Học Bác từ những điều bình dị (phần III)

Chúng tôi đã phân tích các quan điểm, luận cứ và thực tiễn để thấy rằng, việc học Bác trước hết cần học lối sống bình dị, gần gũi với nhân dân, chan hòa, mật thiết với dân. Có rất nhiều câu chuyện về Bác mà bất cứ ai cũng có thể học tập, làm theo.

III – Tránh các quan điểm sai lệch

Để việc học tập, làm theo Bác thực sự thấm nhuần trong đời sống xã hội, cần có sự nhất quán trong nhận thức và hành động, từ đó tạo sự tự giác. Lâu nay, các thế lực thù địch, phản động tìm cách xuyên tạc, phỉ báng, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích hạ bệ vị trí, vai trò của Người, làm suy giảm, mất niềm tin trong nhân dân.

Chúng chế nhạo, đả kích việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cho rằng phong trào này chỉ hô hào, giả tạo, không có giá trị nào trong thực tế, một cách “diễn trò”, “mị dân”; nhiều tổ chức, cá nhân thù địch, phản động xuyên tạc mục đích, ý nghĩa, đưa các bài viết có tính chất bài trừ, miệt thị…

Trong khi đó, trong tâm lý, suy nghĩ của không ít người vẫn còn những quan điểm không thấu đáo, không đúng với tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã đề ra. Một khi tư tưởng, suy nghĩ không thông thì việc thực hiện khó lòng đạt kết quả, chưa nói việc thực hiện chiếu lệ, đối phó hoặc các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc.

Thực tiễn đó đòi hỏi cần thống nhất về mặt nhận thức, chống các quan điểm sai lệch, các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Theo chúng tôi, cần nhìn nhận thấu đáo những vấn đề đặt ra sau đây:

Vấn đề thứ nhất, về ý kiến: Bấy lâu nay, cả đất nước đã đi theo Bác với khẩu hiệu “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, ở mỗi ngành, mỗi lực lượng đều đã có phong trào học tập, làm theo lời Bác, vậy thì vì sao lại đưa ra cuộc vận động như hiện nay?

Thực tế, khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” vốn rất đầy đủ, bao trùm.

Ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực từ lâu cũng đã có phong trào học tập, làm theo lời Bác dạy. Song, một bài học ta học từ bé không có nghĩa học rồi là đủ, không phải nhắc lại, học lại, học thêm, học nâng cao, bổ sung. Sự vận động của thực tiễn đời sống luôn nảy sinh những vấn đề mới, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi được giải quyết. Bài học hôm qua thì hôm nay cần được nhấn mạnh, bổ sung cái mới, cấp thiết và rốt ráo hơn.

Năm 2006, Đại hội X của Đảng đã nhận định: “Thoái hóa, biến chất về chính trị tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.

Mười năm sau, Trung ương Đảng khóa XII đánh giá hiện trạng, nguy cơ đó vẫn là cấp bách và ra Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, học tập, làm theo Bác là công việc thường xuyên, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là khâu then chốt, phải làm thường xuyên. Vì thế, mọi cán bộ đảng viên và nhân dân cần thấy rõ sự cần thiết, cấp thiết việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ hai, về quan điểm cho rằng, Bác là lãnh tụ, là vĩ nhân, tư tưởng, đạo đức của Bác mang tầm dân tộc, thời đại, làm sao có thể học tập, làm theo được?

Hội nghị tôn vinh, sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Hội nghị tôn vinh, sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Sự thực, học tập đức tính của một vĩ nhân không phải là những điều “cao xa vời vợi”, ngoài tầm với của người dân. Tư tưởng của Bác Hồ về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, về quốc tế vô sản... là vấn đề lớn của thời đại, chúng ta đang đi theo tư tưởng đó và tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa trong mỗi chặng đường cách mạng. Còn đạo đức, phong cách Bác rất gần gũi bởi sinh thời, Người là lãnh tụ nhưng luôn sống cuộc sống đạm bạc, chan hòa, gần gũi với nhân dân.

Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi đã phân tích các quan điểm, luận cứ và thực tiễn để thấy rằng, việc học Bác trước hết cần học lối sống bình dị, gần gũi với nhân dân, chan hòa, mật thiết với dân. Có rất nhiều câu chuyện về Bác mà bất cứ ai cũng có thể học tập, làm theo.

Ngày nay, không ít cán bộ chưa làm to đã lộ tính hách dịch, xa dân, ngay cả con cán bộ cũng tự lúc nào sinh cái bệnh tinh tướng, muốn thể hiện mình “con nhà quan”, lối sống sa đọa. Đọc lại những mẩu chuyện về phong cách, đạo đức, lối sống của Bác để ngẫm và hành động, thực thiết thân vô cùng.

