Học giả Trung Quốc chỉ trích quan hệ kinh tế Trung Quốc-Pakistan

Lợi ích kinh tế cùng với an ninh năng lượng của Hành lang Kinh tế Trung Quốc- Pakistan (CPEC) được phóng đại, và do thiếu minh bạch về cơ chế đầu tư này mà Bắc Kinh làm tăng căng thẳng với Ấn Độ.

Cao tốc Multan- Sukkur trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc- Pakistan (CPEC) - Ảnh: Tân Hoa Xã

Cao tốc Multan- Sukkur trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc- Pakistan (CPEC) - Ảnh: Tân Hoa Xã

CPEC có giá trị lên đến 62 tỉ USD, ra đời nhằm mục đích kết nối khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) với cảng Gwadar ở Pakistan bằng mạng lưới đường giao thông, đường ống dẫn dầu cùng trung tâm thương mại. Đây được xem là dự án hàng đầu trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Nhưng chuyên gia quan hệ quốc tế Dương Thư của Đại học Lan Châu (tỉnh Cam Túc) cho rằng tác động xấu mà CPEC đem lại đã bị đánh giá thấp.

“Dư luận với truyền thông Trung Quốc rộng rãi ca ngợi CPEC là thành quả lớn, nhưng tôi nghĩ họ bỏ qua mặt tiêu cực. Rồi hoạt động đưa tin rầm rộ cho BRI của giới truyền thông, một số nhận định vô trách nhiệm từ một số học giả làm nảy sinh nghi ngờ (về ý định của Bắc Kinh khi đầu tư) tại Ấn Độ”, theo chuyên gia Dương.

Nhận định mà ông nhắc đến là lập luận cho rằng CPEC giúp hình thành một tuyến đường bộ mới từ vùng vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ đến Tân Cương qua đó giải quyết tình trạng quá phụ thuộc vào tuyến vận tải qua eo biển Malacca. Đặc biệt, giao thông trên bộ đóng vai trò quan trọng trong trường hợp xung đột quân sự nổ ra trên Biển Đông.

Chuyên gia Dương cho hay: “Tình huống nào Mỹ phong tỏa Biển Đông? Chỉ khi Mỹ - Trung xảy ra chiến tranh. Dù không làm vậy thì họ vẫn còn phương án khác là nhắm đến các tuyến vận tải tại Ấn Độ Dương”.

Lợi ích của CPEC bị phóng đại - Ảnh: SCMP

Đánh giá của chuyên gia Dương xuất hiện vào thời điểm kế hoạch đầu tư quy mô quốc tế của Trung Quốc đang bị “soi” rất kỹ. Trong nước này xuất hiện chỉ trích cho rằng đây là hoạt động gây lãng phí lớn, còn nhiều quốc gia khác cáo buộc BRI là “bẫy nợ”.

Bắc Kinh nhiều lần khẳng định CPEC đem lại lợi ích cho cả hai bên. Hiện nợ chính phủ của Pakistan ước tính khoảng 70% GDP, một nửa số này là nợ Trung Quốc.

Ông Dương có tham gia vào công tác lên kế hoạch cho BRI từ khi sáng kiến này ra mắt, nhưng ngay cả ông cũng đặt nghi vấn về tính thực tiễn của nỗ lực xây đường giao thông cùng với đường ống dẫn dầu chạy qua những nơi có địa hình phức tạp. Chuyên gia này còn hoài nghi về tác động của CPEC với tổng thể an ninh năng lượng của Trung Quốc, vì Tân Cương vốn dĩ đã là nơi có trữ lượng than đá và khí đốt lớn bậc nhất.

“Chi phí cũng các dự án đường ống dẫn dầu quá cao. Dựa trên kinh nghiệm từ nhiều dự án khác trên thế giới, chi phí sử dụng một đường ống dẫn dầu trên bộ dài trên 4.000km cao hơn chi phí vận chuyển bằng đường biển. Vì vậy lợi ích kinh tế của cảng Gwadar không có”, chuyên gia Dương phân tích.

Một vấn đề nữa chính là có quá nhiều lời ca ngợi phóng đại mà thiếu giải thích cụ thể, làm Ấn Độ lo ngại. Phát biểu tại hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng 6 trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ trích CPEC một cách kín đáo khi tuyên bố các siêu dự án phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nơi chúng đi qua hoặc ở gần.

Ấn Độ là thành viên SCO duy nhất không đồng ý cùng chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng. Chuyên gia Dương đánh giá chuyện này làm tổn hại lòng tin trong tổ chức.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/hoc-gia-trung-quoc-chi-trich-quan-he-kinh-te-trung-quoc-pakistan-101729.html