Học ngành du lịch, học ngay từ trong thực tế

Tăng cường trau dồi ngoại ngữ, đồng thời học hỏi kỹ năng, nghiệp vụ từ chính hoạt động thực tế ở các doanh nghiệp... là những yêu cầu rất cần thiết đối với sinh viên ngành du lịch ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông Bùi Kim Luận, Phó khoa Du lịch của trường Đại học Duy Tân, đã chia sẻ với TBKTSG một số suy nghĩ về việc đào tạo sinh viên ngành này.

Ông Bùi Kim Luận, Phó khoa Du lịch, Đại học Duy Tân. Ảnh: Nhân Tâm

TBKTSG: Theo ông, đâu là những hạn chế mà sinh viên ngành du lịch hiện nay cần khắc phục để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp?

- Ông Bùi Kim Luận: Những tồn tại thì khá nhiều, nhưng theo tôi, sinh viên ngành du lịch cần khắc phục những điểm yếu sau. Sinh viên cần tăng cường trau dồi tiếng Anh chuyên ngành cho từng bộ phận khác nhau. Ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ chính, sinh viên cần học thêm một ngoại ngữ khác như tiếng Hàn, tiếng Trung hoặc tiếng Nhật để tăng cơ hội việc làm và thu nhập. Ngành du lịch đòi hỏi kỹ năng và nghiệp vụ rất nhiều nên sinh viên cần đi làm thêm để học hỏi kinh nghiệm thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đa số vẫn còn thiếu tự tin để tham gia các chương trình thực tập, giao lưu, trao đổi quốc tế. Tinh thần cầu tiến và nỗ lực còn thấp.

TBKTSG: Giải pháp đưa ra cho những vấn đề này là gì, thưa ông?

- Hiện nay, nhiều trường đại học và cao đẳng có khoa du lịch cũng như các trung tâm đào tạo đã tiến hành ký kết với doanh nghiệp để đưa sinh viên tới doanh nghiệp đào tạo các môn nghiệp vụ, có sự giám sát giữa hai đơn vị doanh nghiệp và trường học. Đưa sinh viên đi tham quan thực tế tại doanh nghiệp, mời được chuyên gia từ các doanh nghiệp đó về giảng dạy các môn nghiệp vụ, cung cấp sinh viên làm thêm, sinh viên thực tập, cũng như tuyển dụng cho doanh nghiệp... Có thể nói việc kết hợp giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp là một gợi mở cho các vấn đề trên.

TBKTSG: Có cơ hội và thách thức nào cho sự hợp tác này không?

- Số lượng doanh nghiệp và lữ hành tại Đà Nẵng khá lớn nên các cơ sở đào tạo có rất nhiều cơ hội để hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và lữ hành. Ví dụ, trường Đại học Duy Tân đã được rất nhiều doanh nghiệp chủ động liên hệ hợp tác với khoa và trường. Hiện nay có nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng phát triển chương trình đào tạo theo hướng gắn liền với thực tiễn giống như chúng tôi.

Thứ hai, chương trình đào tạo tại trường và tại doanh nghiệp luôn có độ chênh lệch. Các trường vẫn muốn tăng cường thêm hoạt động tác nghiệp cho sinh viên nhưng thời gian của doanh nghiệp khá eo hẹp nên cũng không thể hỗ trợ nhiều cho trường.

Thứ ba, chưa có sự hợp tác sòng phẳng giữa hai bên. Sinh viên sau khi thực tập ra trường chưa chắc đã làm trong ngành du lịch khách sạn, trong khi đó doanh nghiệp có nhiều lựa chọn khác ngoài sinh viên mới ra trường.

TBKTSG: Vậy làm sao để sự hợp tác này trở nên hiệu quả hơn?

- Chắc chắn việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu, nhưng cần phải có sự đổi mới. Ví dụ, tại trường Đại học Duy Tân, chúng tôi giúp cho sinh viên được tiếp cận doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. Cụ thể, chúng tôi đã triển khai cho tất cả sinh viên năm nhất được đi thực tế tại các khách sạn, resort và các địa điểm du lịch để sinh viên làm quen với thực tế và hiểu rõ hơn ngành nghề mình đang học.

Sinh viên thuộc chuyên ngành khách sạn-nhà hàng được học hầu như tất cả các môn nghiệp vụ như lễ tân, buồng, bar, bàn, ẩm thực...Việc mời các chuyên gia nổi tiếng trong ngành về trường để chia sẻ kinh nghiệm thực tế thông qua các tiết học tại lớp, hoặc các buổi thảo luận và ngày hội việc làm cũng được tổ chức thường xuyên.

TBKTSG: Được biết Đại học Duy Tân đã có những chương trình hợp tác quốc tế, trong đó có đào tạo nhân lực ngành du lịch. Kết quả đạt được là gì, thưa ông?

- Hiện nay, trường Đại học Duy Tân đang hợp tác với trường Đại học Troy để đào tạo cử nhân quản trị du lịch và khách sạn. Sau khi hoàn thành chương trình, sinh viên sẽ nhận bằng cử nhân do Đại học Troy (Mỹ) cấp. Sinh viên tham gia chương trình sẽ được học tập trong môi trường hoàn toàn sử dụng tiếng Anh.

Ngoài ra, chúng tôi đã ký kết với Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) đào tạo các chương trình du lịch khách sạn, có giá trị quốc tế.

TBKTSG: Sinh viên ngành du lịch có thêm những kỹ năng nào khi tham gia những chương trình đào tạo quốc tế này?

- Họ sẽ tự tin giao lưu, học tập, làm việc trong môi trường đa văn hóa nhờ việc được trau dồi tiếng Anh trong năm học đầu tiên và những cơ hội giao lưu, gặp gỡ, học hỏi thường xuyên với các đoàn khách quốc tế; được trang bị những kỹ năng phát triển bản thân như kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện... Đặc biệt, với phương pháp đào tạo mang tính thực nghiệm (hands-on training), sinh viên được phát triển toàn diện các kỹ năng để có thể nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc sau này.

Bên cạnh đó, với chương trình trao đổi sinh viên tại Hàn Quốc và Đài Loan, sinh viên sau khi kết thúc chương trình từ sáu tháng đến một năm đã được tiếp cận các kiến thức du lịch mới nhất, hiểu về môi trường du lịch quốc tế, cũng như được học ngôn ngữ Hàn, Trung để góp phần đáp ứng vào nguồn nhân lực du lịch Đà Nẵng.

Nhân Tâm thực hiện

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282468/hoc-nganh-du-lich-hoc-ngay-tu-trong-thuc-te-.html