Học ngành nào cũng tốt, đam mê sẽ có thành công

Cái chính là bản thân mình phải chăm chỉ, nỗ lực và thật cố gắng để tiếp thu kiến thức, tìm hiểu thấu đáo về ngành mình đang theo học, có như vậy mới thành công.

Dự kiến chỉ còn gần 1 tháng nữa hơn 1 triệu thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Tiếp đó là chuyện chọn ngành, chọn trường thế nào phù hợp với sở thích và năng lực cũng là bài toán khó với thí sinh và các gia đình.

Chia sẻ kinh nghiệm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Vũ Thị Thúy Quỳnh - Sinh viên năm thứ 2, K17 Kế toán Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) cho biết: “Bản thân em rất thích ngành Kế toán và cũng tìm hiểu nhiều trường có chuyên ngành này, nhưng cuối cùng chọn vào Đại học Thái Nguyên. Em tham khảo thấy chương trình đào tạo ở đây cũng tốt so với các trường khác, mức học phí vừa phải và hơn nữa là cùng trong tỉnh nên mức sinh hoạt cho 4 năm đại học cũng dễ chịu chứ không như ở các thành phố lớn.

Lúc còn học phổ thông, em nhận thấy Kế toán là một ngành mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần, nhất là một kế toán viên có năng lực tốt, đất nước càng phát triển, doanh nghiệp phát triển nên nếu có trình độ thì không lo thiếu việc, chính vì vậy em chọn ngành này để theo học.

Theo suy nghĩ của em thì học ở đâu, học trường nào cũng vậy vì chương trình dạy chuyên ngành cũng như nhau thôi, hơn kém không đáng kể, cái chính là bản thân mình phải chăm chỉ, nỗ lực và thật cố gắng để tiếp thu kiến thức, tìm hiểu thấu đáo về ngành mình đang theo học.

Bản thân mình phải luôn cập nhật, học hỏi tiếp thu những kiến thức mới ở các nước phát triển… thì chắc chắn là sẽ thành công, còn nếu nói vất vả thì em thấy nghề nào cũng vậy thôi, điều quan trọng vẫn phải là đam mê”.

Em Vũ Thị Thúy Quỳnh: "Bản thân mình phải luôn cập nhật, học hỏi tiếp thu những kiến thức mới ở các nước phát triển… em nghĩ rằng đam mê thì sẽ thành công". Ảnh: NVCC.

Em Vũ Thị Thúy Quỳnh: "Bản thân mình phải luôn cập nhật, học hỏi tiếp thu những kiến thức mới ở các nước phát triển… em nghĩ rằng đam mê thì sẽ thành công". Ảnh: NVCC.

Theo Quỳnh: “Nhớ lại thời gian tập chung ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học, em chọn khối A, với môn Toán em đề ra mục tiêu ôn luyện giải nhiều đề mẫu tham khảo, ngoài ra lựa chọn thêm đề thi của một số năm được cho là ở mức khó.
Với tất cả các đề mẫu tham khảo, em tập chung giải quyết những câu dễ trước để tránh điểm liệt, sau đó làm phần bài tập và làm bài nào chắc bài đó, đối với những bài khó quá em trao đổi với bạn hoặc hỏi thầy cô để ra đáp án tối ưu nhất.

Hơn nữa khi làm đề thi trắc nghiệm không có nhiều thời gian nên mọi câu hỏi em đều làm đúng với thời gian thật, chính vì luyện đề thi nhiều nên cũng đã cho em được tác phong quyết đoán giải bài nhanh.

Một điều nữa khi tự ôn tại nhà là nhất định phải ôn theo định hướng của thầy cô và đề tham khảo đưa ra từng năm, bám vào những gợi ý của đề để ôn tập, không ôn lan man, phần nào đã giảm tải thì bỏ qua, phần nào chú trọng thì gạch chân tô đậm cho dễ nhìn dễ nhớ để ôn đi ôn lại nhiều lần.

Ngoài những kiến thức mà thầy cô ôn tập trên lớp, em còn mua khá nhiều tài liệu và sách để tham khảo thêm, lựa chọn những câu hỏi hợp với sức của mình để ôn luyện. Thời gian đầu em lựa chọn những câu ở mức 7 điểm trở xuống để luyện tập, chia từng mức độ để ôn và lên dần những đề khó.

