Học để làm người

Phân tích từ nhiều chuyên gia cho thấy, việc đi tìm triết lý giáo dục, suy cho cùng là câu chuyện về điểm khởi đầu và cũng là đích đến/ sản phẩm giáo dục. Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: cái đích học để làm người chính là tính toàn diện của giáo dục, để mỗi người lớn lên được giáo dục để trở thành Người. Chữ 'Người' viết hoa và với nghĩa rộng. Điều này hoàn toàn tương hợp với những tiêu chí giáo dục hiện đại của UNESCO.

Đã có giai đoạn người ta tranh cãi về slogan “Tiên học lễ, hậu học văn” ở các trường học. Thậm chí có không ít ý kiến cho rằng nên bỏ, vì nó quá khó hiểu với học sinh tiểu học. Nhưng theo phân tích từ GS. Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thực chất “Tiên học lễ, hậu học văn” không phải là khẩu hiệu mà là phương châm giáo dục đúng muôn đời và đúng với tất cả các nền giáo dục.

Trong hành trình đổi mới giáo dục hôm nay, phạm trù “lễ” vẫn được coi trọng trong ứng xử của các mối quan hệ xã hội. Thông điệp “Tiên học lễ, hậu học văn” được truyền ngôn từ thế hệ này qua thế hệ khác, là trụ cột giáo dục đạo đức, lối sống cho con em tại các gia đình có gia phong trong sáng, gia pháp nghiêm minh, gia giáo nền nếp. Trước thực trạng đạo đức lối sống của một bộ phận thế hệ trẻ đang bị xuống cấp, bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, nhiều chuyên gia cho rằng quy tắc “Tiên học lễ” phải là quy tắc vàng trong nội dung giáo dục của bất cứ nhà trường nào. Theo GS. Vũ Tuấn, ngày nay người ta cố gắng đem đến một cuộc sống tốt hơn cho trẻ nhỏ, nhưng lại quên không tạo ra những đứa trẻ tốt hơn cho cuộc đời. Chính vì lẽ đó, việc học lễ là để cho con người ngày càng có văn hóa hơn.

Thực tế bao năm nay, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tồn tại ở khắp các trường học, nhưng hầu hết học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo cũng chưa thực sự quan tâm. Bởi những khẩu hiệu này chưa được xây dựng thành văn hóa và phương châm thật sự trong trường học, bao trùm lên toàn bộ hoạt động dạy và học của thày cô và học sinh trong trường. “Tiên học lễ” - nghe tuy nó quá cũ, nhưng nó như một bờ đê ngăn cản “những điều không đúng” trong xã hội. Người giàu sang biết lễ thì không dâm tàn, không kiêu căng; người bần tiện biết lễ thì không nản chí, không làm bậy; người lãnh đạo có biết lễ thì mới biết trọng dụng hiền tài, biết trị nước, an dân.

Từ những phân tích ấy, điều rút ra là "Tiên học lễ, hậu học văn" dù ở thời đại nào cũng nên là mục tiêu cao cả mà ngành Giáo dục hướng tới. Nghĩa là câu chuyện "học để làm người" vẫn luôn mang tính thời sự cho đến tận ngày hôm nay, như Bác Hồ đã từng nhắc nhở "Có tài mà không có đức là người vô dụng". Nếu trường học cũng như các gia đình không quan tâm sâu sắc đến vấn đề này, những câu chuyện nhức nhối liên quan tới đạo đức, lối sống của học sinh vẫn còn tái diễn.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: Muốn phát triển một nền giáo dục thì trước hết phải có nền giáo dục mang tư tưởng thời đại. Ngày nay là thời đại dân chủ, làm cho con người phát triển hết năng lực của họ. Trong quá trình thực hiện mục tiêu ấy, việc trước tiên, theo tôi là phải thống nhất triết lý giáo dục của chúng ta, đó là “Học để làm người”, bằng cách học suốt đời và học nhanh để theo kịp thời đại. Ông cũng cho rằng, việc thảo luận triết lý giáo dục sẽ không chấm dứt, chỉ nên đưa ra nguyên tắc: Triết lý nào hay thì ủng hộ và coi đó là kho tàng văn hóa của chúng ta, được áp dụng phổ quát. Còn triết lý nào chưa thuyết phục vẫn cần được tôn trọng.

