Học chim choắt đuôi vằn để cứu an ninh môi trường

Chương trình Bar-tailed godwit mang tên Chim choắt đuôi vằn – loài chim thiên di giữ kỉ lục bay xa 11.500km không ngừng nghỉ, đang được tiến hành để thực hiện cam kết lâu dài của Pháp về an ninh môi trường ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đó là thông tin được Trung tá Jéroome Chardon – Điều phối viên trưởng phòng châu Á – Thái Bình Dương thuộc Tổng cục Quan hệ quốc tế và Chiến lược (DGRIS) - Bộ Quốc phòng Pháp, đưa ra tại Hội thảo “An ninh Môi trường” do Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP HCM tổ chức tại TPHCM hôm 20-4.

Cũng theo lời ông Chardon, ngoài khả năng chịu đựng phi thường, chim choắt đuôi vằn còn sở hữu biệt tài đánh giá thời tiết và tiên đoán bão lốc. Khả năng kì diệu này giúp chúng tránh được nhiều nguy hiểm trong suốt hành trình thiên di từ Alaska (Bắc Mỹ) xuống nước Úc ở Nam bán cầu. Những hành vi đáng chú ý của loài chim có khả năng dự báo bão này trong hành trình di trú chính là nội dung nghiên cứu tập trung của Chương trình “Bar-tailed godwit” nhằm góp phần vào hoạt động cảnh báo sớm các cơn bão ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với chương trình này, Pháp cũng thiết thập một mô hình đối tác mới, gắn kết Bộ Quốc phòng, Bảo tàng Dân tộc và Lịch sử Tự nhiên và Bộ Môi trường, Năng lượng và Biển với nhau.

Trong khi đó, Phó Đô đốc Anne Cullerre, đặc phái viên của DGRIS về Đông Nam Á nhấn mạnh sự cần thiết của sự tham gia của quân đội vào các vấn đề an ninh môi trường, chẳng hạn như trong quá trình xử lý thảm họa thiên nhiên. Nữ phó đô đốc cho biết trong chiến lược về quốc phòng của Pháp còn có riêng một chiến lược về an ninh môi trường.

Về phía Việt Nam, phát biểu tại hội thảo, bà Đoàn Thị Tuyết Nga - Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đáng giá cao sự đóng góp của quân đội Pháp trong hoạt động bảo vệ an ninh môi trường.

Đồng thời, bà Tuyết Nga thừa nhận Việt Nam còn gặp nhiều bất cập trong quản lý môi trường nước trong lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai nói riêng, cũng như trong các vấn đề môi trường nói chung. Nữ lãnh đạo cho biết phần lớn trong số hơn 110 hệ thống thủy lợi của Việt Nam đều được xây dựng từ rất lâu nên không còn đủ để đáp ứng với sự phát triển ngày càng bùng nổ hiện nay.

Ngoài ra, bà Tuyết Nga còn nêu bật lên những thách thức trong vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên cả nước cũng như nguy cơ xâm ngập mặn diện rộng đáng lo ngại ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Về hệ thống phòng chống thiên tai, bà Tuyết Nga cho rằng cần tất cả hệ thống kỹ thuật vào cuộc, song thực tế chưa được quan tâm đúng mức.

Cuộc hội thảo An ninh Môi trường được thực hiện nhân dịp chiến dịch “Jeanne d’Arc” với chuyến thăm của tàu đổ bộ và chỉ huy Mistral cùng tàu chiến lớp La Fayette Courbet của Hải quân Pháp tới Việt Nam từ ngày 15-4. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary đã tới TP HCM từ ngày 19-21/4 trong khuôn khổ chiến dịch nhằm đào tạo tác chiến cho các sĩ quan, học viên của hải quân các nước này.

Tin-ảnh: Thu Hằng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/hoc-chim-choat-duoi-van-de-cuu-an-ninh-moi-truong-20170420201535482.htm