Học hè trực tuyến hiệu quả - Học trực tuyến bao lâu là đủ?

Giúp con củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ hè là cần thiết nhưng không phải bắt buộc. Do vậy, vẫn có những gia đình cho con nghỉ ngơi hoàn toàn. Thế nhưng ở chiều ngược lại, không ít gia đình muốn con học hè.

Học hè trực tuyến hiệu quả - Học trực tuyến bao lâu là đủ?

Nhưng nhiều phụ huynh thấy bất an khi Covid-19 bùng phát, đến các trung tâm sẽ tiềm ẩn nguy cơ nên chọn hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, thiết bị nào phù hợp, thời gian học mỗi buổi bao lâu, chọn giáo viên ra sao... là những vấn đề mà bố mẹ cần chú trọng.

Để việc học trực tuyến của trẻ được hiệu quả, bố mẹ cần đồng hành cùng con ở những giai đoạn đầu. Đối với trẻ, quá trình học trực tuyến được khuyến cáo chỉ nên kéo dài trong khoảng 15 - 18 phút, trước khi chuyển sang nhiệm vụ khác.

Chú trọng kỹ năng sống

Chia sẻ về thời điểm trẻ nên học trực tuyến, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý (Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: "Để biết khi nào con có thể bắt đầu học trực tuyến, chúng ta cần xem điều kiện để học trực tuyến có hiệu quả gồm những điểm nào".

Theo đó, để việc học trực tuyến trở nên hiệu quả, trước hết người học phải có khả năng xác định được mục tiêu mình đạt được sau bài học/khóa học và cam kết thực hiện kế hoạch. Ngoài ra, trẻ phải có những kiến thức cơ bản về Internet và máy tính, nhằm bảo đảm sự an toàn khi học trực tuyến và xử lý một số sự cố kỹ thuật.

"Như vậy, khi nào bố mẹ rèn được cho con một số năng lực trên, trong đó cốt lõi là năng lực ý thức tự học, thì việc học trực tuyến đối với trẻ mới có hiệu quả", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Trong thời gian nghỉ hè, không ít phụ huynh chia sẻ muốn để con thường xuyên ôn tập kiến thức. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng có thể đồng hành cùng con trong quá trình học.

Chị Lam Anh - một phụ huynh có con học lớp 7 tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay: "Trong thời gian chưa đăng ký lớp học thêm cho con, tôi có yêu cầu cháu tự học trực tuyến. Tuy nhiên, do vợ chồng tôi đều đi làm nên ban ngày, con phải ở nhà với ông bà. Đôi khi gặp khó khăn trong việc tự học, nhưng cháu cũng không biết hỏi ai".

Cùng cảnh ngộ với chị Lam Anh, vợ chồng anh Thành Công không ít lần "dở khóc dở cười" vì để con tự học trực tuyến trong lúc bố mẹ đi làm.

Anh Công cho biết, do không ở nhà vào lúc con học trực tuyến, nên hiệu quả đối với trẻ là chưa cao. Ngoài ra, bố mẹ cũng rất khó để hướng dẫn cụ thể cho con nếu chỉ nói qua điện thoại.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, để trẻ học trực tuyến một mình có hiệu quả, ban đầu cha mẹ cần phải đồng hành với con.

Chuyên gia cho biết, chỉ khi nhận thấy con hoàn toàn thành thạo và có kỹ năng tự học, phụ huynh mới có thể để con làm điều đó một mình.

Khung thời gian phù hợp

Không ít phụ huynh băn khoăn về việc, liệu nên để con học trực tuyến trong thời gian bao lâu là hợp lý?

Nói về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: "Các nghiên cứu tâm lý cho thấy, việc học trực tuyến sẽ có hiệu quả nhất khi được kết hợp với các nhiệm vụ trực tiếp xen lẫn vào những khoảng thời gian nghỉ.

Căn cứ vào các nghiên cứu về sự chú ý khi xem chương trình truyền hình, mức độ tập trung chú ý của cá nhân chỉ cao trong khoảng 15 - 18 phút. Vì vậy, các phần học trực tuyến có lẽ cũng chỉ nên thiết kế trong khoảng thời gian này. Sau đó cần chuyển sang phần giao nhiệm vụ thực hiện trên thực tiễn và nghỉ ngắn, trước khi tiếp tục một phiên học trực tuyến khác".

