Học giả Australia 104 tuổi và hành trình tìm đến cái chết ở Thụy Sỹ

Vốn nổi tiếng khắp lãnh thổ Australia với những thành tựu học thuật đạt được trong sự nghiệp, học giả 104 tuổi David Goodall có một cuộc sống khá thầm lặng ở thành phố Perth trong những năm gần đây. Và giờ ông muốn tự chấm dứt cuộc sống của mình, theo một cách riêng biệt.

Học giả 104 người Australia mong muốn được chết theo cách của mình. (Nguồn: AP).

Chỉ sau có một đêm, thông tin về nhà học giả người Australia này đã thống trị nhiều mặt báo trên toàn thế giới. Thông tin về ông Goodall còn được dự đoán vẫn sẽ nổi trội trong tuần tới, sau khi người đàn ông 104 tuổi này chấm dứt cuộc sống của mình thông qua "tự sát có hỗ trợ của y tế" hay trợ tử ở Thụy Sỹ.

Ông Goodall đã bắt đầu hành trình tới châu Âu của mình vào hôm 2/5 vừa qua, một nhà hoạt động ủng hộ việc trợ tử đi cùng ông cho hay. Dù phương pháp trợ tử bị coi là bất hợp pháp ở Australia, nhưng giới chức nước này vẫn cho phép Goodall thực hiện hành trình đến nước khác để thỏa nguyện.

Ngay khi tới châu Âu, ông Goodall sẽ tới thăm người thân của mình ở Pháp trước khi đến Thụy Sỹ. Ngày mà ông dự kiến thực hiện trợ tử là 10/5 tới.

"Tôi đã 104 tuổi nên không còn nhiều thời gian nữa... Sức khỏe của tôi đang ngày càng giảm sút và điều đó khiến tôi sống không vui vẻ nữa" - ông Goodall nói trong cuộc phỏng vấn mới đây với kênh ABC của Australia - "Tôi xin lỗi vì phải di chuyển tới Thụy Sỹ để thực hiện điều này".

Nhiều người đưa ra câu hỏi rằng tại sao giới lập pháp Thụy Sỹ lại cho phép người dân trong nước và nước ngoài như ông Goodall tìm kiếm cái chết? Thực tế không phải vậy. Tuy nhiên, không giống như Australia và phần lớn các nước trên thế giới có điều luật cấm trợ tử, ở Thụy Sỹ lại chưa có điều luật nào quy định về hoạt động này.

Thực tế thì trợ tử vẫn là một vấn đề gây tranh cãi ở Thụy Sỹ. Các cuộc tranh luận về đề tài này đã liên tiếp cản trở chính phủ Thụy Sỹ đạt được sự đồng thuận để đưa ra một bộ luật hoàn chỉnh.

Một trong những bên phản đối kịch liệt hoạt động trợ tử chính là các tổ chức Công giáo ở Thụy Sỹ, những người cho rằng trợ tử đi ngược lại các giá trị của Công giáo. Nhiều người khác cho rằng trợ tử sẽ khuyến khích những người già về hưu tự sát để khỏi trở thành gánh nặng của người trẻ.

Dù giới y bác sỹ ở Thụy Sỹ không được phép trợ tử các bệnh nhân của họ trong các trường hợp như vậy, họ vẫn được phép cung cấp cho bệnh nhân các loại độc dược mà không lo ngại về hậu quả pháp lý. Ví dụ, nếu một bệnh nhân muốn chấm dứt cuộc sống của mình, các bác sỹ cần phải đảm bảo rằng quyết định đó là tự nguyện chứ không phải do bị ai thúc ép.

Được biết, trợ tử đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Dù là một hoạt động được xem là hợp pháp ở Thụy Sỹ trong suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 200 người tìm cách chấm dứt cuộc sống của họ theo cách này, tính trong khoảng những năm 2000. Tính đến năm 2015, con số này đã tăng lên 1.000 người mỗi năm.

Rất nhiều người lựa chọn trợ tử đã mắc những căn bệnh không thể chữa trị. Các quốc gia khác trên thế giới như Bỉ và Hà Lan - những nước có chính sách về trợ tử thậm chí còn tự do hơn cả Thụy Sỹ, nhưng lại không chấp nhận người nước ngoài - cũng xem trợ tử như một hình thức hợp lý đối với những người mắc bệnh nan y.

Được biết, phần lớn những người tìm đến Thụy Sỹ để được trợ tử là từ Đức, tiếp đó là Anh, Pháp, Italy và Mỹ.

Tình trạng số trường hợp trợ tử gia tăng trong những năm gần đây có liên hệ với vấn đề nhân khẩu học của Thụy Sỹ - nước có dân số già hóa nhanh chóng - và sự bất lực của chính phủ các nước châu Âu trong khi phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng nhất xảy ra với cộng đồng người già - trong đó bao gồm sự cô đơn.

Như một hệ quả, thế hệ người về hưu ngày nay càng trở nên cởi mở hơn với trợ tử, điều được phản ánh rõ từ số lượng đơn đăng ký được trợ tử mà các tổ chức ủng hộ hoạt động này nhận được. Trong khi đó, có hàng trăm nghìn người ở châu Âu đã đặt bút ký để ủng hộ các tổ chức trợ tử như vậy.

Tuy nhiên, các tổ chức thực hiện trợ tử ở Thụy Sỹ vẫn có khả năng đối mặt với thách thức pháp lý. Nước láng giềng Đức mới đây đã thông qua một điều luật về vấn đề này, và hiện vẫn chưa rõ liệu các tổ chức hoặc cá nhân hỗ trợ công dân Đức tham gia trợ tử ở Thụy Sỹ có bị xem là phạm pháp hay không.

Trên thế giới, sự ủng hộ hoạt động trợ tử vẫn đang trên đà tăng, đặc biệt là ở Australia, nơi mà bang Victoria mới đây thông qua một đạo luật hợp pháp hóa việc trợ tử cho cá nhân. Đạo luật này sẽ có hiệu lực từ mùa Hè năm 2019.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/hoc-gia-australia-104-tuoi-va-hanh-trinh-tim-den-cai-chet-o-thuy-sy-tintuc402803