Học luân phiên là tất yếu khi 4 lớp ra trường, 23 lớp nhập học

Phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) năm nào cũng 'nóng' chuyện quá tải học sinh tiểu học nên trường buộc phải tổ chức học luân phiên và theo ca kíp do số lượng chung cư ở đây quá dày đặc. Năm nay số học sinh vào lớp 1 tăng đột biến nên tình trạng này càng trầm trọng hơn.

4 lớp ra trường, 23 lớp nhập học

Theo thống kê, chỉ tính riêng địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã có tới 82 chung cư, trong đó có 76 chung cư đang hoạt động khiến trường tiểu học trên địa bàn phải chia ca để học vì quá tải.

Mặc dù lịch học này không phải đến năm nay mới xuất hiện nhưng theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Quận Hoàng Mai, lượng học sinh lớp 1 năm nay tăng đột biến cũng gây không ít áp lực.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT Hoàng Mai, cho biết, hiện nay, phường Hoàng Liệt có hơn 85.000 dân, tăng trên 10.000 dân so với cùng kỳ năm 2017. Năm học 2018 - 2019 này, riêng trrường Tiểu học Chu Văn An chỉ có 4 lớp 5 ra trường nhưng lại nhận đến 23 lớp 1 với 1.145 học sinh.

Số học sinh quá tải trong khi phòng học không đáp ứng là tình trạng đau đầu tại quận Hoàng Mai hiện nay. Ảnh minh họa

Do không thể để sĩ số quá đông có thể tới 70 học sinh/lớp nếu học đủ 5 ngày/tuần nên trường phải chọn phương án là tổ chức mô hình học 4 ngày/tuần, có học luân phiên thứ Bảy. Kết quả là phương án giảm số ngày học và học rải rác trong tuần, học cả vào cuối tuần khiến học sinh và cha mẹ vô cùng bức xúc.

Phòng GD&ĐT Hoàng Mai cũng thừa nhận việc bố trí học theo phương thức này, cha mẹ học sinh gặp khó khăn, thầy cô giáo cũng vất vả trong việc quản lý học sinh và phải dạy cả ngày cuối tuần.

Sau khi đưa ra phương án giải quyết tạm thời là sẽ cho các học sinh chỉ học 1 buổi/ngày cho trường Tiểu học Chu Văn An, phụ huynh lại càng cảm thấy bất khả thi, phản đối, cuối cùng đành quay lại cách cũ là chấp nhận cho con học luân phiên theo ca.

Chỉ xây chung cư, không xây trường

Không riêng trường Tiểu học Chu Văn An, nhiều trường tiểu học khác cũng đang có sĩ số vượt quá mức quy định của Bộ GD&ĐT là 35 em/lớp. Cụ thể, trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Hà Đông, Hà Nội) 60 em/lớp; Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông) 60 em/lớp; Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy) 59 em/lớp; Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ) 60 em/ lớp…

Vấn đề sĩ số lớp quá đông tại nhiều trường ở giữa thủ đô đã được nói rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Mới đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất lên UBND TP phương án mỗi lớp có 2 giáo viên nhưng chưa có kết quả.

Được biết, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục. Hướng dẫn các địa phương xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng. Nếu thiếu đất, các trường có thể xây dựng cao tầng hơn so với bình thường.

Quá nhiều chung cư trong khi số trường học hạn chế, gây nên tình trạng quá tải hiện nay.

Tuy nhiên, việc xây dựng cao tầng cần được tính toán kỹ lưỡng, tùy vào mỗi công trình trường học có đảm bảo khả năng chịu lực để nâng tầng hay không thì Sở Xây dựng các tỉnh/thành sẽ phải kiểm soát. Nếu trường nào đủ điều kiện nâng tầng thì họ lập dự án để trình cơ quan chuyên môn thẩm định. Sau đó thực hiện thi công dự án trong một thời gian nhất định chứ không phải chuyện ngày một ngày hai.

Dẫu vậy, đây cũng chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, bài toán quy hoạch dân cư tương đồng với tỉ lệ cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn vẫn là điều mà chính quyền thành phố cần tính toán lại. Về điều này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, “vỡ trận” sĩ số do vỡ trận quy hoạch đô thị là điều không có gì khó hiểu.

Theo ông, khi định xây một khu chung cư mới, cơ quan chức năng cần tính toán có bao nhiêu dân, ước đoán tỷ lệ trẻ học từng lớp, từng cấp ra sao, lấy xác suất để tính. Trong khu vực đó cũng phải tính toán bao nhiêu cửa hàng, nhà trẻ,... họ phải tính toán có quy hoạch cụ thể mới cho xây.

“Thế nhưng, thực tế hiện nay là nhà đầu tư cứ xây, xây xong mới vỡ nhẽ ra là không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Vì chỉ chăm chăm xây nhà chứ có quan tâm xây trường đâu. Đây là sai lầm, và quan trọng là rất khó để sửa sai” - GS. Dong nhấn mạnh.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, các cơ quan chức năng cần kiểm soát và có chế tài chặt chẽ hơn khi duyệt cấp phép đầu tư xây dựng chung cư nếu không đảm bảo trường lớp, các dịch vụ đi kèm thì không được phép xây. Có như vậy may ra mới giảm tải tình trạng trớ trêu về sĩ số và lịch học như hiện nay.

Nhật Lam

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/hoc-luan-phien-la-tat-yeu-khi-4-lop-ra-truong-23-lop-nhap-hoc-post48648.html