Học nghề cũng cần tư vấn hướng nghiệp hiệu quả

Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trong mấy năm gần đây có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, cũng giống như giáo dục ĐH, học sinh chọn học nghề cũng cần tư vấn hướng nghiệp hiệu quả, bởi không chỉ cứ 'quảng cáo' về nghề nghiệp 4.0 mà đã chắc cơ hội việc làm khi ra trường. Học nghề, phải tổng hòa các yếu tố: Năng lực, sở thích và xu hướng.

Tư vấn chọn nghề phải từ sức mạnh nội tại của giáo dục nghề nghiệp

Nếu như trước đây, các sơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh chỉ đạt 60 đến 70% kế hoạch, thì trong giai đoạn 2017-2020, đều tuyển sinh vượt kế hoạch; đối với các trường có uy tín và thương hiệu, tuyển sinh đầu vào đã có sự lựa chọn bằng điểm sàn. Kết quả phân luồng sau trung học, đặc biệt là sau trung học cơ sở đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều vùng, nhiều địa phương có tỷ lệ phân luồng cao, tính trung bình cả nước đạt 15%. Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, tuyển sinh vẫn có những tín hiệu tốt và có thể đạt chỉ tiêu kế hoạch. Kết quả tuyển sinh khẳng định sự tin tưởng của người học, của xã hội với giáo dục nghề nghiệp về học nghề, lập nghiệp.

Chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được cải thiện; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm sau tốt nghiệp đạt 85%, một số ngành nghề tỷ lệ đạt 100% với mức thu nhập bình quân 7-10 triệu đồng/tháng, đối với các ngành nghề trọng điểm, chất lượng cao thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng. Đã xuất hiện những học sinh, sinh viên tiêu biểu về học nghề, lập nghiệp, khởi nghiệp thành công sau tốt nghiệp và ngay cả khi còn đang học. Trong các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, thành tích của các thí sinh luôn được cải thiện.

Bản thân các trường khối giáo dục nghề nghiệp cũng đã chuyển dịch theo xu hướng phù hợp với thị trường lao động, gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp, mở ra nhiều ngành học mới.

Nhưng điều cần thiết của người học là họ được tư vấn sao cho kỹ về quá trình đào tạo và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Theo các chuyên gia, ban đầu, học sinh THPT có thể thích ngành nghề đó, nhưng phải hiểu ngành nghề theo học có phù hợp với tính cách, năng lực bản thân không. Chính vì thế, giáo dục nghề nghiệp cũng phải làm rõ quá trình này.

Rất khó nếu chỉ quảng cáo chung chung theo kiểu truyền thông cũ: Không học ĐH vẫn có thể thành công, hay nghề 4.0 với cơ hội việc làm cao… Mà bản thân các trường phải cung cấp rõ về chương trình đào tạo, tư vấn xem nghề đó phù hợp với những nhóm đối tượng nào, tính cách, sở trường ra sao, học sinh của trường mình ra trường có tỷ lệ nghề nghiệp bao nhiêu… Vì cơ hội khi ra trường chỉ thực hiện được nếu học sinh có đủ sự kiên nhẫn và đam mê theo được hết chương trình học đó.

Sinh viên Trường CĐ nghề Công nghệ Cao Hà Nội trong tiết học thực hành nghề Cơ điện tử (Ảnh tư liệu)

Sinh viên Trường CĐ nghề Công nghệ Cao Hà Nội trong tiết học thực hành nghề Cơ điện tử (Ảnh tư liệu)

Không nên hoàn toàn chỉ chạy theo xu hướng

Cũng giống như giáo dục ĐH, các chuyên gia khuyên các học sinh, học viên chọn giáo dục nghề nghiệp không nên chỉ chạy theo xu hướng. Tất nhiên, xu hướng là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc làm trong tương lai, nhưng, xu hướng đó có phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân hay không mới quan trọng.

