Học đại học ở Phần Lan

Hệ thống giáo dục ĐH ở Phần Lan bao gồm hai khối song song với nhau: các trường ĐH (universities) và các trường khoa học ứng dụng (universities of applied sciences), được gọi là các trường polytechnics. Những thông tin thú vị về hệ thống giáo dục ĐH Phần Lan được nhóm tác giả Hoàng Minh Sơn, Bùi Thị Thúy Hằng, Vũ Văn Yêm, Trần Văn Tớp (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ trong tham luận tại Hội thảo Giáo dục 2018 diễn ra mới đây.

Ảnh minh họa/internet

Tuyển sinh ĐH

Năm 2016, Phần Lan có 154 700 sinh viên học ĐH, trong đó 81 300 sinh viên bậc cử nhân và 54 400 sinh viên bậc thạc sĩ. Có 18.900 sinh viên sau ĐH, khoảng 1.050 học để lấy bằng tiến sĩ cấp cơ sở và khoảng 17.800 lấy bằng tiến sĩ. Số lượng sinh viên học ngành nghệ thuật và nhân văn chiếm nhiều nhất (18%), tiếp đến là ngành kinh doanh, quản trị và luật (15%), và các ngành kỹ thuật (14%).

Các trường ĐH và các trường polytechnics lựa chọn sinh viên một cách độc lập và quyết định số lượng sinh viên vào từng lĩnh vực cụ thể dựa trên mục tiêu về số lượng sinh viên tốt nghiệp.

Việc tuyển chọn sinh viên có thể dựa trên: Kết quả học tập ở bậc phổ thông cùng với điểm thi tuyển sinh, đó là thủ tục phổ biến nhất; Chỉ dựa trên kết quả thi tuyển sinh; hoặc kết quả học tập ở bậc phổ thông và chứng nhận tốt nghiệp THPT. Một số lĩnh vực còn nhấn mạnh đến kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu, đào tạo thực hành…

Các cuộc thi tuyển được thiết kế để đánh giá động cơ, sự phù hợp và thái độ của ứng viên đối với lĩnh vực liên quan.

Rất ít sinh viên rời trường ĐH sau khi học xong bậc cử nhân

Sứ mạng của các trường ĐH ở Phần Lan là tiến hành nghiên cứu khoa học và cung cấp các chương trình đào tạo đại học và sau đại học dựa trên các thành tựu nghiên cứu. Giáo dục ĐH ở Phần Lan được chia thành hai cấp độ: Cử nhân và Thạc sĩ.

Cấp độ cử nhân thường kéo dài tối thiểu là ba năm để hoàn thành 180 tín chỉ châu Âu (ECTS). Sau đó, sinh viên thường học tiếp lấy bằng Thạc sĩ ở cùng một cơ sở trong thời gian tối thiểu là 2 năm để hoàn thành 120 tín chỉ châu Âu (ECTS).

Không giống với các nước khác, sinh viên được nhận vào đại học có quyền hoàn thành cả bằng cử nhân và thạc sĩ. Phần lớn sinh viên đặt mục tiêu có bằng thạc sĩ như là mục tiêu đầu tiên của họ, rất ít sinh viên rời khỏi trường ĐH sau khi học xong bậc cử nhân. Sau khi tốt nghiệp ở trình độ Thạc sĩ, sinh viên có thể ứng tuyển vào các vị trí nghiên cứu sau ĐH. Ở Phần Lan, “graduate studies” tương đương với trình độ Thạc sĩ, còn “postgraduate” tương đương với trình độ tiến sĩ cấp cơ sở (Licentiate) và tiến sĩ (Doctorate).

Việc học tập ở các trường ĐH rất độc lập. Ngay từ bậc cử nhân, sinh viên đã tự chịu trách nhiệm cho các kế hoạch học tập của mình và có sự linh hoạt khi lựa chọn các khóa học và thi cử. Các sinh viên tương đối tự do trong việc xác định tỉ lệ và định hướng của các khóa học. Nhiều khóa học có thể được thông qua bằng việc đọc và kiểm tra trên các cuốn sách được giảng viên yêu cầu đọc thay cho việc có mặt tại các buổi học. .

Các trường ĐH khoa học ứng dụng

Các trường ĐH khoa học ứng dụng thực hiện một số nghiên cứu và phát triển nhấn mạnh tính ứng dụng và tính thực tế nhằm hỗ trợ giảng dạy và thúc đẩy sự phát triển trong khu vực. Các trường này không thuộc chính phủ mà là sở hữu của các thành phố hoặc các tổ chức tư nhân. Tuy nhiên họ vẫn nhận được kinh phí từ bộ giáo dục. Bằng cấp mang tính chuyên ngành và thời gian học mất khoảng từ 3.5 đến 4 năm để hoàn thành 210-240 tín chỉ châu Âu (ECTS).

Giống như giáo dục ĐH, các trường ĐH ứng dụng cũng được chia thành các cấp độ Cử nhân và Thạc sĩ. Sinh viên các trường này thường được yêu cầu có kinh nghiệm làm việc 3 năm trước khi ứng tuyển vào các chương trình lấy bằng Thạc sĩ. Họ cũng có thể nộp đơn vào chương trình Thạc sĩ ở các trường ĐH với điều kiện tham gia vào một số khóa học bổ sung. Mỗi sinh viên có một kế hoạch học tập cá nhân điều đó tạo điều kiện cho việc hướng dẫn sinh viên và theo dõi sự tiến bộ trong học tập.

Hải Bình (ghi)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hoc-dai-hoc-o-phan-lan-3948301-v.html