Về phần lý thuyết, em chia thành từng chương theo chủ đề để ôn tập chung, những phần trọng tâm em ghi vào một cuốn sổ tay cho dễ học, dễ nhớ, lúc rảnh chỉ cần mang sổ ra học mà không cần đến sách giáo khoa, tiện lợi hơn cho việc ôn tập mọi lúc mọi nơi”.

Em Vũ Thị Thúy Quỳnh và các bạn cùng lớp năm thứ 2, K17 Kế toán của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC.

Tập làm và giải nhiều đề thi mẫu

Với môn Lý và Hóa học, em Quỳnh cho biết: “Em chú trọng vào giải bài tập ở các đề thi mẫu, đề tham khảo, chọn những câu khó vừa phải để làm, nhờ thầy cô giảng lại những phần chưa hiểu rồi sau đó làm dần những câu khó hơn.

Môn Lý không học theo kiểu chép nguyên văn, có những câu mang tính hiểu biết về hiện tượng bản chất của Vật lý, những câu này hoàn toàn không phải tính toán gì nhưng em vẫn ôn rất kỹ để hiểu được hiện tượng, có hiểu thì mới làm bài tốt được.

Một dạng nữa là liên quan đến tính toán và phải rất cẩn thận bởi trong 25 câu đầu của đề thi việc tính toán chỉ là 1 công thức, nhưng quan trọng là việc đổi đơn vị đo khi thực hiện làm đề. Trong ôn tập vẫn phải là đọc kỹ đề, em luôn dùng một cây bút để đánh dấu nhưng câu từ quan trọng, những ý gì dễ gây nhầm lẫn. Rồi xem làm câu nào trước, câu nào sau, chưa làm được cũng phải đánh dấu lại…tất cả phải bấm đồng hồ làm theo đúng thời gian thật khi thi”.

Với môn Hóa, em Quỳnh chia sẻ: “Môn Hóa có sự liên hệ kiến thức từ những lớp dưới nên em ôn tập theo hệ thống hướng dẫn của thầy cô, nếu chỉ học riêng phần nào đó sẽ không đạt, hổng kiến thức, tập chung ưu tiên vào kiến thức trong sách giáo khoa lớp 12 vì phần này sẽ thi nhiều.

Em ôn kỹ lý thuyết Hóa lớp 12 với những khái niệm, định nghĩa, tính chất vật lý, tính chất hóa học, trạng thái tự nhiên và ứng dụng của các chất… nắm vững phần khái niệm, định nghĩa, công thức về hidrocacbon, ancol…

Phần thực hành tại nhà rất khó và em không thể có điều kiện để thực hiện được, vì thế em đọc nhiều và ghi nhớ các bài thực hành bởi các bài này đều mang tính chất minh họa. Vì không được làm trực tiếp nên em đọc rất kỹ phần tính chất, rồi lên mạng xem những video thí nghiệm tất cả các bài thực hành theo sách giáo khoa, xem đi xem lại nhiều lần để nhớ trong đầu”.

Ngoài việc học tập, Vũ Thị Thúy Quỳnh còn tham gia nhiều hoạt động của nhà trường. Ảnh: NVCC.

Em Quỳnh chia sẻ thêm: “Rút kinh nghiệm từ em ra vì khi làm bài thi thật em không giữ được tâm lý bình tĩnh, hơn run và đọc đề không kỹ, chính vì vậy điểm bài thi của em chưa đạt được như mong muốn. Đọc đề nhưng không phân tích rõ ràng nên dẫn tới vài câu bị làm sai đáp án. Chính vì vậy các bạn sắp bước vào kỳ thi năm nay cần phải thật bình tĩnh, không nên vội vàng nhìn qua đề thi rồi làm ngay rất dễ bị sai, điểm kém ảnh hưởng đến tổng điểm của cả kỳ thi.

Hãy bình tĩnh, giảm bớt áp lực cho bản thân và những ngày sát thi không nên học cố, học muộn bởi thời điểm đó học cũng khó vào, chỉ cần nhẩm lại những gì đã học, ghi nhớ trong đầu theo từng chương đã được ôn tập thì chắc chắn bài thi sẽ được điểm cao”.

Tùng Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/hoc-nganh-nao-cung-tot-dam-me-se-co-thanh-cong-post218522.gd