Học giả Vương Hồng Sển: Sách, cổ vật là bạn cố tri

Ngày 10-12-1923 tại Sài Gòn, tờ báo La Cloche Féleé (Cái chuông rè) phát hành số báo đầu tiên. Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh phải ôm từng chồng báo chạy rao bán trên đường Catinat, Bornad, dEspagne...

Khi chạy mỏi chân, anh Ninh thường đứng nghỉ chân trước nhà hàng Yeng Yeng. Lúc đó, có một thanh niên ăn chơi khét tiếng, ngồi trong nhà hàng thưởng thức món bít tết Chateaubriand với giá 8 cắc một dĩa. Thấy Nguyễn An Ninh, người thanh niên vội vàng đứng dậy ra khỏi quán mua tờ báo La Cloche Féleé, để được cầm lấy tay anh.

Hành động dũng cảm ấy nhằm “lấy le” với những người đẹp trong chốn giang hồ rằng: “Mình cũng là người đồng tịch đồng sàng với nhà cách mạng này”. Vậy đó, dù không có gan làm cách mạng nhưng chàng thanh niên này đã kính trọng người làm cách mạng, trọng công bằng, lẽ phải và căm ghét cường quyền.

Người đó tên là Vương Hồng Sển, nhỏ hơn Nguyễn An Ninh 2 tuổi. Ông đã sống trọn thế kỷ XX này, về cuối đời ông tự bạch như trên và cho biết: “Tôi từ nhỏ đã có tánh ham mê đọc sách. Tôi cho sách là bạn cố tri trung thành, nên khi đọc và lúc cao hứng, tôi thường ghi lại bên lề trang sách những cảm tưởng nhứt thời, không khác được tỉ tê tâm sự với một bạn cố giao bằng xương bằng thịt. Vì vậy cuốn sách hóa ra của riêng, y như vợ nhà, và nếu thuở nay không đời nào ai cho mượn vợ, thì xin các bạn hiểu giùm vì sao tôi ít cho mượn sách...

Tánh tôi rất khó, nên tôi lập tâm không bao giờ mượn sách của ai, vì tôi cho rằng đọc sách phải thư thả, sách mượn đọc hối hả để mau trả thì mất vui mất thú. Khi tôi lựa được một cuốn sách hay thì tôi chẳng nệ hà mắc giá, thế nào tôi cũng mua cho được và tôi cưng cuốn sách còn hơn bà xã nội gia”. Mê sách, quý sách, ham đọc sách như thế nhưng ông lại tự trào cho rằng đó là... hư! Và còn một tính hư khác nữa là “có bao nhiêu tiền kè kè bên túi, trong thì ép vợ ép con ăn kham mặc mót ngoài thì... mua đồ cổ ngoạn!”.

Có lẽ, ở thế kỷ này, hiếm có ai như thế. Cái gì đã lọt vào tay ông thì ông giữ cho đến chết. Nhờ vậy, chúng ta mới biết được bao điều thú vị khác của “ngày xửa ngày xưa”.

Chẳng hạn, nhờ ông chúng ta mới thấy được tấm chương trình của thày Năm Tú trong hai đêm 11 và 12-11-1922 đã hát tuồng cải lương Kim Vân Kiều tại rạp Modern Cinema (212 đường doẼspagne - Sài Gòn).

Chi tiết này, giúp ta biết được kiệt tác của Nguyễn Du được đưa lên sân khấu cải lương trước khi lên phim vì mãi đến năm 1924 phim Kim Vân Kiều mới chiếu ở Hà Nội do Công ty Indochine Films et Cinemas thực hiện.

Sau khi xâm lăng nước ta, một số văn minh và ngôn ngữ Pháp đã xâm nhập vào đời sống và đã giúp tiếng Việt phong phú hơn, đa dạng hơn và cũng từ đó hình thành loại ngôn ngữ “Pháp - Việt giao duyên”.

Đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm ra sự “giao duyên” này trong thơ, hát nói, ngâm khúc, hát ru con... Nhưng cũng nhờ tính khoái sưu tập mà Vương Hồng Sển đã trưng ra được sự “giao duyên” theo điệu hát tứ đại.

Chẳng hạn, bài Tây Nam du hát theo điệu tứ đại dài 43 câu: “Thương, ỷ thương không ngớt cơn sầu/ Sông Ngân dạ muốn bắc cầu/ Trách mấy người lòng chẳng em-mê (aimer: thương mến)/ Năm canh sầu ủ ê/ Cái niềm phu thê/ Sao mà muốn kít-tê hỡi nàng (quitter: chia lìa)/ Vì tại sai la luy nơ soi tỏ dạ (la lune: mặt trăng)/ Mấy lời nguyền...”.

Trên đây là một trong rất nhiều thú vị khi nhắc đến ích lợi của tính khoái sưu tập, sưu tầm của Vương Hồng Sển. Thuở nhỏ, ông học ở trường Chasseloup-Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn) từ năm 1919 đến 1923.

Sau khi thi đậu Brevet Elementaire ngày 18-6-1923, ông tiếp tục dự thi và trúng tuyển khoa thi chọn người làm thư ký cho chánh phủ. Cuộc đời công chức của ông kéo dài đến năm 1943. Sau đó, từ năm 1947-1964 ông làm quyền quản thủ thư viện bảo tàng quốc gia Sài Gòn.

Ông xuất hiện trên trường văn trận bút khá chậm, từ năm 1947, lúc bấy giờ đã ngoài 40 xuân. Dù chậm, nhưng gừng càng già càng cay, với sự từng trải và kiến thức tích lũy, ông đã viết nhiều tác phẩm có tiếng vang tốt trong dư luận. Càng về sau, những trang viết của ông càng khẳng định giá trị vốn có của nó.

Để hiểu miền Nam mến yêu của nước Việt thì một trong những cuốn sách chắc chắn phải đọc là của Vương Hồng Sển. Một trong những đóng góp lớn nhất của ông trong văn hóa nước nhà - đó là ông đã giữ được bản sắc ngôn ngữ miền Nam. Lối hành văn, sử dụng ngôn từ của ông tươi rói như sức sống bền bỉ của người miền Nam, chúng ta khó có thể tìm thấy ở đó tì vết của sự “pha tạp”.

Tác phẩm đầu tiên của ông là Sài Gòn năm xưa in năm 1960, đến nay đã tái bản nhiều lần. Đây là cuốn sách biên khảo công phu với tài liệu dồi dào nhắc lại công lao của tổ tiên những người đi mở đất một cách cảm động.

Về địa danh Sài Gòn, ông kết luận rằng: Sài Gòn theo tiếng Miên là Prei Nokor (nghĩa là xứ ở rừng), Trung Hoa tới lập khu buôn bán gọi là Đề Ngạn (Chợ Lớn ngày nay) và người Việt tới lập một khu khác gọi là Bến Thành (Sài Gòn ngày nay).

Đề Ngạn mà phát âm theo giọng Quảng Đông thì nghe ra Thầy ngôn hay Thì ngồn, Tài ngòn. Sài Gòn có lẽ do đó mà ra, chứ không phải do Prei Nokor. Cũng trong năm này, ông cho in Thú chơi sách với lối viết lịch lãm của một người chơi sách chuyên nghiệp.

Nay đọc lại vẫn còn thấy thú vị, chỉ tiếc rằng, bây giờ, ít còn ai ham thích chơi sách cỡ như “chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa, êm ái vuốt ve trang giấy mịn màng, gởi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu công tử đời xưa tiếp kiến nhân tình bằng xương bằng thịt” (tr.24, NXB Mỹ thuật tái bản 1994).

Theo hồi ký của ông, sau khi ly dị người vợ lần thứ nhất, ông đã đâm ra... hư! Từ năm 1924, ông quan hệ nhiều với giới văn nghệ sĩ. Nhờ đó ông đã chú tâm ghi chép, sưu tập nhiều tài liệu quý về sân khấu cải lương.

