Học cách yêu bản thân

Thức khuya, suốt ngày dán mặt vào màn hình điện thoại, ăn không đúng bữa, lười vận động,… là những thói quen không tốt và cũng là những biểu hiện mà người trẻ đang ngược đãi bản thân mỗi ngày.

Rèn luyện thể thao mỗi ngày cũng là cách để yêu bản thân - Ảnh: LÂM KIM TRIỀU

Thói quen nên khó thay đổi

Đã bao giờ bạn tự dằn vặt bản thân là “sao tối qua lại không chịu ngủ sớm”, “sao đã hứa sáng dậy sớm tập thể dục mà cứ 'nướng' đến gần trưa”,…, nhưng sau những lần bất giác nhận ra đó, liệu đã bao giờ bạn nghĩ mình nên quyết tâm và thay đổi?

Phóng viên làm một cuộc khảo sát nhỏ với nhóm sinh viên ở làng ĐH (Q.Thủ Đức, TP.HCM), đa phần các bạn đều nhận thấy có nhiều thói quen hằng ngày không tốt, nhưng vì là thói quen nên khó thay đổi.

“Người ta bảo mới sáng ngủ dậy không nên xem điện thoại liền, nhưng sau một đêm, việc đầu tiên muốn làm là xem có ai nhắn tin cho mình hay không. Rồi cứ thế cầm điện thoại lên và lướt ít nhất cũng 30 phút mới ra khỏi giường. Còn đương nhiên buổi tối thì khỏi nói rồi, ôm điện thoại đến khi nào mắt mở không ra nữa mới bỏ xuống”, Nguyễn Thị Ngọc Hương, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ.

Còn Dương Thị Hoài Thương, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, thì cho rằng vì cầm điện thoại nhiều quá nên bị cận. “Sinh viên ngoài giảng đường là về phòng, năm đầu mới vào đây chưa có bạn bè nên cứ ở phòng suốt, mà ở phòng thì chỉ biết cầm điện thoại để bớt chán. Từ một đứa không bị cận, giờ thành cận nặng luôn, không đeo kính là em chẳng nhìn rõ được gì cả”.

Thương cũng cho biết dù không làm gì nhưng đêm nào cũng nằm hết chát chít rồi xem phim, lướt Facebook,…đến khuya. Rồi bỏ bữa sáng là chuyện thường tình, vì tối thức khuya, sáng ngủ nướng đến trưa rồi gộp 2 bữa ăn thành 1. Nhưng Thương cũng cho rằng biết là thói quen không tốt nhưng để thay đổi được là điều không hề đơn giản.

Tuổi trẻ không phải để hoang phí

“Nếu một ngày nào đó bạn phải ngồi một chỗ và không làm được những điều mình mong muốn, lúc đó mới thấy quý từng giây từng phút, quý từng sự trẻ trung và sung sức của tuổi trẻ này. Nhưng có lẽ cũng đã muộn…”, Nguyễn Minh Anh Thư (cựu sinh viên ngành ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Huế) bày tỏ.

Thư có người anh trai, vừa học năm 2 đại học thì bị tai nạn và bại liệt hai chân, cuộc đời với anh dường như bế tắc từ đó. “Khoảng thời gian đầu, anh gần như tự kỷ và không giao tiếp với bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình. Có những ngày anh còn nhịn không ăn gì. Nhưng rồi khi anh lấy lại được tinh thần, anh chỉ thường nói với mình và mấy đứa em 'tuổi trẻ không phải để hoang phí. Đừng để đến lúc chúng ta không làm được gì nữa thì hối hận'. Và tụi mình đã lớn lên và biết trân trọng tuổi trẻ hơn, nhờ lời khuyên mỗi ngày của anh”, Thư kể.

Điều đáng buồn là anh trai của Thư bị tai nạn vì những cuộc nhậu quá chén với bạn bè. Chính vì thế, anh trai Thư luôn thấy hối hận vì những bồng bột của tuổi trẻ, vì những khoảng thời gian không biết yêu quý bản thân mình.

“Mình hay kể câu chuyện của anh trai cho mấy đứa bạn nghe, mình muốn ai cũng biết yêu quý bản thân và trân quý tuổi trẻ của mình. Không chỉ có câu chuyện của anh trai, mà còn rất nhiều câu chuyện ngoài xã hội kia, bao nhiêu người trẻ phải chết vì ung thư, bao nhiêu người ngày đêm đang quằn quại trong bệnh viện vì những căn bệnh oái ăm,… tất cả đến từ những thói quen rất xấu mỗi ngày mà bản thân chúng ta hoàn toàn có quyền kiểm soát được”, Thư nghẹn ngào nói.

Thư cũng chia sẻ thêm: “Chúng ta thường luôn mong cầu hạnh phúc, luôn mong được yêu thương. Nhưng ngay đến chính mình còn chưa yêu thương được bản thân, thì làm sao có thể mong người khác thương yêu mình, hay làm sao yêu thương được người khác. Mình nghĩ mỗi bạn trẻ chúng ta nên học lại cách yêu thương bản thân”.

Những điều được gọi là yêu thương bản thân

Anh Trần Trinh Tường

Anh Trần Trinh Tường (diễn giả truyền cảm hứng cho người trẻ, giảng viên dạy tiếng Anh tại TP.HCM) chia sẻ với các bạn trẻ về những cách được gọi là yêu thương bản thân:

1. Ngủ sớm dậy sớm cho cơ thể thải độc, điều hòa, sống đúng quy luật thiên nhiên.

2. Ăn thức ăn tinh thần, "đọc, nghe, tiếp xúc" các băng tần bài viết, video tích cực.

3. Tập thể dục mỗi ngày để lưu thông oxy khí huyết, khỏe xương chắc cơ.

4. Luyện cơ là vận động, luyện tâm là tĩnh.

5. Tự hỏi mình có hạnh phúc không, buồn không, vui khỏe thế nào, muốn gì ở đời này, bữa giờ sống sao? Hãy nói chuyện với bản thân, đừng bỏ mặc chính mình, hãy viết nhật ký cảm xúc.

6. Nâng cao trí tuệ đạo đức bằng đọc sách, nâng cao nghị lực đạo đức bằng lao động, cống hiến, và cho đi thật nhiều.

7. Yêu thương bản thân để yêu thương người.

8. Tập nhìn nhận các thói quen có hại cho sức khỏe tinh thần, thay vào đó là các thói quen tích cực cho chính mình về mọi mặt.

9. Mình có hai lựa chọn, một sống hạnh phúc, sống khỏe, sống vui từ tận tâm hồn. Hai là sống nghiện ngập, sống cô đơn, sống tẻ nhạt, sống chán. Chọn đi, bạn được tự do, chọn và làm, chọn và không ngoảnh đầu lại. Hãy quyết đoán lối sống đời mình.

10. Bạn có chấp nhận khuyến điểm, ưu điểm bản thân? Cho phép mình thất bại, cho phép mình dấn thân và vượt qua nỗi sợ khi làm điều khó, điều mới. Không phán xét mình, không dò lỗi sai quá khứ của mình mà xem đó là bài học để trưởng thành.

Hoa Nữ

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/hoc-cach-yeu-ban-than-1019138.html