Và như vậy “Học để làm người” tức là học để trở thành nhân cách. Con người mới sinh ra chưa có nhân cách cụ thể. Càng lớn, phẩm chất, năng lực mới dần được bộc lộ để tạo sự khác biệt rằng người đó là chính họ chứ không phải bản sao của người khác. Trong quá trình học, những phẩm chất, năng lực dần được định hình rõ nét. Như vậy, muốn trở thành con người, có năng lực, phẩm chất tốt đẹp thì không gì khác ngoài đi học. Một nhà giáo dục nổi tiếng thế giới nói đại ý: “Cha mẹ sinh ra con, còn nền giáo dục sinh ra nhân cách”, là vì thế!

GS.TS Phạm Tất Dong phân tích cặn kẽ: “Học để làm người” trong giai đoạn hiện nay là phải học suốt đời. UNESCO xác định xây dựng xã hội học tập là xây dựng xã hội mà ai cũng phải học và học suốt đời. Bởi trước đây, quá trình sáng tạo ra một tri thức mới diễn ra chậm chạp. Ngày nay, tri thức mới được tạo ra hàng ngày, hàng giờ, việc cập nhật tri thức do đó phải thường xuyên, liên tục. Nếu không học sẽ không thể nắm được tri thức, công nghệ mới. Cách đây khoảng 30 năm, UNESCO từng khuyến cáo về cách học rằng, học vấn cao là phải làm cho ai cũng có thể với tới được và những tri thức mới phải đến với các dân tộc để họ lựa chọn tri thức cần cho dân tộc họ. Chỉ khi đó, chúng ta mới có được bản sắc riêng, nền văn minh riêng!

Như vậy, việc học để làm người cũng chính là việc rèn luyện kỹ năng, trau dồi trình độ trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ tiên tiến, trước yêu cầu của thế giới phẳng hôm nay.

Chia sẻ về quan điểm này, trong phân tích mới đây, GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng đã chỉ ra rằng về cơ bản triết lý giáo dục của người Việt Nam đã được phôi thai và hình thành khá sớm, nhờ minh triết giáo dục Hồ Chí Minh (năm 1949), và sau này được nâng lên tầm quốc tế nhờ quan điểm (hay triết lý) "bốn trụ cột giáo dục" của UNESCO - năm 1996 (Học để biết/ Học để làm việc/ Học để chung sống và Học để khẳng định mình). Như vậy, có thể hiểu kiến thức là những hiểu biết về các môn khoa học, các định luật, định lý được viết trong sách vở. Kiến thức mang đặc tính lý thuyết và chỉ giúp cho người ta hiểu biết. Còn kỹ năng là khả năng vận dụng kiến thức để thực hành có hiệu quả một hoạt động nào đó mang tính chất hành động. Kỹ năng được hình thành dựa trên kiến thức cộng với sự tập luyện cho đến khi thuần thục. Ví dụ như kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng tổ chức/ giải quyết công việc, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng từ chối, kỹ năng thuyết phục, v.v… Và cuối cùng là kỹ năng giúp người ta thành công trong cuộc sống và kiếm được tiền.

Giờ đây, trong giới trẻ khái niệm công dân toàn cầu cũng được nhắc tới nhiều. Nên hiểu khái niệm công dân toàn cầu là những cá nhân có kiến thức và hiểu biết về các vấn đề kinh tế, xã hội của toàn cầu; có kỹ năng tư duy phê phán và sáng tạo; có bản sắc cá nhân và tôn trọng sự đa dạng, biết chung sống trong và đóng góp cho cộng đồng.

Việc trở thành công dân toàn cầu chỉ đơn thuần là của giới trẻ. Đó là đòi hỏi cho mọi thế hệ để có thể sống được hiệu quả hơn. Tuy nhiên giới trẻ bị đòi hỏi nhiều hơn và cũng có nhiều điều kiện và cơ hội hơn. Để Việt Nam thực sự hiện đại hóa, phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, cần phải quốc tế hóa nền giáo dục Việt Nam để phát triển nhanh. Quốc tế hóa từ triết lý giáo dục cho đến chương trình, sách giáo khoa và toàn bộ quá trình giáo dục, như các nước phát triển đã làm. Chỉ khi đó, nguồn nhân lực do chúng ta tạo ra mới đủ trình độ và sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi số. Ông Trần Văn Nhung nêu ra "công thức" của công dân toàn cầu, theo đó, “Công dân toàn cầu” = Sức khỏe tốt + Trái tim nhân nhậu + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Tiếng Anh + IT, ICT. Ông Nhung cũng nhấn mạnh rằng, tất nhiên dùng công thức chỉ là để viết tắt cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Theo công thức này, công dân toàn cầu cần có đầy đủ các tố chất văn, thể, mỹ, hài hòa không cực đoan, phiến diện. Và đặc biệt luôn phải nhớ mình là người Việt Nam!

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoc-de-lam-nguoi-tintuc445348