Học một được hai

Số sinh viên (SV) đăng ký học thêm các môn ngoài chương trình chính thức của ngành học đang có xu hướng tăng lên ở các trường ĐH.

Ảnh minh họa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, số lượng SV đăng ký học cùng lúc 2 ngành ở trường hiện không nhiều. Tuy nhiên, số SV ngành này đăng ký học thêm một số môn của ngành khác đang có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy SV có sự chủ động trong việc tích lũy kiến thức đa lĩnh vực để bổ trợ cho ngành học chính.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết: “Trường không có số liệu thống kê nhưng dựa trên thực tế đăng ký có thể thấy tổng số tín chỉ SV đăng ký học thêm tăng gần 30% so với tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo”. Trong đó, các môn SV đăng ký học nhiều thuộc các ngành về quản trị, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…

Theo thạc sĩ Sơn, lý do của xu hướng này là SV chủ động trang bị thêm kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp trong tương lai.

Điều này cũng có thể thấy rõ qua xu hướng chọn học song ngành của SV. Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, mỗi năm trường có trên 100 SV đăng ký học cùng lúc 2 chương trình. Trong đó, xu hướng chọn lựa ngành thứ 2 nhiều nhất là ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin, thú y hoặc quản trị kinh doanh.

Trước xu hướng SV học thêm để tăng cường kiến thức đa ngành ở bậc ĐH, một số trường ĐH đã chủ động thiết kế và xây dựng lại chương trình cho phù hợp.

Theo đề án Quản lý đào tạo chương trình thứ 2 đối với SV chính quy mà Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang xây dựng, trường chủ động thiết kế các chương trình học dành riêng cho SV học nhiều loại hình khác nhau. Cụ thể gồm: song ngành (tốt nghiệp 2 bằng ĐH khác nhau), song chuyên ngành (tốt nghiệp nhận 1 bằng ĐH nhưng nhận 2 bảng điểm), ngành chính và ngành phụ (nhận 1 bằng ĐH và 1 bảng điểm các môn học được tích lũy thêm ở ngành phụ). PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Không chỉ chương trình đào tạo, trường còn chủ động tích hợp các kiến thức từ các chứng chỉ nghề nghiệp mà SV sau khi tốt nghiệp phải đi học thêm bên ngoài vào chương trình chính thức. Các nội dung này sẽ trở thành môn học tự chọn hoặc bắt buộc”.

Xu hướng này cũng đang được thực hiện tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, quy định cho SV học cùng lúc 2 ngành không mới nhưng chương trình đào tạo được xây dựng hoàn toàn mới phù hợp với xu hướng học cùng lúc nhiều chương trình. Đặc biệt là những môn học có nội dung kiến thức giao thoa với nhau giữa các ngành học. Chẳng hạn, từ những môn học của các ngành khác nhau, có nội dung kiến thức tương đồng nhưng khác nhau về tên gọi, trường xem xét đặt tên giống nhau để SV khi học cùng lúc 2 ngành không phải học 2 lần. Việc này sẽ giúp SV rút ngắn thời gian học, tránh tình trạng phải học nhiều, tốn thời gian và tiền bạc. “Trường chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng này nhằm nắm bắt xu hướng linh hoạt trong dịch chuyển nghề nghiệp. Với kiến thức liên ngành, cơ hội việc làm của SV khi ra trường sẽ cao hơn”, tiến sĩ Nhân nói.

Hà Ánh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-mot-duoc-hai-974615.html