Học đúng nghề, nông dân khấm khá

Nhờ được đào tạo đúng nghề, nhiều lao động nông thôn ở Long An đã có việc làm, cải thiện cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cần Đước (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) - Nguyễn Thị Kim Lành cho biết, đầu năm 2018, thị trấn Cần Đước tổ chức lớp đào tạo nghề kỹ năng bán hàng cho 33 học viên là lao động nông thôn trong 2 tháng. Sau học nghề, đa số học viên đều có việc làm, trong đó, nhiều học viên tự tạo việc làm.

Nông dân huyện Thủ Thừa (Long An) đang được hướng dẫn trồng thanh long.

Chị Võ Thị Lánh - một trong những học viên từng học lớp kỹ năng bán hàng, chia sẻ: “Tôi kinh doanh về ăn uống nên rất muốn tìm hiểu, học hỏi thêm về lĩnh vực này. Nhờ thị trấn mở lớp kỹ năng bán hàng mà tôi biết thêm nhiều kiến thức về kinh doanh, cách thức quảng bá cho quán ăn của mình và đặc biệt là những “chiêu níu chân” khách hàng. Hiện tôi áp dụng giao hàng tận nơi và tặng quà cho khách vào những dịp quan trọng. Nhờ vậy, quán ăn của tôi ngày càng đông khách”.

Hiện, thị trấn Cần Đước đang phát triển mạnh về dịch vụ do các khu công nghiệp mọc lên thu hút một lượng lớn công nhân từ các nơi đến. Do đó, nghề kỹ năng bán hàng rất phù hợp với nhu cầu thực tế. Dựa theo nhu cầu, đối tượng người học, các địa phương tổ chức mở lớp đào tạo nghề phù hợp. Theo đó, thanh niên học các nghề hàn, cắt gọt kim loại,... lao động nữ học làm hoa vải, nấu ăn, bán hàng,...

Bà Nguyễn Thị Ren (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước), nhờ tham gia lớp học cấp dưỡng mà có việc làm ổn định. Theo đó, sau khi tham gia lớp cấp dưỡng, bà Ren được giới thiệu vào làm việc trong nhóm nấu ăn với thu nhập 300.000 đồng/ngày. Với số tiền đó giúp bà Ren trang trải cuộc sống gia đình.

Ngoài ra, theo sự phát triển về nông nghiệp, các địa phương mở lớp đào tạo nghề: Kỹ thuật trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ; kỹ thuật trồng chanh ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ; kỹ thuật trồng nấm rơm ở thị xã Kiến Tường, huyện Đức Huệ; kỹ thuật trồng rau an toàn ở các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc; kỹ thuật chăn nuôi bò thịt ở các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ;...

Thời gian qua, Tân Trụ là một trong những huyện tổ chức tốt các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm 2017, huyện mở 11 lớp dạy nghề, gồm: 10 lớp kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP và 1 lớp kết hoa vải, có 359 người tham gia. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Trụ - Võ Tấn Châu cho biết, ngành phối hợp các địa phương rà soát, lập danh sách những người có nhu cầu học nghề và ngành nghề đào tạo để tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp. Qua khảo sát, nhiều người có nhu cầu học về kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP nên huyện tổ chức các lớp học giúp nông dân biết cách phòng, chống dịch bệnh, tăng năng suất cho thanh long.

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Lòng (xã Đức Tân) chuyển 7.000m2 đất trồng lúa sang trồng thanh long nhưng do chưa nắm được kỹ thuật nên thanh long cho năng suất thấp. Sau khi tham gia lớp kỹ thuật trồng thanh long theo hướng Vietgap, ông đã biết cách phòng, trị bệnh cho cây ngay từ đầu mùa, tỉa bông để cây cho trái to. “Nhờ có thu nhập ổn định từ cây thanh long, gia đình tôi xây được ngôi nhà khang trang”, ông bộc bạch.

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An, tính đến tháng 7.2018, tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 1.600 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp hơn 600 lao động, nghề nông nghiệp hơn 1.000 lao động. Tỷ lệ lao động nôgn thôn sau đào tạo nghề có việc làm hoặc tăng thu nhập đạt hơn 80%. Những tháng cuối năm 2018, tỉnh sẽ đào tạo nghề cho trên 3.313 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp hơn 1.393 lao động, nghề nông nghiệp hơn 1.920 lao động. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%.

Trần Thế

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/doanh-nghiep/hoc-dung-nghe-nong-dan-kham-kha-924626.html