Học Bác Hồ tính nhân văn trong xử lý kỷ luật cán bộ

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là phải hết sức giữ gìn kỷ luật, vừa bồi dưỡng những cán bộ tốt, đồng thời phải xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, suy thoái.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác cán bộ. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ với Dân Việt.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

- Thưa ông, trong tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận vai trò của cán bộ và công tác cán bộ như thế nào?

- Quan điểm, tư tưởng của Bác về công tác cán bộ được định hình ngay từ khi thành lập Đảng. Năm nay ta kỷ niệm 95 năm ra đời tác phẩm "Đường Kách mệnh", ngay trong tác phẩm đầu tiên đó Bác đã đề cập đến tư cách của cán bộ, đảng viên. Bác nêu ra 23 điểm về tư cách của người cán bộ cách mệnh, đó là nền tảng rất vững chắc.

Sau này, khi Đảng đã lãnh đạo cách mạng giành được chính quyền sau cách mạng tháng 8 năm 1945, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng 6 nội dung quan trọng. Về vấn đề cán bộ, Người viết: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém".

"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém".

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác cũng nhấn mạnh "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Muốn có được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu của cách mạng thì phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ thế nào cho có hiệu quả.

Cũng trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Bác có nói rằng "chăm chút cán bộ giống như người làm những vườn chăm sóc những cây quý" thì chúng ta mới có cán bộ tốt, cán bộ giỏi. Đương nhiên phải động viên cán bộ ra sức phấn đấu, rèn luyện, vươn lên nhưng đồng thời về phía Đảng cũng phải hết sức chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được khả năng, năng lực của mình trong quá trình lãnh đạo.

Cán bộ là người lãnh đạo cách mạng, dù ở cấp Trung ương hay cơ sở cũng đều phải đảm đương vai trò lãnh đạo nhất nhất định. Như Bác nói, người lãnh đạo là dẫn đường, phải có đường lối đúng, hành động đúng.

Còn một điểm nữa trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, cán bộ phải đề cao tính phụ trách trước sự nghiệp, nhiệm vụ chung; đề cao tính tiên phong, gương mẫu, nêu gương trước quần chúng. Bác thường nói "cán bộ phải là tấm gương cho quần chúng noi theo".

Theo tôi, đó chính là những tư tưởng căn cốt nhất của Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ và công tác cán bộ.

- Chúng ta có thể vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

- Trong công cuộc đổi mới, Đảng hết sức chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới. Vì vậy, suốt 35 năm đổi mới vừa qua chúng ta có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo năng động, có trách nhiệm và luôn luôn sáng tạo ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực công tác.

 PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Quốc hội.

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Quốc hội.

Đội ngũ cán bộ đã góp phần đưa sự nghiệp đổi mới phát triển và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, trước những đòi hỏi mới của sự phát triển đất nước từ nay đến năm 2030 và 2045 đã nêu ra tại Đại hội XIII đương nhiên lại đòi hỏi cán bộ phải vươn lên mạnh mẽ hơn và đòi hỏi năng lực tổ chức thực hiện tốt hơn, trí tuệ cao hơn, bản lĩnh vững vàng hơn thì mới hoàn thành được nhiệm vụ đó.

Vì thế, tại Đại hội XIII, trong 4 nội dung xây dựng Đảng thì nhiệm vụ thứ tư là xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ.

Trong xây dựng Đảng về cán bộ phải đào tạo đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, bên cạnh cán bộ quản lý còn phải đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao thì mới đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước; cán bộ của lực lượng vũ trang cũng phải có trình độ năng lực cao, chỉ huy giỏi thì mới bảo vệ được sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, cần có được lực lượng cán bộ doanh nghiệp giỏi trên tất cả các mặt kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ… Như vậy, phải hết sức chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Đại hội XIII có một điểm rất quan trọng là phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Những cán bộ có phẩm chất như vậy cần tạo điều kiện cho họ phát triển. Thậm chí, trong quá trình làm việc nếu họ có những sai phạm thì cũng cần có những cách xử lý phù hợp, tạo điều kiện để mọi cán bộ đều có thể phát huy tốt nhất năng lực, trình độ, phẩm chất của mình, đóng góp vào lợi ích chung miễn là những đồng chí cán bộ đó đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, tập thể và lợi ích của nhân dân lên trên hết, chúng ta cần khuyến khích những cán bộ như vậy.

Một điểm nữa trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là phải hết sức giữ gìn kỷ luật, vừa bồi dưỡng những cán bộ tốt, đồng thời phải xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa… để bộ máy của chúng ta thực sự trong sạch, vững mạnh.

Trước hết chúng ta phải có đội ngũ cán bộ đảng viên thực sự có lý tưởng, trình độ, tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm nêu gương trước quần chúng sẽ tạo ra bước phát triển quan trọng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951. Ảnh tư liệu.

