Học giả Nguyễn Hiến Lê kể chuyện đi dạy học

Nhiều người biết nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê trước làm ngành thủy lợi, rồi chuyên nghiên cứu và viết sách, nhưng ít người biết chuyện ông từng là một giáo viên giỏi.

Nguyến Hiến Lê (1912-1984) quê ở Sơn Tây (nay là Ba Vì, Hà Nội). Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội năm 1934, rồi được chính quyền đô hộ Pháp phân công vào Nam Bộ làm nhân viên đo đạc thủy lợi. Đến năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, ông tản cư về tỉnh Long Xuyên (An Giang ngày nay) và không quay lại làm cho Pháp nữa.

Trong thời gian lánh giặc tại Long Xuyên, ông theo học nghề thuốc bắc với người bác ruột, nhưng tự nhận thấy mình không theo được nghề thầy lang. Rồi cơ duyên đưa Nguyễn Hiến Lê đến với nghề dạy học.

Ông kể lại câu chuyện trong tập Hồi ký: "Một hôm, ông chủ quận Châu Thành, Long Xuyên là Nguyễn Ngọc Thơ (sau này là Phó Tổng thống, Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa) thấy tôi ở không và không muốn trở về nghề công chánh, nhờ tôi kèm Pháp văn và Toán cho một đứa con trai của ông học lớp Nhất. Sau ông giới thiệu thêm một đứa cháu nữa. Từ đó hai ba ông trưởng ti nữa dắt con lại nhờ dạy; từ hai trò lần lần đến tám trò, mỗi ngày dạy hai giờ, mỗi tháng được khoảng 1.000 đồng".

Ngay từ lần đầu tiên dạy học, Nguyễn Hiến Lê đã sử dụng phương pháp sư phạm khoa học và thu được kết quả khả quan. "Vì ít học sinh nên tôi dạy kĩ, tùy theo tư chất của mỗi trẻ, nếu thông minh thì tôi thúc, bắt học nhiều, kém thông minh thì chỉ bắt buộc nhớ những điều cần thiết thôi. Cha mẹ học sinh thấy tôi siêng mà dạy rõ ràng, trẻ dễ hiểu, mau tấn tới nên càng tin cậy.

Chỉ trong ba tháng tôi luyện Pháp văn và Toán cho hai đứa thi vào trường Trung học Cần Thơ, cả hai đều đậu. Tôi nổi tiếng dạy giỏi nên đầu niên học sau số học sinh xin học rất đông, tôi chỉ nhận hai chục em thôi, và mở thêm một lớp buổi chiều riêng cho chúng", Ông kể lại.

Học sinh của ông ở tầm tuổi 14, 15. Ông nhận xét: "Cứ khoảng mười đứa có một đứa thông minh, sau có thể lên đại học được. Mà những đứa đó thường ở trong gia đình trung lưu, cha làm thầy giáo, thầy kí. Em nào cũng lễ phép, dễ bảo, hồn nhiên, dễ thương".

Tháng 11/1948, ông Nguyễn Ngọc Thơ lên làm tỉnh trưởng Long Xuyên, cho mở trường Trung học Thoại Ngọc Hầu ở thị xã. Ông Thơ hai lần khẩn khoản mời Nguyễn Hiến Lê đến dạy thay một thầy giáo được cử đi công tác khác. Đúng giữa năm học, biết nhà trường khó khăn không tìm được người thay, vì tình bạn với ông Thơ và người thầy giáo kia nên Nguyễn Hiến Lê nhận lời giúp với điều kiện là cuối năm học, nếu ông muốn thôi thì phải cho ông thôi.

Nguyễn Hiến Lê chính thức trở thành giáo viên trường công, dạy các môn Pháp văn, Việt văn, Đức dục (Giáo dục công dân), sau thêm cả Hán văn nữa ở nhiều lớp từ năm thứ Tư xuống tới năm thứ Nhì (bây giờ tương đương với 9, lớp 7).

