Học nghề để thoát nghèo

Một trong những con đường sáng giúp người nghèo, nhất là bà con dân tộc thiểu số, bà con sống tại vùng điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn là học một nghề cụ thể, có thể áp dụng được ngay, lại không cần đầu tư nhiều tiền bạc.

Phụ nữ xã Liên Sơn (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) học nghề mây tre đan.

Anh Trần Trung Dũng (người dân xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) là một minh chứng rõ ràng về việc này. Là 1 trong hơn 30 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 ở Bình Dương, năm 2014 anh Dũng tham gia lớp học nghề sơ cấp trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Chương trình dạy nghề này do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức.

Học xong, anh Dũng quyết định áp dụng. Những hiểu biết, kiến thức anh có được trong thời gian học đã giúp anh thành công. Ban đầu, anh cũng chỉ dám trồng thử ít cây, nhưng rồi thấy rõ lợi nhuận, gia đình anh vay vốn mở rộng diện tích. Tới nay gia đình anh đã có gần 2 hec-ta cây ăn trái, cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.

Theo gương anh Dũng, bà con trong xã cũng áp dụng mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đáng chú ý, anh Dũng đã chia sẻ nhiệt tình với bà con kinh nghiệm thành công của mình. Nhờ sự hỗ trợ đó mà thời gian qua số hộ trồng bưởi trên địa bàn xã Minh Thạch ngày càng tăng. Đến nay đã có hơn 20 hộ dân trồng bưởi theo mô hình VietGAP.

Cũng tại huyện Dầu Tiếng, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã chủ động phối hợp dạy nghề may cho chị em, từ đó tiến tới thành lập một hợp tác xã may, thu hút hơn 100 người tham gia. Chị em tham gia hợp tác xã may cho biết, nhờ học được nghề, lại được hợp tác giao việc, nên thu nhập bình quân 1 tháng được hơn 3 triệu đồng. Từ đó cuộc sống gia đình được cải thiện.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, giai đoạn 2018-2020, mục tiêu của tỉnh này là đào tạo nghề cho khoảng 4.140 lao động nông thôn, trong đó nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp khoảng 2.640 người, nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp khoảng 1.500 người. Phấn đấu tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 80%.

Tới nay, tại địa phương này, ngành nghề được người lao động nông thôn lựa chọn là nghề may, cạo mủ cao su, chăm sóc cây ăn trái, kỹ thuật chăn nuôi, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện thoại, cắt tóc, nấu ăn đãi tiệc…

Như vậy, hầu hết các nghề được dạy và bà con chọn học là những nghề rất thiết thực, không tốn nhiều tiền, không tốn nhiều thời gian và ứng dụng cũng dễ dàng, đem lại thu nhập khá ổn định.

Nói như bà con nơi đây thì có cái nghề trong tay sẽ không còn lo bị đói, công việc cũng không nặng nhọc vất vả.

Thực tế cho thấy, có khoảng trên dưới 80% số lao động nông thôn sau khi học nghề đã có công ăn việc làm, tạo ra thu nhập.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, tại không ít địa phương mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn chưa thiết thực. Nơi tổ chức dạy nghề không nắm được yêu cầu của cuộc sống địa phương, đã dạy những nghề không ứng dụng được. Vì thế, bên cạnh việc nhân rộng mô hình và các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn thì công tác này cũng rất cần được xem xét lại, làm sao cho phù hợp với thực tế của từng địa phương.

Theo ông Lê Quân- Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả thì cần phải làm tốt khâu khảo sát nhu cầu của người học. Và cũng cần hướng tới việc gắn kết dạy nghề cho lao động nông thôn với đào tạo nghề cho doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tác dạy nghề. Có như vậy, người học sẽ có việc làm ngay sau khi học với mức lương cao.

Phúc Văn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/hoc-nghe-de-thoat-ngheo-tintuc418206