Thứ ba, có ý kiến so sánh, thời trước, trong điều kiện chiến tranh, điều kiện vật chất cả nước đều thiếu thốn trăm bề, con người chỉ có chí hướng chiến đấu, đánh giặc thì muốn xa hoa cũng không được. Ngày nay bao thứ thay đổi, cơ chế thị trường và lối sống thực dụng xâm lấn thì… khó có thể học lối sống bình dị, mộc mạc, gần gũi nhân dân của Bác.

Quan niệm như vậy là sai lầm. Vụ án Trần Dụ Châu thời kỳ chống Pháp cho ta thấy, ngay trong điều kiện chiến tranh, bộ đội, nhân dân sống chắt chiu từng củ khoai, củ sắn, vậy mà cán bộ như Trần Dụ Châu đã dùng thủ đoạn vơ vét, hưởng lợi, sống xa hoa, mở tiệc tùng linh đình, tham nhũng của công, ăn chặn tiền, trợ cấp của bộ đội. Châu còn tuyển người, thải người theo sở thích cá nhân, vung tiền bao gái…

Thực tế đó cho thấy, nếu không rèn luyện, tu dưỡng thì lòng tham, vụ lợi của cán bộ, đảng viên sẽ trỗi dậy bất kỳ lúc nào, bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ là hiểm họa cho nhân dân nếu tiếp tục để nó sinh sôi, nảy nở. Ngày nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, mở cửa, hội nhập, bài học về tu dưỡng đạo đức lối sống càng trở nên cấp thiết. Bác đã căn dặn cán bộ phải đề phòng “đạn bọc đường”.

Khi về tiếp quản Thủ đô, Bác dặn: “Bây giờ chuẩn bị vào thành phố, có chú sẽ nghĩ: Lâu nay mình sống gian khổ đã nhiều, bây giờ là lúc được hưởng lạc đây! Trong lòng chú luôn nghĩ đến những thứ của ngon, vật lạ, dần dần quên mất tác phong gian khổ, giản dị. Như vậy rất dễ dẫn đến tham ô, hủ hóa”.

Trong bối cảnh hiện nay, trước bao tác động tiêu cực, chúng ta không thể cứ đổ hết cho khách quan, cho cơ chế thị trường rồi chỉ biết ca thán, bức xúc. Một đảng trưởng thành, vững mạnh là đảng luôn biết nhìn nhận để tự soi, tự sửa, để gột dũa những khiếm khuyết mà vươn lên. Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động thì người đảng viên phải hòa mình trong dân, phải bình dị, không thể theo đuổi lợi ích cá nhân, thực dụng, thị trường, sống sa đọa, lãng phí.

Bởi vậy, việc học, làm theo Bác, học lối sống bình dị, trọng dân, vì dân của Bác là hết sức cấp thiết, không thể ngụy biện, né tránh trong việc này.

Chính vì vậy, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.

Thứ tư: Có người liệt kê những cán bộ lãnh đạo bị xử lý trong mấy năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, liệt kê những sai phạm của họ rồi cho rằng: Bây giờ lãnh đạo suy thoái như thế, còn học ai? Còn ai bình dị, vì dân mà học?

Ở đây cần thấy rằng: Việc Đảng chỉ đạo làm rõ, xử lý sai phạm với quan điểm “không có vùng cấm” thể hiện sự nghiêm minh, vừa để trị người vi phạm, vừa để răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật Đảng và xử lý kỷ luật hành chính, xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành chính là biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ đảng hết sức hữu hiệu.

Không thể liệt kê những cá nhân vi phạm, bị xử lý để nói rằng còn ai bình dị, còn ai cao quý, vì dân mà học. Chúng ta không thể vơ đũa cả nắm, không quy kết một cá nhân, con người vi phạm cụ thể thành tập thể, thành bản chất. Muốn cứu cây, muốn cây khỏe mạnh phải bắt bỏ sâu, phải chặt bỏ cành sâu mục. Mục tiêu, đường lối của Đảng là rõ ràng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân và biết bao cán bộ, đảng viên đang mẫn cán học tập, noi theo Bác, sống bình dị, kiệm cần, vì đồng bào, vì tập thể, xã hội.

Nếu mỗi người đều chờ ai đó học, ai đó làm chứ không phải mình, chỉ lên mạng chê bai thì không thể nói hiệu quả.Thế nên, để tránh bệnh ỉ lại, hình thức, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị xác định rõ cách làm: Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp...

Hiểu một cách đầy đủ 4 vấn đề trên như vậy cũng là tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động để việc học tập, làm theo Bác, xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả, tránh những quan điểm sai lệch, những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đăng Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/hoc-bac-tu-nhung-dieu-binh-di-phan-iii-564632/