Năm 1968, lúc bấy giờ đã ngoài 60 xuân, ông cho in Hồi ký 50 năm mê hát. Cho đến nay, chưa có công trình khảo cứu nào đầy đủ, công phu và thuyết phục hơn công việc của ông đã làm - nhất là ở phần phụ lục. Về “lai lịch” của nghệ thuật cải lương theo ông thì:

“a. Cho đến năm 1915 tại miền Nam, và chính tại Sài Gòn, các tài tử còn ca các bài cũ kiểu “độc thoại” và không bao giờ khi ca ra có bộ; có thể ví đó là thời kỳ thai nghén hay tượng hình tượng trưng của ca hát.

b. Bắt đầu từ 1916, có ca đối thoại, nhiều người và gọi đó là “ca ra bộ”. Điển hình nhứt là bài Tứ đại oán, Bùi Kiệm thi rớt phát khởi từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) nhà thầy Phó Mười Hai. Đây là thời kỳ trứng nở biến ra nhộng nhưng chưa biết xe tơ.

c. Đêm 16-11-1918 tại rạp hát Tây Sài Gòn, có diễn tuồng Pháp - Việt nhứt gia cũng gọi Gia Long tẩu quốc. Thời kỳ này, con tằm đã biết kéo chỉ, nhưng chưa khéo như sợi tơ tằm “cải lương” sau này; tuy vậy nên kể là thời kỳ phôi thai của cải lương được.

d. Sau đêm 16-11-1918 André Thân trước, rồi Năm Tú sau, đưa cải lương lên sân khấu thiệt thọ. Năm 1922 chính là năm điển hình, diễn tuồng Trang Tử thử vợ và tuồng Kim Vân Kiều mấy phen tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và rạp Modern Sài Gòn.

Lúc này cải lương đã ra đời và thành hình thật sự. Con tằm đã lanh lẹn và sợi chỉ đã săn, thâu súc lại chắc chắn. Một sợi tơ kéo ra Bắc do sinh viên trường Cao đẳng. Tính đến năm 1968, sợi tơ đã được 50 năm và biến biến hóa hóa thiên hình vạn trạng không biết sẽ đi đến đâu mà đoán trước được” (tr. 176).

Sau đó, năm 1971 ông cho in cuốn Chuyện cười cổ nhân (NXB Văn nghệ TP HCM tái bản 1992). Đây là một cuốn sưu tập có giá trị, vì ông đã tuyển chọn lại chuyện cười của Trương Vĩnh Ký, Thọ An, Đinh Thái Sơn, Đặng Lễ Nghi... xuất bản từ đầu thế kỷ XX.

Đóng góp cho văn hóa nước nhà của ông không chỉ có vậy, ông còn viết cả Phong lưu cũ mới in năm 1970 (NXB TP HCM tái bản 1990) trình bày về thú chơi cá, chim, chọi gà... rồi Thú xem truyện Tàu với cách viết lịch lãm, uyên thâm, đưa ra nhiều tài liệu, nhận xét xác đáng.

Nhưng công lớn nhất của học giả Vương Hồng Sển vẫn là những bộ sách khảo cứu đồ cổ ngoạn. Hơn ai hết, ông là người có đủ kiến thức về lĩnh vực này và bản thân ông cũng là nhà sưu tập đồ cổ ngoạn với số lượng nhiều nhất, có giá trị nhất. Niềm say mê của ông đối với đồ cổ ngoạn thật lạ lùng. Ông từng tâm sự: “Bình sinh tôi mê thích đồ cổ còn hơn khách hào hoa mê gái, hơn xa người đánh bạc mê bài. Mua được một món lạ, tôi đắc ý gặp ai đến nhà cũng lấy ra khoe, quên rằng ép người ta nghe mình nói chuyện Tam Hoàng quốc chí, người ta mau chán ngán. Chỉ riêng tôi, với món đồ mới sắm, tôi có thể mân mê suốt ngày, không ăn cũng đủ no. Nói ra không sợ ai cười, tôi có thể trở nên một thằng điên “khúc khích mình cười nói chuyện một mình” rồi tôi sung sướng khoan khoái trong lòng, khi ấy tự mình thấy trẻ trung, nhỏ xuống mấy tuổi, vì lẽ ấy không trách vì sao tôi cứ mua đồ cổ. Tiền mua đồ cổ, dẫu tốn bao nhiêu, tôi không sợ” (Hơn nửa đời hư, tr. 501).

