Học làm vợ, làm chồng

Trong cuộc sống hôn nhân khó tránh được những lúc 'cơm chẳng lành, canh không ngọt'. Nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực này có thể dẫn đến ly hôn. Bởi vậy, để xây dựng gia đình hạnh phúc bền chặt, công tác tư vấn kiến thức tiền hôn nhân cần được quan tâm hơn.

Một năm 6 nghìn vụ ly hôn

Vừa tốt nghiệp đại học, chưa có việc làm song Nguyễn Thị X (SN 1988) ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) đã quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân với M - cùng tuổi, học cùng khóa ở đại học. Sau kết hôn, X sinh liền 2 con và mâu thuẫn bắt đầu dần nảy sinh.

Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên).

M thường xuyên đi xa theo các công trình xây dựng, X vốn được cha mẹ đẻ chiều chuộng, không quen việc bếp núc, đang được sống tự do, nay ở cùng bố mẹ chồng phải lo toàn nhiều việc, lại chưa có kỹ năng chăm sóc con nhỏ nên hay cáu gắt, rồi nghi ngờ chồng có người phụ nữ khác.

Mâu thuẫn hằng ngày phát sinh giữa mẹ chồng với nàng dâu khiến không khí gia đình luôn căng thẳng và càng làm rạn nứt cuộc sống hôn nhân. Yêu nhau 4 năm và sau 3 năm chung sống, mới đây hai vợ chồng X quyết định ly hôn.

Thực tế nhiều bạn trẻ từ khi yêu đến khi quyết định kết hôn xác định rất nghiêm túc nhưng trong quá trình sống chung nảy sinh bất đồng khiến họ không thể cùng bạn đời bước tiếp. Nguyên nhân do nhiều người chưa được trang bị kiến thức làm vợ- chồng, làm cha - mẹ, một bộ phận giới trẻ quen lối sống hưởng thụ, ích kỷ, không biết nhường nhịn, hy sinh cái tôi. Từ việc nhỏ không hóa giải được đã tích tụ lâu thành mâu thuẫn lớn dẫn đến không tìm được tiếng nói chung và hậu quả là hôn nhân đổ vỡ.

Theo báo cáo của TAND tỉnh, năm 2020, tòa án hai cấp đã thụ lý hơn 6 nghìn vụ ly hôn, trong đó những địa phương có số vụ cao là: Việt Yên, Tân Yên, Lục Nam và TP Bắc Giang. Ông Trịnh Ân, Chánh án TAND thành phố Bắc Giang cho biết: "Điều đáng lo ngại là ly hôn ở giới trẻ chiếm tỷ lệ cao trong tổng số án hôn nhân gia đình hằng năm và có xu hướng tăng.

Có khoảng 60% số vụ do nữ giới chủ động đứng đơn, không hiếm trường hợp ra tòa chỉ sau từ 1 - 5 năm kết hôn". Còn theo Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Ngọc, công tác tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, cho dù ly hôn là sự “giải thoát” cho những người trong cuộc nhưng thiệt thòi nhất là con trẻ. Những trẻ em không được sống trong gia đình trọn vẹn, không nhận được sự yêu thương, quan tâm chăm sóc, giáo dục đầy đủ của cha mẹ thường sống trầm lặng, rất dễ sinh hư.

Cần suy nghĩ, học tập nghiêm túc

Tìm hiểu được biết, nhiều bạn trẻ khi yêu chưa chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng trước khi bước vào hôn nhân. Do thiếu cơ bản kỹ năng nội trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giao tiếp trong gia đình đã đẩy những sự việc nhỏ nhặt thành mâu thuẫn lớn.

Đa số chưa được tiếp cận với những thông tin kiến thức tiền hôn nhân chính thống một cách bài bản mà chủ yếu nghe người lớn, bạn bè nói chuyện hoặc tự tìm hiểu trên mạng Internet. Tháng 12/2020, anh Nguyễn Đức Tuấn (SN 1990), phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) xây dựng gia đình. Anh chia sẻ, trước khi cưới, anh cùng bạn gái đăng ký một khóa học trang bị kiến thức tiền hôn nhân trên mạng xã hội với chi phí 699 nghìn đồng/khóa.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới hoặc ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng xuất hiện nhiều trung tâm, lớp, nhóm tư vấn kiến thức tiền hôn nhân cho giới trẻ. Do đó, nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh mong muốn tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ, công đoàn, các tổ hòa giải thành lập mô hình tương tự nhằm góp phần nâng cao kiến thức cho những ai chuẩn bị bước vào đời sống vợ chồng.

“Khóa học có rất nhiều nội dung về cách đối nhân xử thế trong gia đình truyền thống Việt Nam và cuộc sống hiện đại. Tôi được tư vấn để lường trước những khó khăn mình sẽ phải đối mặt, tránh những rủi ro về sau và giúp cho cuộc sống vợ chồng thêm hạnh phúc”, anh Tuấn chia sẻ.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới hoặc ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng xuất hiện nhiều trung tâm, lớp, nhóm tư vấn kiến thức tiền hôn nhân cho giới trẻ.

Do đó, nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh mong muốn tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ, công đoàn, các tổ hòa giải thành lập mô hình tương tự nhằm góp phần nâng cao kiến thức cho những ai chuẩn bị bước vào đời sống vợ chồng.

Hoạt động tư vấn này không chỉ dành cho các cặp đôi đang yêu, chuẩn bị kết hôn mà cả những người đã lập gia đình nhưng gặp vướng mắc có thể chia sẻ những điều khó nói với chuyên gia tư vấn tâm lý, từ đó biết cách vượt qua khó khăn về kinh tế, sức khỏe, chăm sóc con cái...

Cùng nhau xây đắp cuộc sống hạnh phúc. Các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" trong cộng đồng dân cư.

Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/doi-song/350991/hoc-lam-vo-lam-chong.html