Học mẹ Đỗ Nhật Nam bồi dưỡng văn hóa đọc cho con

Dạy con yêu sách, biết cách chọn và có kỹ năng đọc, sử dụng sách để tiếp thu kiến thức, phát triển tâm hồn, hoàn thiện bản thân là điều nhiều phụ huynh mong muốn. Nhưng không phải ai cũng biết cách đọc sách để cảm nhận giá trị cuộc sống với tư duy tích cực, vừa được mở mang kiến thức vừa tìm thấy sự thư giãn giải trí như cô giáo Phan Thị Hồ Điệp đã áp dụng với con trai Đỗ Nhật Nam.

Gia đình hạnh phúc của chị Phan Thị Hồ Điệp

Dạy con trân quý sách

Nhiều phụ huynh hỏi mẹ Đỗ Nhật Nam đã

đọc sách cùng con từ khi nào và cho con đọc những sách gì mà sau này Nam giỏi thế? Câu trả lời của cô giáo Phan Thị Hồ Điệp (Khoa GD đặc biệt-Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) khiến nhiều mẹ ngỡ ngàng. Chị đọc sách cho con nghe từ khi mang thai Nam được 7 tháng tuổi.

“Mình luôn tâm niệm rằng vốn ngôn ngữ, khả năng viết văn mà mỗi người có được phần lớn là do tích lũy từ việc đọc sách. Chính vì thế nên trong quá trình phát triển của Nhật Nam, mình luôn chú trọng đến việc đọc sách” - chị Hồ Điệp chia sẻ.

Muốn con yêu sách, ham đọc sách thì đầu tiên phải dạy con biết trân trọng sách. Trong nhà chị, chỗ được ưu tiên và cuốn hút nhất chính là tủ sách.Từ nhỏ, Nam đã được mẹ dạy phải biết nâng niu sách, không bao giờ được vò sách hay giẫm chân lên sách. Hễ có cuốn nào bị bong bìa hay sờn gáy là cả nhà lại tìm cách sửa chữa.

Dù cho con đi chơi, chị Điệp cũng khuyến khích Nam mang theo sách. “Nên chọn một giờ cố định trong ngày để con đọc sách hoặc cả nhà cùng ngồi đọc sách với nhau. Muốn con ham thích đọc sách thì điều cần thiết là bố mẹ cũng phải thích đọc sách thì mới lan tỏa được niềm cảm hứng ấy sang cho con” - chị Điệp nhấn mạnh.

Khi cho con đọc sách bố mẹ cũng nên xác định mục đích đọc sách để làm gì thì từ đó mới có được câu trả lời “đọc sách gì và đọc như thế nào”.

Cùng con kết bạn với sách

Chị Hồ Điệp gợi ý: Với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, bố mẹ nên chọn những cuốn sách có ít chữ, tranh vẽ không quá nhiều chi tiết. Có nhiều cuốn sách như “Cùng lau cho sạch nào,” “Giày nhỏ đi thôi”, “Mặc được rồi, mặc được rồi”, “Tay xinh đâu nhỉ”, “Ai ở sau lưng bạn thế”, “Chào Mặt trăng”…

Với trẻ ở độ tuổi tiền tiểu học, bố mẹ nên chọn những cuốn sách có nhiều nhân vật và tính từ miêu tả. Những cuốn sách hữu ích xoay quanh những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày và có nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại. Nhân vật trong chuyện có thể là các con vật, chuyện đi học, hoặc chuyện về mẹ... điển hình như “Nụ hôn trên bàn tay” (8 cuốn), “Chiến công đầu tiên của bé Mi”, “10 chú ếch “(18 tập), “Chuyện xì hơi”…

“Với đứa trẻ không thích đọc sách thì bố mẹ phải làm sao?”- chị Ngọc Lan (Hoàng Cầu- Hà Nội) nêu ra khó khăn của mình.

“Không có đứa trẻ nào không yêu sách. Chỉ là bố mẹ có biết khơi gợi tình yêu sách cho con hay không mà thôi” - chị Điệp khẳng định và đưa ra gợi ý: Nếu con chưa ham thích đọc sách thì mẹ hãy qui định ngày chẵn đọc sách mẹ chọn, ngày lẻ đọc sách con chọn tạo cảm hứng cho con đi tìm câu trả lời trong những cuốn sách.

Nếu con chưa biết đọc thì bố mẹ đọc sách cho con nghe. Giọng đọc nên “điệu” hơn giọng nói bình thường để con hiểu được câu chuyện qua ngữ điệu. Giọng đọc dù không hay nhưng đủ chân thành vẫn gợi được cảm xúc cho trẻ. Cách đọc này cho thấy bố mẹ cũng đang thưởng thức câu chuyện chứ không phải đọc cho qua chuyện, đọc để hoàn thành nghĩa vụ với con.

