Học người Nhật quản lý môi trường đô thị

Nâng cao giá trị đô thị trên 3 phương diện: môi trường, xã hội và kinh tế, cách người Nhật nâng chất lượng sống người dân.

Thành phố Hà Nội đang là đối tượng hưởng lợi từ Chương trình Đối tác Phát triển của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ cho người dân các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, thông qua một dự án về nâng cao năng lực quản lý các công trình thoát nước.

"Giai đoạn 2 dự án này đã được triển khai từ tháng 12.2017. Hiện nay, chúng tôi đang xem xét công nghệ phù hợp của 5 doanh nghiệp ngành nước ở Yokohama”, ông Nomura Norihiko, Cục trưởng Cục sáng tạo Môi trường Thành phố Yokohama thuộc Nhật Bản, cho biết.

Chỉ 22% nhu cầu nước thải được xử lý

Tình trạng ngập úng tại các đô thị ngày một phổ biến. Đặc biệt tại Thành phố Hà Nội, tình trạng ngập nước thường xuyên hơn, khi mưa với cường độ 50-100 mm trong khoảng 2 giờ, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội.

Cũng theo báo cáo này, Hà Nội đến nay vẫn tồn tại 15 điểm úng ngập cố hữu. Tình trạng ô nhiễm nước mặt trên các sông, hồ đang diễn ra nghiêm trọng, trong khi nước thải chưa được xử lý chảy trực tiếp ra các sông hồ vẫn diễn ra.

Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội, ông Hoàng Cao Thắng, tại Hội thảo Công nghệ lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, hôm 23.8, nói rằng: “Tình trạng nước thải trên địa bàn thành phố chưa được xử lý triệt để”. Đến nay, “mới xử lý được 22% nhu cầu nước thải của thành phố”, ông Thắng nói.

Bài học từ Yokohama

Các nước đang phát triển, như Việt Nam, có cùng một vấn đề về môi trường. Dân số tăng nhanh kéo theo các vấn đề đô thị, như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, rác thải, tắc đường…

Cục trưởng Cục sáng tạo Môi trường của Yokohama nói rằng những kinh nghiệm của Yokohama có thể giúp Hà Nội cũng như Việt Nam xây dựng và quản lý các công trình thoát nước.

Yokohama, từ những năm 1970 đã tập trung tài chính, nhân lực rất lớn để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, với tốc độ nhanh nhất thế giới, nhằm cải thiện môi trường sống của người dân.

“Đối thoại trực tiếp, giữa lãnh đạo thành phố với người dân, được thực hiện suốt quá trình xây dựng hệ thống thoát nước. Đến nay, chúng tôi tiếp tục duy trì việc chia sẻ định hướng phát triển của thành phố đến từng cộng đồng dân cư”.

Tuy nhiên, chuyển từ thời kỳ xây dựng sang thời kỳ quản lý cũng nảy sinh các nhu cầu về nâng cao chất lượng môi trường. Bởi vì, hiện tượng trái đất nóng lên, khí khải, môi trường sống của người dân và chính sách có mối liên quan chặt chẽ với nhau.

“Thống nhất quản lý về mặt quản lý, cách tốt nhất để chúng tôi bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân”. Ông Nomura Norihiko cũng nói rằng “sự liên kết cộng đồng, hệ thống trường học, các tổ chức phí lợi nhuận là một điểm vô cùng quan trọng”.

Ông dẫn chứng công trình hồi sinh không gian mặt nước của Yokohama là do công ty phụ trách về cây xanh và người dân Yokohama phối hợp thực hiện và quản lý. Suốt 20 năm qua, nó như một tài sản chung của cộng đồng.

Trên thực tế, việc liên kết các thành viên có nhân sinh quan, mục đích khác nhau là không đơn giản. Nhất là với Hà Nội, một thành phố có hệ thống thoát nước bị giao cắt bởi nhiều công trình ngầm đan xen phức tạp, công trình điện, cấp nước, cáp thông tin…

Hiện nay, hệ thống thoát nước chung của Hà Nội vẫn tự chảy theo địa hình tự nhiên, thấp dần từ Bắc xuống Nam, Tây sang Đông và thoát ra các sông. Trong khi đó, công tác quản lý hạn chế, dữ liệu atlas quản lý hệ thống nước và xử lý nước thải chưa được hoàn thiện…

Các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội chưa đồng bộ. Đến nay, thành phố này mới có 7 nhà máy xử lý nước thải, với tổng công suất 270 nghìn m3/ngày đêm, chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.

Nâng cao giá trị đô thị trên 3 phương diện: môi trường, xã hội và kinh tế, đã và đang là cách Yokohama đã nâng cao chất lượng sống của người dân. Quan điểm này cũng gắn liền với chủ trương của Liên hợp quốc đưa ra cách đây 3 năm.

Ông Nomura Norihiko cho rằng: “Bằng việc nâng cao thông tin, lấy minh bạch làm nền tảng, thực hiện vai trò giải thích, để liên kết các thành viên, nhận được sự đồng thuận của các bên trên cơ sở cùng có lợi”.

Người đứng đầu Cục sáng tạo Môi trường của Yokohama hi vọng những giải pháp công nghệ của các doanh nghiệp Nhật Bản có thể giúp Hà Nội và các thành phố khác của Việt Nam, cải thiện hiệu quả môi trường nước.

Hải Vân

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/song/hoc-nguoi-nhat-quan-ly-moi-truong-do-thi-3325584/