Với ông, đồ cổ ngoạn không phải là vật vô tri vô giác mà là mỹ nhân, giai nhân tuyệt sắc có thể trò chuyện, sờ ngắm được. Nói như ngôn ngữ nhà Phật thì do cơ duyên, nên ông đã sưu tập được những đồ cổ ngoạn loại quý hiếm nhất.

Trong những năm cuối đời, Vương Hồng Sển vẫn tiếp tục viết khảo cứu. Năm 1992, ông cho in Sài Gòn tạp pín lù. Năm 1993 ông cho in Tự vị tiếng nói miền Nam (nhưng khi in người ta lại tự ý đổi thành Tự vị tiếng Việt miền Nam - NXB Văn Hóa).

Cuốn sách này dày gần 800 trang in, là tác phẩm quan trọng và cần thiết cho bất cứ ai muốn tìm hiểu tiếng nói, địa chí, nhân vật... ở miền Nam. Chẳng hạn, từ vàm ở ngoài Bắc không thấy có.

Theo ông, “vàm” vốn là chữ Păm, Peám của Khơ-me được Việt hóa từ hồi Nam tiến là cửa biển, cửa sông; “Thèo lèo” do tiếng Triều Châu “Tề léo” tức “Trà liệu” món ăn ngọt để dùng khi uống trà. Thèo lèo trong Nam hiểu là đậu phộng chiên mỡ, bao ngoài một lớp đường pha bột, màu trắng, thơm ngon, dùng khi uống trà Tàu, lại gọi giễu là “cứt chuột” (tr. 685) v.v...

“Đọc sách là nói chuyện với những người thành thật nhất của thế kỷ đã qua”. Câu nói của Descarte khiến chúng ta nhớ đến những bộ sách quý của các nhà văn hóa Việt Nam trong đó có Vương Hồng Sển. Đọc sách của ông, bao giờ chúng ta cũng tìm được ở đó những điều rất thú vị mà ta không biết hỏi ai hoặc tra cứu ở sách vở nào.

Sống gần trọn thế kỷ XX, Vương Hồng Sển còn để lại tập hồi ký Hơn nửa đời hư (NXB Trẻ tái bản 1999), những học giả đương thời như Sơn Nam không ngớt lời ca ngợi, vì tính chân thật, giá trị lịch sử ở trong đó “là sự đóng góp quý báu về tư liệu xã hội học, dân tộc học ở vùng đất mới”.

Học giả Vương Hồng Sển sinh ngày 27-9 âm lịch năm Nhâm Dần 1902 - nhưng trong giấy tờ lại ghi ngày 4-1-1904 năm Giáp Thìn tại làng Xoài Cả Nả - Sóc Trăng. Ông mất lúc 8h30 sáng ngày 9-12-1996 tại Bệnh viện Nguyễn Trãi TP HCM. Cảm động thay, ước nguyện cuối cùng của ông: “Khi tôi chết, xin đừng kèn trống đưa đám rùm beng. Xác chở về Sóc Trăng, chôn dưới chân cha sanh mẹ đẻ”.

Trong sổ tang, nhà sử học, GS Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã viết: “Vô cùng thương tiếc bạn già, người có công lớn đối với văn hóa dân tộc. Mong cụ vui ở thế giới bên kia”. Dòng chữ này có lẽ cũng đã nói thay cho tấm lòng nhiều người khi tưởng nhớ đến học giả Vương Hồng Sển.

Lê Văn Nghệ

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/10githang__-hoc-gia-vuong-hong-sen-sach-co-vat-la-ban-co-tri-481953/