"Tôi soạn bài kĩ, giảng cho rõ ràng, bắt học sinh làm nhiều bài tập, công bằng, thẳng thắn, dù con bạn thân mà làm biếng tôi cũng rầy, dù con các người tai mắt trong tỉnh, nếu lười tôi cũng mắng nặng lời.

Tôi ghét bọn con nhà giàu, sang mà làm biếng; rất yêu những thanh niên nghèo mà thông minh, siêng học. Tôi thường giúp đỡ hạng sau, hoặc cho tiền, cho sách; nghỉ hè tôi lại nhà họ chơi, dắt họ đi chơi", ông ghi lại.

Học giả Nguyễn Hiến Lê kể lại thời đó đã có "bệnh thành tích" trong giáo dục và ông chiến đấu với nó thế nào. "Năm nào tôi cũng đề nghị với hiệu trưởng cho mỗi lớp năm bảy học sinh ở lại vì sức non quá, nhưng hiệu trưởng không nghe, có lẽ vì không muốn làm mất lòng phụ huynh. Tôi bất mãn vì điểm đó lắm, bảo như vậy trái với quy tắc sư phạm, trái với cả cái lợi của học sinh vì học mà không hiểu thì đã mất thì giờ mà lại chán.

 Thầy giáo Nguyễn Hiến Lê. (Ảnh: Wikipedia)

Thầy giáo Nguyễn Hiến Lê. (Ảnh: Wikipedia)

Nhưng đa số phụ huynh học sinh hồi đó không cần con thi đậu, chỉ cần trong học bạ được ghi là học tới năm thứ Tư thôi; cho nên mỗi lớp năm Thứ tư Cao đẳng tiểu học Pháp Việt (tương đương hết cấp trung học phổ thông ngày nay) có đến bốn năm học sinh không viết được câu đúng văn phạm Pháp".

Sau quá trình dạy học, Nguyễn Hiến Lê nhận định về nghề thầy: "Tôi cho rằng trong nghề dạy học, tư cách ông thầy quan trọng nhất: phải đứng đắn, nhất là công bằng; rồi lời giảng phải sáng sủa, mạch lạc, muốn vậy ăn nói phải lưu loát, và soạn bài phải kỹ".

Sau ba năm dạy học, Nguyễn Hiến Lê rời Long Xuyên lên Sài Gòn bắt đầu sự nghiệp viết và xuất bản sách. Ông tự đánh giá về quãng đời làm giáo viên của mình: "Tôi chắc có nhiều người không ưa tôi, nhưng không ai không trọng tư cách của tôi; và bây giờ các học sinh cũ của tôi - nhiều người theo kháng chiến, rồi làm cán bộ ở tỉnh - đối với tôi vẫn lễ phép, xưng con với tôi như hồi còn đi học, gặp tôi thường nhắc lại những câu tôi khuyên hồi còn ở trường".

Và ba chục năm sau, khi về Long Xuyên, Nguyễn Hiến Lê vẫn thấy rất vui khi gặp được năm sáu trò cũ coi ông như cha, có trò thân mật như người trong nhà. Ông cũng cảm thấy tự hào khi được giới phụ huynh học sinh ở Long Xuyên kính nể.

Một vị phụ huynh từng nhận xét về thầy giáo Nguyễn Hiến Lê: "Ông ấy săn sóc sự học con em một cách công bằng, thận trọng, biết thích nghi với trẻ. Đối với học sinh luôn luôn có thái độ ân cần, rộng rãi, hết lòng hướng dẫn chúng, sửa chữa chúng, giúp chúng thành những người biết tự trọng và trọng người".

Nguyễn Hiến Lê khiêm tốn tiếp nhận lời bình luận này chỉ bằng mấy chữ giản dị "Lời khen đó, tôi không dám nhận hết".

>>> Đọc thêm: Thầy giáo khổ luyện viết bằng miệng, dạy chữ cho học trò nghèo

Tiên Long

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hoc-gia-nguyen-hien-le-ke-chuyen-di-day-hoc-d440183.html