Học giả Nguyễn Hiến Lê: 'Viết vì cái lợi của độc giả là trước hết'

Học giả Nguyễn Hiến Lê khẳng định mục đích viết sách của mình là để tự học và giúp người khác tự học. Ông luôn cẩn trọng trong quá trình làm việc, tìm niềm vui trong việc viết lách.

Bìa sách “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê.” (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Bìa sách “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê.” (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 20/4 tại Đại học quốc gia Hà Nội, công ty sách Bizbooks tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề: “Nguyễn Hiến Lê-Cuộc đời và dấu ấn tác phẩm.”

Nhân dịp này, Ban tổ chức giới thiệu bộ sách “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê,” “Bách gia tranh minh”“Kinh dịch.” Sự kiện diễn ra nhân Ngày Sách Việt Nam (21/4).

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là nhà giáo, nhà văn, học giả, dịch giả, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, ngôn ngữ, triết học, giáo dục, danh nhân, chính trị, kinh tế, du ký, dịch tiểu thuyết, tiểu luận phê bình. Ông là người đầu tiên dịch và đặt tên cho cuốn sách "Đắc nhân tâm," cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam trong nhiều năm liền.

Tại sự kiện, nhà sử học Lê Văn Lan nhận định rằng Nguyễn Hiến Lê là một ông vua sách, với nhiều tác phẩm rất đáng tin, rất có giá trị.

Qua cuốn“Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” với ngôn ngữ bình dị, chân dung vị học giả uyên bác hiện lên gần gũi và sống động. Ông chia sẻ về cuộc đời mình, bối cảnh xã hội Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Qua đó, độc giả có thể học hỏi cách làm việc của ông: “Tôi làm việc đều đều mỗi ngày, có giờ nhất định như một công chức, chỉ khác công chức là không có ngày nghỉ nhất định. Tôi tự đặt cho mình một kỷ luật, trừ khi đau ốm, còn thì ngày nào cũng dậy từ sáu giờ hay sáu giờ rưỡi, điểm tâm lúc bảy giờ, rồi đọc sách, chín giờ ngồi vào bàn viết để viết luôn đến mười hai giờ, giờ bữa trưa.”

Đại diện Bizbooks và các diễn giả thảo luận về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Nguyễn Hiến Lê. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ông đúc kết một số kinh nghiệm giản dị của bản thân trong quá trình sáng tác như: “Làm nhà biên khảo thì việc đầu tiên là phải kiếm tài liệu. Viết về nhiều môn như tôi thì cần phải đọc nhiều sách, báo. Viết văn thì phải theo dõi văn trào và thời sự trong nước, trên thế giới, cho nên dù bận việc tôi cũng ráng đọc một số nhật báo, tạp chí và những tác phẩm Việt quan trọng xuất bản trong năm.”

Sau khi đọc và ghi chép tất cả tài liệu, ông bỏ thời gian để suy nghĩ về vấn đề đó rồi mới lập một bố cục cho tác phẩm định viết. Khi đã bắt đầu viết, ông luôn viết cho hết chương, chứ không bao giờ bỏ dở để đi làm một công việc khác. Nếu không thể hoàn thành thì ông cũng biên ra các ý trong chương rồi sau đó sẽ sửa lại.

Ông cũng khẳng định mục đích viết sách của mình là để tự học và giúp người khác tự học.

“Tôi nghĩ đến cái lợi của độc giả trước hết, chẳng hề tự cho mình có sứ mạng gì cả, mà cũng không hề mong muốn được nổi tiếng. Có thích vấn đề nào thì tôi mới viết. Thấy vui trong khi viết, bấy nhiêu là đủ cho tôi rồi. Phải thích cái mà mình viết thì độc giả mới thích nó được. Đó là quy tắc và cũng là bí quyết của tôi,” ông chia sẻ trong phần “Không quên độc giả, yêu đề tài.”

Bộ sách “Bách gia tranh minh” gồm 8 cuốn sách của Bát Tử: Hàn Phi Tử, Khổng Tử, Lão Tử, Liệt Tử, Dương Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử, Trang Tử và Tuân Tử, giúp chúng ta hiểu thêm về thời cuộc và đạo quân tử của các bậc vỹ nhân trong lịch sử phương Đông.

Trong cuốn sách “Kinh dịch-Đạo của người quân tử,” tác giả Nguyễn Hiến Lê tìm hiểu, đối chiếu, so sánh với các bản dịch, các công trình nghiên cứu của phương Đông và phương Tây để tìm ra những điểm tương đồng và qua đó giúp độc giả thấy được giá trị đích thực của cuốn sách ở nhiều chiều khác nhau khi áp dụng vào thực tế đời sống./.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hoc-gia-nguyen-hien-le-viet-vi-cai-loi-cua-doc-gia-la-truoc-het/706839.vnp