Học Hóa học không nên thuộc lòng

Đó là chia sẻ của thầy Trần Văn Thành - giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương Gia Lai.

Ảnh minh họa/internet

Giúp học sinh tự tin trước những câu hỏi Hóa học

Thầy Trần Văn Thành - cho biết: Hầu hết học sinh ngại với những câu hỏi Hóa học thiên về lý thuyết vì chúng đòi hỏi người học phải có tư duy tổng hợp và nắm vững kiến thức, không những trong lĩnh vực Hóa học mà còn trong những lĩnh vực khoa học khác.

Ví dụ: Các em hãy so sánh tính tan trong nước của hai chất CO2 và SO2. Học sinh có thể trả lời đúng là SO2 tan trong nước tốt hơn nhiều so với CO2, nhưng vì sao như thế thì các em còn lúng túng. Để nắm chắc vấn đề trên các em phải hiểu được dạng hình học của phân tử, đồng thời phải biết tích hợp kiến thức về phép cộng vectơ trong môn Toán.

O=C=O

Liên kết hóa học giữa nguyên tử cacbon với nguyên tử oxi là phân cực, nhưng toàn phân tử CO2 lại không phân cực vì phân tử có cấu trúc đường thẳng và do đó momen lưỡng cực của phân tử bằng không (modun của vectơ tổng bằng không).

Tương tự liên kết hóa học giữa nguyên tử lưu huỳnh với nguyên tử oxi là phân cực và toàn bộ phân tử SO2 cũng phân cực do phân tử có cấu trúc góc (modun của vectơ tổng khác không).

"Chính sự khác nhau này là nguyên nhân căn bản dẫn đến hợp chất SO2 tan tốt trong nước, còn CO2 thì ngược lại và còn rất nhiều những ví dụ thú vị khác. Vậy làm thế nào học sinh có thể tự tin với những câu hỏi này?

Theo tôi khi học lý thuyết Hóa học các em không nên thuộc lòng các tính chất một cách máy móc mà phải luôn luôn tập trung chú ý, lắng nghe bài giảng của các thầy, cô giáo để rồi đứng trước bất kỳ một đơn vị kiến thức mới nào đó, các em phải biết trăn trở và tự đặt cho mình 2 câu hỏi lớn đó là:

“Phát biểu hay định nghĩa, định lý, định luật… đó nghĩa là như thế nào? Tại sao nó phải là như thế?” Từ đó, bản thân tự giải quyết vấn đề, sau đó mới nhờ đến thầy cô, bạn bè giúp đỡ" - Thầy Trần Văn Thành trao đổi.

Nắm chắc cơ chế của các phản ứng kinh điển

 Thầy Trần Văn Thành - giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương Gia Lai

Thầy Trần Văn Thành - giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương Gia Lai

Cũng theo thầy Trần Văn Thành, là một giáo viên dạy ở trường THPT Chuyên miền núi, đa số là con em đồng bào thiểu số, điều kiện kinh tế của các gia đình còn nhiều khó khăn nhưng bù lại hầu hết các em có ý thức và tinh thần tự học, tự nghiên cứu rất cao.

Chính vì thế, không chỉ riêng thầy Thành mà còn nhiều đồng nghiệp khác cũng phải tự vạch ra cho mình một kế hoạch đó là: Tự học và trau dồi vốn ngoại ngữ để có thể dịch các tài liệu chuyên ngành Hóa học, nhất là các đề thi Olympic Hóa học quốc gia, quốc tế để làm tài liệu vừa tự học, vừa chuyển tải đến học sinh các lớp Chuyên Hóa.

Mặt khác, học sinh ở trường chuyên có khả năng tự học rất tốt. Vì vậy các em rất cần ở người thầy là sự dìu dắt, đặt những vấn đề mới, các em có thể tự giải quyết sau đó người thầy đôn đốc và kiểm tra kết quả.

"Là một giáo viên phụ trách lĩnh vực Hóa học hữu cơ của mảng học sinh giỏi quốc gia, tôi nhận thấy kiến thức quan trọng nhất để giúp các em có thể tự tin khi làm bài là: Các em phải nắm chắc được cơ chế của các phản ứng kinh điển" - thầy Trần Văn Thành bộc bạch.

Minh Phong (ghi)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hoc-hoa-hoc-khong-nen-thuoc-long-3537301-v.html