Học phí đại học được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí

Mức thu học phí được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí căn cứ theo chi phí đơn vị do cơ sở giáo dục ĐH công khai mà không xác định mức trần học phí.

Làm rõ quy định về trường tư thục không vì lợi nhuận

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu vừa thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, về tự chủ ĐH, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đồng tình việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, đồng thời cho rằng cần bổ sung quy định giao quyền tự chủ trong công tác tuyển dụng và sử dụng lao động cho các trường ĐH.

Dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng làm rõ các khái niệm về trường tư thục, trường tư thục không vì lợi nhuận. Theo đó, cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Dự thảo Luật cũng hướng đến việc quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở GDĐH tư thục vận dụng theo mô hình DN nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của GDĐH và không thương mại hóa. Theo đó, yêu cầu tách bạch việc quản lý, sử dụng vốn với hoạt động của nhà trường, yêu cầu nhà đầu tư phải thành lập DN trước khi thành lập trường.

Đồng thời, đề ra lộ trình (10 năm) để các cơ sở GDĐH tư thục hiện nay chuyển đổi theo mô hình này; quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư thành lập trường tư thục và mối liên quan với Hội đồng trường tư thục; yêu cầu các trường tư thục phải trích tối thiểu 25% chênh lệch thu chi để tái đầu tư cho hoạt động giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết mức thu học phí được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí.

Học phí được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí

Khẳng định xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn, nhưng đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) băn khoăn liệu trong thực tế ở nước ta đã có loại hình giáo dục ĐH phi lợi nhuận này chưa?

Vì, nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư trường ĐH mà thấy tình hình không ổn nhưng lại không được rút vốn vì đã có cam kết không được rút vốn, nghĩa là phải chấp nhận rủi ro. Điều này, theo đại biểu, trong thực tiễn khó có thể có, và việc đưa ra mô hình này thì sẽ khó thu hút được nhà đầu tư. Liên quan đến học phí và các khoản thu dịch vụ khác, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giữ quy định về học phí là khoản thu mà người học phải nộp cho cơ sở GDĐH để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.

Mức thu học phí được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí căn cứ theo chi phí đơn vị do cơ sở GDĐH công khai mà không xác định mức trần học phí. Đồng thời, quy định học phí là một khoản thu của cơ sở GDĐH, độc lập với nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, khi thu nhập bình quân xã hội còn thấp, chưa hoàn thiện được hệ thống quỹ tín dụng sinh viên (của cả Nhà nước và tư nhân) cũng như cơ chế lập quỹ tài chính hỗ trợ học bổng, phát triển nhà trường, thì việc không quy định mức trần học phí đối với các trường ĐH công lậ̣p có thể khiến cho cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH của một bộ phận người học có khó khăn, đặc biệt là ở một số ngành có sức hút lớn (như y dược, kinh tế, tài chính, ngân hàng,…).

Trái lại, nhiều ý kiến khác cho rằng, trong cơ chế tự chủ thì việc để các trường tự cân đối, xác định mức thu học phí ở mức xã hội/người học có thể chấp nhận và tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo là cần thiết, các trường tự cân nhắc để tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng thu hút người học.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/hoc-phi-dai-hoc-duoc-xac-dinh-tren-nguyen-tac-tinh-du-chi-phi-121989.html