Học hỏi, sáng tạo không ngừng

Họ đã khẳng định bản thân vươn lên trong nghề nghiệp là nhờ nỗ lực học hỏi không ngừng và tinh thần đam mê, sáng tạo

Tại Xí nghiệp (XN) Chế biến cao su - Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG), anh Nguyễn Trọng Nhân luôn được xem là "cây sáng kiến". Gần 10 năm gắn bó với đơn vị, anh đã cống hiến nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN). Từ một nhân viên kỹ thuật, với tinh thần vượt khó, sáng tạo, anh đã vươn lên làm phó giám đốc XN. Nguyễn Trọng Nhân là một trong 40 "Thanh niên tiêu biểu ngành cao su Việt Nam" năm 2020 vừa được VRG vinh danh.

Sáng tạo từ việc nhỏ

Cha mẹ đều công tác tại bệnh viện của ngành cao su nên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hóa học Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, anh Nhân quyết định xin vào làm việc tại XN Chế biến cao su - Tổng Công ty Cao su Đồng Nai với vị trí nhân viên kỹ thuật.

Thời gian đầu tiếp nhận công việc, anh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm trong khi các kiến thức đã học lại khác xa với thực tế. Vì vậy, anh dành thời gian để quan sát, học hỏi từ đồng nghiệp đi trước và nghiên cứu thêm tài liệu kỹ thuật chuyên ngành. Sự nhạy bén ấy không chỉ giúp anh nhanh chóng bắt nhịp công việc mà còn liên tục cho ra đời nhiều sáng kiến, giải pháp có giá trị, tiết kiệm cho XN hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu là sáng kiến "Cải tiến quy trình đánh đông mủ skim" không cần dùng hóa chất gây hại đến môi trường. Anh kể trước đây để tạo đông mủ skim (các loại mủ phụ) cần sử dụng một lượng axít sulfuric đậm đặc nên vừa tốn kém chi phí vừa có nguy cơ gây mất an toàn cho công nhân (CN) vận hành. Nhận diện rủi ro của đồng nghiệp, anh trăn trở và quyết tâm loại bỏ axít trong khâu đánh đông. Quá trình cải tiến mất khá nhiều thời gian và cũng trải qua nhiều lần thất bại. Ban đầu, anh thử thay axít sulfuric bằng những loại hóa chất khác nhau ít độc hại hơn nhưng kết quả mang lại không như mong muốn. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, Nhân quyết định không sử dụng hóa chất, thay vào đó sẽ điều chỉnh các điều kiện về thời gian, thao tác... trong khâu đánh đông. Sáng kiến này sau khi được áp dụng vào đầu năm 2020 đã giúp DN tiết giảm chi phí nguyên phụ liệu, tăng mức độ an toàn cho người vận hành và góp phần bảo vệ môi trường.

Cống hiến hết mình cho công việc, anh đã giành được nhiều giải thưởng cao quý như "Người thợ trẻ giỏi toàn quốc" năm 2014, "Đảng viên trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai" năm 2015. Tháng 5 vừa qua, anh được đề đạt lên làm phó giám đốc XN. Về động lực sáng tạo, anh nói: "Tạo ra sản phẩm tối ưu với chi phí thấp nhất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN là trách nhiệm của người thợ. Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người thợ không được phép bỏ cuộc. Sáng tạo sẽ giúp người thợ trưởng thành hơn, đồng thời cũng mở ra cơ hội thăng tiến cho bản thân" - Nguyễn Trọng Nhân bộc bạch.

Anh Nguyễn Văn Dương vinh dự nhận giải thưởng “Sao vàng cao su” năm 2020

Anh Nguyễn Văn Dương vinh dự nhận giải thưởng “Sao vàng cao su” năm 2020

Hết lòng vì tập thể

Gắn bó với Nông trường (NT) Ou Tuek Thia (tại Campuchia) suốt 10 năm và kinh qua nhiều vị trí công việc từ nhân viên văn phòng, nhân viên kỹ thuật rồi lên phó giám đốc, giám đốc NT, ít ai biết rằng anh Nguyễn Văn Dương đến với ngành cao su chỉ vì "tình cờ".

Gia đình anh Dương không có ai làm việc trong ngành cao su, bản thân anh cũng chưa từng tìm hiểu về cây cao su. Thế nhưng, tình cờ biết được thông tin tuyển dụng nhân sự cho dự án trồng cao su tại Campuchia của Công ty CP Cao su Bà Rịa - Kampong Thom năm 2010, anh rất hứng thú và quyết định ứng tuyển. Trúng tuyển, anh một mình khăn gói qua xứ người lập nghiệp. Vốn được tuyển dụng cho vị trí nhân viên văn phòng nhưng do bản tính ham học hỏi, ngoài thời gian làm việc, anh thường xuyên quan sát và tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su. Thấy anh yêu thích cây cao su, ban giám đốc đã điều chuyển anh sang phòng kỹ thuật rồi xuống NT làm việc để kèm cặp CN Campuchia. Phải tiếp xúc với người bản địa trong khi không biết tiếng Campuchia nên thời gian đầu Dương gặp rất nhiều trở ngại. Hầu hết CN Campuchia đều xuất thân là nông dân, ý thức kỷ luật kém, hiểu biết về cây cao su cũng hạn chế. Vì vậy, Nhân đã cố gắng học tiếng Campuchia để có thể trò chuyện, hướng dẫn kỹ thuật cho họ.

Không dừng lại ở đó, anh đã có nhiều sáng kiến giúp công việc quản lý tốt hơn. Điển hình như giải pháp tận thu mủ cao su. Trước đây, do hạn chế về kỹ thuật nên khi gặp những cây cao su bị sần vỏ, CN thường bỏ qua và điều này gây thất thoát lượng mủ không nhỏ. Nhận thấy hạn chế này, anh lưu ý CN phải cạo thật sát và chỉ được đánh dấu bỏ qua nếu cây không có mủ. Với sự điều chỉnh hợp lý này, sản lượng cao su đã tăng lên đáng kể, thu nhập CN cũng được cải thiện. Nhờ sự hiểu biết và tận tình hướng dẫn, anh Dương luôn được CN tin tưởng. Hiện nay, anh đã là giám đốc NT. Mới đây nhất, Nguyễn Văn Dương được VRG trao giải thưởng "Sao vàng cao su" - giải thưởng cao quý dành cho quản lý, nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc của tập đoàn.

Là quản lý cao nhất tại NT, điều khiến anh vui nhất là đến nay, trên 60% quản lý cấp tổ đều là người Campuchia thay vì CN kỹ thuật người Việt như trước. Khi được hỏi xa quê 10 năm, vợ con đều ở Việt Nam, liệu anh có muốn xin về Việt Nam làm việc, Dương cười bảo: "Gắn bó với NT suốt 10 năm, tôi đã dành hết tâm huyết và cũng rất yêu mến mảnh đất này. Vì vậy, khi nào không còn sức khỏe nữa, tôi mới nghĩ đến chuyện xin về. Hiện nay, mỗi tháng công ty đều cho tôi nghỉ 6 ngày để về thăm gia đình, như vậy là quá đủ".

Bài và ảnh: THANH NGA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/hoc-hoi-sang-tao-khong-ngung-20201103205951853.htm