Hãy khích lệ trẻ kể lại câu chuyện bằng ngữ điệu diễn cảm. Chú ý những từ tượng thanh, tượng hình, từ láy và cung cấp thêm cho con những từ đồng nghĩa, trái nghĩa để con diễn đạt lại câu chuyện một cách lưu loát, sinh động là rèn cho con khả năng giao tiếp tự tin.

Theo quan điểm của chị Điệp, đọc sách mà không hướng con có tư duy tích cực thì lãng phí thời gian vô ích vì người đọc sẽ không phát hiện ra cái cốt lõi, cái bản chất, rút ra được điều bổ ích cho bản thân.

Lấy ví dụ về cuốn sách “Nụ hôn trên bàn tay”, có nhân vật chính là chú Gấu Mèo, chị Hồ Điệp chia sẻ cách chị đã áp dụng dạy Nam.

Ngày thứ nhất chị đọc từ đầu đến cuối câu chuyện rồi cất sách đi mà không cho Nam xem trong sách có tranh ảnh gì.Ngày thứ hai mới bắt đầu cho con tương tác với cuốn sách. Trước khi đọc chị đặt Nam vào tình huống liên quan đến câu chuyện bằng một số câu hỏi: “Nụ hôn ở trên bàn tay thì lúc rửa tay có mất đi không?” “Nếu con có nụ hôn ấy con sẽ làm gì để giữ được lâu?” “Tại sao chú Gấu Mèo cứ nắm chặt tay lại?”...

Đọc sách để làm sao con thấy gần gũi với cuộc đời. Cuốn sách cũng đang kể về cuộc đời. Khi trẻ đã bắt đầu tư duy, suy nghĩ về cuốn sách và rút ra được điều bổ ích, bố mẹ hãy khuyến khích con nghĩ về những điều phía sau câu chuyện, đặt con vào câu chuyện để xử lý tình huống: “Con có thấy kết thúc của câu chuyện hay không?”, “Nếu cho con thay đổi câu chuyện con sẽ nghĩ theo cách nào?”.

Ngày cuối tuần thú vị nhất khi hai mẹ con cùng chuyển câu chuyện từ dạng tĩnh sang dạng động bằng cách làm nụ hôn trên bàn tay, làm tấm thiệp với dòng chữ “mẹ yêu con”, “con yêu mẹ”…tập nặn hình hoặc vẽ hình các con vật theo trí tưởng tượng của con hoặc diễn lại câu chuyện theo cách trình bày của con. Đưa con hòa nhập với thiên nhiên, vui chơi ngoài trời, mẹ và con lại có thể quay trở lại thực hành về câu chuyện, vẽ nụ hôn trên cát, xếp lá cây thành nụ hôn. Cùng con sáng tạo ra câu chuyện mới để gắn kết các thành viên trong gia đình.

Để con truyền cảm hứng

Đọc với tư duy tích cực là cách con sẽ chuyển hóa những kiến thức trong sách thành của mình.Tư duy khi đọc là cách tập thể dục cho não, tăng khả năng ghi nhớ.

Chị Điệp thường tìm cách trò chuyện hài hước, dí dỏm để dụ Nam đọc những cuốn sách mà con chưa thích. Khi Nam đã chủ động trong việc đọc sách rồi bố mẹ Nam thường cùng con trao đổi về nội dung một cuốn sách. Cũng có khi mẹ lại yêu cầu con kể lại câu chuyện con đã đọc.

Đôi khi mình viết cảm tưởng của mình về câu chuyện Nam kể và cũng khuyến khích Nam viết những bản thu hoạch nho nhỏ như vậy. Thói quen này đã hình thành cho Nam không chỉ chủ động tìm đọc được những cuốn sách hay mà còn biết chia sẻ, thuyết phục người khác và biết ghi chép lại những điều con thấy tâm đắc. Ghi chép là khâu quan trọng không thể thiếu trong quá trình đọc sách. Ghi chép sẽ giúp tăng khả năng tập trung, ghi nhớ kiến thức, tổng hợp vấn đề - chị Điệp chia sẻ kinh nghiệm.

Nam chỉ là một đứa trẻ bình thường - chị Điệp luôn khẳng định như vậy khi mọi người khen Nam có những tố chất đặc biệt của một thần đồng. Chị Điệp cho rằng, nhờ thói quen ghi chép lại những chi tiết hay hoặc những hình ảnh giàu sức liên tưởng Nam quan sát được ngoài cuộc sống mà khả năng viêt của Nam đã được tích lũy bồi đắp. Nam trở thành dịch giả nhỏ tuổi nhất, làm thơ hay, là MC lôi cuốn… và là tác giả của ba cuốn sách khi mới qua tuổi lên mười, giành được học bổng du học Mỹ ở tuổi 13… Những thành công đáng ngưỡng mộ của Đỗ Nhật Nam có tâm huyết, công sức vun đắp tuyệt vời của bố mẹ em.

Quỳnh Chi

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/hoc-me-do-nhat-nam-boi-duong-van-hoa-doc-cho-con-3958139-b.html