Học giả Mỹ lạc quan về kinh tế thế giới 2018

Trang tin Project-Syndicate vừa đăng bài viết với tiêu đề 'Nền kinh tế thế giới 2018' của tác giả Michael Spence- Giáo sư kinh tế trường Đại học New York.

Trong thời đại công nghệ số, Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ là hai nước thống trị trong những năm tới. Ảnh: THX/TTXVN

Tác giả Michael Spence là Giáo sư kinh tế trường Đại học New Yor, đồng thời là chuyên gia cao cấp của Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, Chủ tịch Hội đồng chương trình nghị sự toàn cầu và cũng là người từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001.

Theo bài viết, nhiều cá nhân, công ty và tổ chức đã tìm đến ông cũng như nhiều nhà kinh tế khác để tham vấn về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như đầu tư, giáo dục, việc làm... Dù chẳng có câu trả lời cụ thể nào, song với những thông tin đầy đủ, họ có thể xác định được xu hướng của nền kinh tế, thị trường, công nghệ và đưa ra các dự báo phù hợp.

Với các nước phát triển, năm 2017 dường như là khoảng thời gian nhiều nền kinh tế đạt được sự tăng trưởng trong bối cảnh xuất hiện các căng thẳng, sự chia rẽ và phân cực về chính trị ở cả trong nước và quốc tế.

Trong dài hạn, kinh tế thế giới có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi các vấn đề chính trị- xã hội. Cho đến nay, các thị trường và các nền kinh tế đã tránh được những tác động mạnh từ những bất ổn chính trị. Nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn dường như không còn.

Ngoại trừ trong số này là Anh, quốc gia đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề cùng tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Tại một nơi khác của châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đang rơi vào thế yếu và phải tìm kiếm một liên minh cho chính phủ.

Tất cả những điều này đều không tốt cho Anh và cho phần còn lại của châu Âu. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho Pháp và Đức cần hợp tác chặt chẽ để cải tổ EU.

Tại châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đạt được một vị thế mạnh mẽ hơn bao giờ hết, điều này cho thấy sự quản lý hiệu quả những mất cân bằng, thúc đẩy mức tiêu dùng tăng thêm và những cải cách có thể tạo động lực cho sự phát triển. Ấn Độ cũng là nước có thể duy trì được động lực cải cách và tăng trưởng của mình.

Trong thời đại công nghệ số, Trung Quốc và Mỹ dường như vẫn sẽ là những nước thống trị trong những năm tới. Hai nước tiếp tục đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản, do đó sẽ gặt hái được lợi ích khi các phát minh được thương mại hóa.

Đây cũng sẽ là những nước xuất hiện các tương tác về kinh tế và xã hội, do đó sẽ được hưởng lợi từ các hiệu ứng mạng, rút ngắn được khoảng cách thông tin, và quan trọng hơn cả đó là năng lực trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng của chúng sẽ giúp tạo ra được một lượng lớn dữ liệu quan trọng.

Nền tảng công nghệ số sẽ giúp tạo ra những cơ hội mới trong các lĩnh vực quảng cáo, hậu cần và tài chính. Những nền kinh tế thiếu nền tảng công nghệ số sẽ rơi vào bất lợi.

Trong các hệ thống thanh toán trực tuyến di động, Trung Quốc đang là nước dẫn đầu. Với thực tế là hầu hết dân số Trung Quốc đang chuyển từ tiền mặt sang các hệ thống thanh toán trực tuyến di động, bỏ qua việc sử dụng séc và thẻ tín dụng, hệ thống thanh toán của Trung Quốc đang chứng minh được sức mạnh của mình.

Trong thời gian tới, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển sẽ nỗ lực hướng tới mô hình phát triển toàn diện. Tự động hóa sẽ giúp duy trì thậm trí tăng cường, thay đổi nhu cầu của thị trường lao động, trong khi các lĩnh vực từ sản xuất, hậu cần đến y tế, luật pháp, và nhu cầu lao động có thể giảm. Hệ quả là sự phân cực xã hội và chính trị có thể sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều lý do để lạc quan. Trước hết đó là sự đồng thuận giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi trong việc duy trì một nền kinh tế toàn cầu mở. Ngoại trừ Mỹ, mặc dù vẫn chưa thể khẳng định quan điểm của Chính quyền Tổng thống Donald Trump là muốn rút lui khỏi các hợp tác quốc tế hay chỉ muốn đàm phán lại để giành nhiều lợi ích hơn cho Mỹ.

Ít nhất đến thời điểm này, Mỹ không thể được coi là nhà kiến tạo và tài trợ chính cho một hệ thống thế giới dựa trên các quy định.

Mặc dù Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, các nước khác vẫn tiếp tục cam kết thực hiện. Thậm chí ngay tại trong đất nước Mỹ, các thành phố, các tiểu bang, các doanh nghiệp Mỹ và các tổ chức vẫn cam kết thực hiện các nghĩa vụ chống biến đổi khí hậu bất chấp Mỹ đã rút khỏi hiệp định này.

Tuy nhiên, thế giới vẫn sẽ phụ thuộc vào than đá trong một thời gian dài nữa. Các báo cáo của tờ Financial Times chỉ ra rằng nhu cầu sử dụng than đá ở Ấn Độ sẽ đạt đỉnh trong 10 năm tới. Mặc dù chi phí cho năng lượng xanh sẽ được cắt giảm, song thế giới vẫn phải mất nhiều năm nữa mới có thể đạt được sự tăng trưởng không phụ thuộc vào lượng khí thải carbon dioxide (CO2).

Tất cả những điều này cho thấy nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức như khối lượng nợ lớn sẽ tạo ra tâm lý lo ngại cho các thị trường. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới dường như vẫn đang diễn biến theo kịch bản thuận, chưa có các dấu hiệu cho thấy những khó khăn sẽ xuất hiện./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/hoc-gia-my-lac-quan-ve-kinh-te-the-gioi-2018/69690.html