Đại sứ Nghề Việt Nam Đỗ Công Nguyên - Giảng viên khoa Khách sạn – Du lịch, Trường Đại học Thương mại chia sẻ: “Tôi mất một khoảng thời gian khá dài làm đủ mọi nghề, nhưng tôi thấy vất vả, thu nhập thấp, mà mình không gắn bó với nghề ấy. Bản thân tôi thích nấu ăn, cứ mê mẩn tự tìm tòi, tự học, có lần đi qua một nhà hàng của Hà Nội, tôi còn tò mò đứng lại xem thực đơn, và tôi chọn nghề nấu ăn đúng theo sở thích và sự đam mê của mình. Học thời kỳ đầu vất vả, chuyện các bạn cùng học với tôi nản, bỏ học cũng có chứ, nhưng bản thân tôi thích nghề này, nên cố gắng theo đuổi, mà ham học, nên cứ xin đi cùng với các thầy để học hỏi thực tiễn”.

Từ câu chuyện của mình, nên anh Đỗ Công Nguyên khi dạy cho sinh viên, học sinh đều tư vấn cho họ rất kỹ về nghề nghiệp: Trước hết là xem bản thân mình đam mê, có năng lực với nghề nghiệp gì trước, sau đó cân nhắc về nhu cầu nghề nghiệp đó trong tương lai. Anh Nguyên chia sẻ: “Học nghề nào cũng cần kiên trì, có những bạn học trò của tôi bảo “thầy ơi em thấp bé thế này, đứng bếp không biết có chịu nổi không”? Tôi tư vấn ngay, đầu bếp cũng có mỗi người một thế mạnh, em khéo léo, nhỏ người thì làm những món tinh tế, gọn gàng, không quá phụ thuộc vóc dáng, em làm bánh ngọt, làm đồ ăn nhẹ… đều được. Vì những tư vấn như vậy, bây giờ bạn học sinh đó đã có một cửa hàng bánh ngọt riêng, rất đắt hàng”.

Em Nguyễn Phạm Minh Đức, lớp Trung cấp Điện 12 chia sẻ: Lúc mới vào trường, em cũng như nhiều học sinh khác cũng không tránh khỏi tâm trạng ngổn ngang bao nỗi băn khoăn về ngành nghề mình đăng ký học.

Ở thời điểm đó, cũng như những năm tháng học tập ở trường sau này, nhờ sự động viên, chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của các thầy cô đã giúp cho Đức vượt qua cảm giác bỡ ngỡ ban đầu. “Các thầy, các cô không chỉ truyền thụ cho chúng em kiến thức, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, mà còn lan tỏa tình yêu nghề, sự say mê, cống hiến đối với nghề nghiệp cho chúng em. Thầy cô cũng dạy cho chúng em những bài học thiết thực về văn hóa nghề nghiệp, thái độ ứng xử trong lao động”, em Nguyễn Phạm Minh Đức chia sẻ.

Sau khi tham gia chương trình đào tạo Trung cấp điện tại trường, Đức đã có những kiến thức và kỹ năng lắp đặt được các thiết bị điện công nghiệp như tủ điện, thiết bị, máy công nghiệp,… Cùng với các bạn học sinh lớp Trung cấp điện 12, Đức được nhận tấm bằng Trung cấp nghề trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Như vậy, trong quá trình chọn nghề nghiệp, những băn khoăn là khó tránh khỏi. Trước băn khoăn đó, điều quan trọng là tư vấn hướng nghiệp đúng và trúng với từng người học.

Đại sứ Nghề Đỗ Công Nguyên cũng cho rằng: "Học nghề theo xu hướng là đúng, nếu theo được là tốt, vì cơ hội việc làm cao, nhưng quan trọng trước tiên phải là năng lực sở trường, sở thích. Có phải tất cả các em đều phù hợp với tự động hóa hay sửa chữa ô tô không, dù ngành nghề ấy đang có cơ hội việc làm rất cao? Cá nhân tôi vẫn khuyên các bạn nên chọn nghề theo sở thích, năng lực, sở trường, có đam mê, mới theo nghề được”.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoc-nghe-cung-can-tu-van-huong-nghiep-hieu-qua-236312.html