Nghiêm minh nhưng vẫn nhân văn, nhân đạo

- Đối với cán bộ vi phạm kỷ luật, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xử lý nghiêm, "thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt". Chúng ta đang kế thừa, phát huy những quan điểm đó như thế nào, thưa ông?

- Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có lúc Bác Hồ và Chính phủ cũng phải xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tha hóa biến chất. Điển hình như vụ nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và 2 đồng phạm vì tội: "Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến" năm 1950, Người nghiêm khắc khước từ đơn xin tha tội chết của tử tù Trần Dụ Châu, Người nói: "… nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo".

Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm minh một cán bộ cao cấp tha hóa, biến chất - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng. Khi được Tòa án nhân dân Tối cao xin ý kiến về vụ án liên quan đến nhân vật này, sau khi cân nhắc, Bác Hồ đã đi đến quyết định, đồng thời nêu quan điểm: "Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt".

Với tinh thần như vậy, trong công cuộc đổi mới của ta, vừa qua Đảng và Nhà nước cũng xử lý nghiêm đối với những cán bộ thoái hóa biến chất, tham nhũng, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và nhân dân.

Các cán bộ cao cấp, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng… cũng bị xử lý nghiêm minh, điều này được nhân dân và ngay cả trong Đảng rất đồng tình.

"Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ"

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hiện nay, việc chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nói, rất đau xót khi phải xử lý kỷ luật với những đồng chí của mình nhưng không thể không làm để làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh và củng cố sức chiến đấu của Đảng, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan lãnh đạo.

Vì thế, việc tăng cường kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước là yêu cầu khách quan, tất yếu trong xây dựng Đảng. Chúng ta luôn đưa vào hàng ngũ của Đảng những cán bộ ưu tú, cán bộ giỏi, cán bộ có uy tín với nhân dân thì đồng thời cũng phải loại bỏ những phần tử như Tổng bí thư phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa qua, đó là những đảng viên hữu danh vô thực, không xứng đáng.

Với phương châm thà ít mà tốt, ít nhưng đó là những người có trách nhiệm, có phẩm chất, có năng lực thật sự chứ không đòi hỏi nhiều.

Một điều nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là trong xử lý kỷ luật cán bộ cần luôn chú ý lời chỉ dẫn của Bác Hồ: Trong công tác cán bộ, kể cả phê bình và tự phê bình phải có lý có tình; đấu tranh để phê phán cái xấu, kỷ luật cán bộ cũng cần có lý có tình, chú ý đến quá trình cống hiến của cán bộ, đảng viên và phải có thái độ đúng mực.

Trong "Sửa đổi lề lối làm việc", Bác Hồ có nói trong đối xử với nhau, đừng có nặng nề, tránh thái độ đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm như đối với "hổ mang thuồng luồng".

Phải có tinh thần xây dựng, yêu thương đồng chí, kỷ luật nghiêm nhưng vẫn phải có tình người, làm sao cho người ta sửa chữa được khuyết điểm và tiếp tục vươn lên để trở thành người tiến bộ, tích cực thì có lợi cho Đảng và nhân dân chứ không phải kỷ luật để vùi dập, đưa họ vào bước đường cùng… Đó là quan điểm rất nhân văn của Người.

Tôi nghĩ hiện nay chúng ta cũng nên xử lý sai phạm theo tinh thần như vậy, kể cả xử lý hình sự sự trước pháp luật thì cũng vẫn nên có yếu tố nhân đạo, nhân văn trong đó.

Vừa qua chúng ta có những chủ trương rất cụ thể, ví dụ những vụ án tham nhũng lớn, bản thân bị cáo và gia đình chủ động bồi hoàn, khắc phục hậu quả thì có thể xem xét giảm án.

Bản thân những người mắc sai phạm ăn năn, biết hối lỗi thì ứng xử sao để thể thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo và "trị bệnh đúng người" như chúng ta vẫn áp dụng trong cuộc sống. Theo tôi, đó là thái độ đúng đắn và rất cần thiết trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

"Quý hồ tinh bất quý hồ đa"

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, về nhận thức, phải phát huy thật tốt dân chủ trong Đảng và trong xã hội; tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và rèn luyện đảng viên.

Trung ương Đảng yêu cầu, coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, chú trọng hơn nữa đến việc rèn luyện, bồi dưỡng quần chúng, đối tượng cảm tình đảng, trước khi vào Đảng phải thực sự là những quần chúng ưu tú không chỉ về năng lực công tác mà phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có động cơ trong sáng với phương châm "quý hồ tinh bất quý hồ đa".

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Về hành động, cần khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch hành động liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà nghị quyết lần này của Trung ương đã đề ra, như: Đổi mới, hoàn thiện tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác cho phù hợp với từng loại hình tổ chức cơ sở đảng.

Quỳnh Nguyễn/ Dân Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoc-bac-ho-tinh-nhan-van-trong-xu-ly-ky-luat-can-bo-post1318220.html