộ trình đã quy định với mức tăng từ 10% đến 30% so với những năm học trước.

Đơn cử như Trường ĐH Công nghiệp thông báo, mức học phí ĐH chính quy năm học 2018-2019 là 16 triệu đồng/sinh viên/năm học (trước đó, mức học phí năm học 2017- 2018 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm học). Tuy nhiên mức học phí bình quân các chương trình đào tạo chính quy đại trà năm học 2018-2019 của nhà trường là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm học. Học phí đối chương trình đào tạo chất lượng cao là 1,5 lần học phí chương trình đào tạo chính quy đại trà. Dự kiến, đến năm học 2019 - 2020 là 17,5 triệu đồng/sinh viên/năm học.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội về cơ bản có mức học phí ổn định so với năm trước. Ngoại trừ học phí của một số ngành được điều chỉnh tăng nhưng đảm bảo mức học phí bình quân thấp hơn mức bình quân tối đa được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1924/QĐ-TTg. Theo đó, học phí đào tạo ĐH đại trà nằm trong khoảng 15-20 triệu đồng/năm học 2018-2019 tùy theo ngành đào tạo. Học phí của các chương trình tiên tiến bằng 1,3-1,5 lần mức học phí ĐH đại trà cùng ngành. Học phí của các Chương trình đào tạo quốc tế do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cấp bằng trong khoảng 40-50 triệu đồng/năm học 2018-2019 tùy theo chương trình.

Còn học phí trường ĐH Ngoại thương được thu theo tín chỉ và những sinh viên thuộc hệ đào tạo của một số chuyên ngành đặc thù sẽ phải chịu mức học phí cao hơn. Cụ thể, mức thu học phí năm học 2017 – 2018 tại Cơ sở Hà Nội và Cơ sở II TPHCM: thu theo tín chỉ: 400.000 đồng/tín chỉ (tương đương khoảng 15,65 triệu đồng/năm). Học phí Chương trình Tiên tiến: 46 triệu đồng/năm. Học phí chương trình Chất lượng cao và chuyên ngành Kế toán – kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA: 710.000 đồng/tín chỉ (khoảng 28 triệu đồng/năm). Được biết, năm học 2018 – 2019, mức học phí của ĐH Ngoại thương không thay đổi so với năm học trước.

Mức tăng học phí của các trường đều dựa theo quy định trong Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Hiện nay, theo báo cáo của các trường, học phí vẫn là nguồn thu chính của các trường ĐH, chiếm trên 70% tổng thu của các trường.

Trong đó, đối với các trường ĐH công lập chưa đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (gọi tắt là đại học chưa tự chủ) thì mức tăng học phí chỉ từ 70.000 đồng đến 110.000 đồng/tháng/sinh viên so với năm học trước. Với mức tăng này, học phí trung bình một tháng đối với một sinh viên thuộc các chương trình đào tạo đại trà là từ 810.000 đồng đến 1.180.000 đồng. Ông Phạm Quốc Khánh - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết, Học viện Ngân hàng là cơ sở giáo dục chưa được tự chủ, do đó đơn vị phải thực hiện học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ. Năm nay học phí ĐH của trường tăng từ 7.400.000 lên 8.100.000 đồng theo đúng quy định.

Với cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (gọi tắt là trường ĐH tự chủ), học phí tăng theo lộ trình, với mức tăng từ 10% đến 30% so với năm học trước. Năm học 2018-2019, mức học phí đào tạo ĐH hệ đại trà của các trường trung bình từ 13.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng một năm tùy theo ngành đào tạo, thấp hơn hoặc bằng mức học phí bình quân tối đa được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, những ngành có mức học phí cao nhất thuộc khối ngành kỹ thuật và y, dược.

Dù tăng học phí theo lộ trình, nhưng theo đại diện nhiều trường, mức học phí này vẫn chưa đủ bù chi phí đào tạo. Ông Kiều Xuân Thực- Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, trường được thực hiện tự chủ từ tháng 7/2017, nên trong năm học 2018-2019, mức học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ ĐH chính quy tăng 2.000.000 đồng so với năm ngoái.

Khi đăng ký xét tuyển, người học nên quan tâm tới học phí

Ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Một số chương trình đào tạo hiện nay có sức hút rất lớn do yếu tố về thời thượng, do tìm kiếm công ăn việc làm, kể cả thu nhập sau khi ra trường, số học sinh đầu vào rất là đông thì mức học phí nằm ở mức cao nhất. Trường tính theo tín chỉ học phí tức là 400.000 đồng/tín chỉ học phí. Và học phí thành bao nhiêu là do các em đăng ký học tập, đăng ký nhiều, học phí sẽ nhiều, đăng ký ít, học phí ít. Có những ngành chưa thu hút người học, ngoài việc số lượng vào ít, điểm chuẩn thấp hơn ngành khác, nhà trường cũng đưa mức học phí thấp nhất để hỗ trợ người học.

Đại diện Phòng Tuyển sinh- Đào tạo của các nhà trường cũng chia sẻ, hiện nay thông tin về học phí đều được các trường công khai trong đề án tuyển sinh và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ GDĐT và của trường. Tuy vậy, khi đăng ký xét tuyển ĐH, đa phần thí sinh và phụ huynh ít quan tâm đến thông tin này. Vì vậy, cùng với thông tin về ngành đào tạo, thí sinh nên tham khảo cả thông tin về mức học phí theo từng năm để lựa chọn ngành, chọn trường phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình.

Dẫu thế, trước lộ trình tăng học phí cũng như mức tăng của các nhóm trường ĐH khác nhau, người học không khỏi băn khoăn: học phí ĐH tăng bao nhiêu thì đủ? Mới đây, nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Hiệp- Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán cũng đưa ra những đề xuất về cách tính học phí cho sinh viên ĐH. Theo đó, nhóm đưa hai phương pháp tính chi phí đào tạo một sinh viên là tính theo các khoản thực chi của các cơ sở giáo dục ĐH và đối sánh với thu nhập bình quân đầu người. So sánh dữ liệu với 30 nước về mối quan hệ giữa chi phí đơn vị với GDP đầu người của nhóm nghiên cứu cho thấy Việt Nam đang rơi vào nước thấp nhất. Hiện nay, với các trường ĐH công tai Việt Nam, chi phí đào tạo đơn vị mới chỉ chiếm 25% GDP đầu người. Trong khi đó, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam là 375% GDP đầu người.

Mới đây, tại hội thảo giáo dục ĐH – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nên và Nhi đồng Quốc hội vừa tổ chức, ông Thái Bá Cần, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng phân tích: Việc xác định suất đầu tư cho giáo dục ĐH không chỉ đơn thuần dựa vào mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo mà còn phải tính tới sức chịu đựng của nền kinh tế và khẳng năng chi trả của hộ gia đình.

Do đó, ông Cần đề xuất chi phí đơn vị bằng 70% GDP mỗi năm. Mức học phí các trường ĐH công lập sẽ được tính theo công thức: 70% GDP – Ngân sách nhà nước chi (50% GDP). Như vậy mức học phí sinh viên phải đóng hàng năm vào khoảng 20% GDP. Trên thực tế, hiện nay, sinh viên ĐH công lập đang chiếm 87% thổng số sinh viên. Vì vậy, theo ông Cần nếu giảm số sinh viên công lập khoảng 20% thì sẽ đạt được mức chi ngân sách 50% GDP bình quân đầu người cho giáo dục ĐH.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/hoc-phi-dai-hoc-tang-bao-nhieu-thi-du-tintuc413963