Tuy nhiên, PGS Nam cho rằng, về cơ bản, học trực tuyến phù hợp hơn trong việc hỗ trợ trẻ khám phá và tìm hiểu kiến thức. Điều này đồng nghĩa rằng, học trực tuyến phù hợp để cung cấp những kiến thức nền ban đầu, thay vì việc vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

"Vì vậy, tôi cho rằng, việc học trực tuyến trong thời gian hè là không nên, để chúng ta có thể trả lại mùa hè đích thực cho con trẻ và cũng là cơ hội để dạy người, dạy những kỹ năng của cách mạng công nghiệp 4.0", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Giúp con bảo vệ mắt

Nói về cách bảo vệ mắt cho trẻ khi học trực tuyến, TS.BS Hoàng Cương - Phó Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay: "Không phải môn học nào cũng nên áp dụng theo hình thức trực tuyến, tránh lạm dụng máy tính, gây mệt mỏi thị giác.

Giao bài tập cho trẻ dưới dạng chữ viết và yêu cầu con nộp kết quả bằng bản mềm cũng giúp mắt đỡ mệt, đổi dạng lao động để trẻ bớt nhàm chán".

Theo TS Cương, phụ huynh nên tránh để con học vào các khung giờ từ 7 - 9 giờ, 11 - 13, 17 - 19 giờ… Lý giải về điều này, chuyên gia cho biết, những khung giờ trên trùng đúng điểm rơi của sinh lý cơ thể cũng như cơ quan thị giác, thích hợp với nghỉ ngơi thay vì học.

Theo đó, phụ huynh nên khuyến cáo con nghỉ ngơi sau khoảng thời gian học. Sau 2 giờ học, trẻ nên nghỉ 15 phút, sau 1 giờ học nên nghỉ 5 phút. Trong trường hợp trẻ không ra ngoài hay thả tầm mắt được, các con nên nhắm mắt lim dim, mát-xa quanh mắt, chườm ấm nếu mắt mệt mỏi. Chuyên gia khuyến cáo, tổng thời gian trẻ học qua màn hình không nên quá 5 giờ/ngày.

Để không gây hại tới mắt, TS Cương cho biết, màn hình có nấc tăng chiếu sáng tự thân, tăng tương phản, chỉnh cỡ chữ và ký tự to lên. Do đó, phụ huynh có thể giúp con, nhưng không nên tạo hiệu ứng lóa.

Chia sẻ về thiết bị điện tử phục vụ cho việc học, chuyên gia cho biết, iPhone sẽ khiến trẻ khó nhìn do màn hình bé, nhưng hoàn toàn ổn khi nghe giảng và học ngoại ngữ. Do đó, máy tính bàn và máy tính xách tay là những lựa chọn "tối ưu" để trẻ học trực tuyến.

"Khoảng cách từ mắt đến màn hình khoảng 1,5 lần đường chéo là sinh lý. Do đó, màn hình máy tính bàn cách khoảng 60 - 80 cm, máy tính xách tay và iPad 30 - 40 cm là hợp lý. Màn hình cao hoặc thấp hơn mắt một chút, tạo với trục nhìn góc 15 - 20 độ là khuyến cáo chung.

Thông thường, trẻ sẽ có tư thế ngồi thấp quá hoặc cự ly có vấn đề nếu bố mẹ để con dùng bàn làm việc của mình. Với máy tính xách tay, bố mẹ cũng nên quan tâm đến bàn, ghế hợp với tầm vóc của trẻ", TS Cương khuyến cáo.

Để giúp đôi mắt trẻ khỏe mạnh, các phụ huynh được khuyến cáo thường xuyên để con ăn các loại rau, củ, quả màu đỏ hoặc vàng. Ngoài ra, hải sản, các loại cá, nhuyễn thể cũng vô cùng tốt cho mắt và não. Trẻ có thể sử dụng một loại thuốc bổ mắt hay thực phẩm chức năng chứa vitamin A, E, C.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/hoc-he-truc-tuyen-hieu-qua-hoc-truc-tuyen-bao-lau-la-du--1597050534715.html