Học Bác để 'Đảng ta là đạo đức, là văn minh'

'Mỗi cấp ủy đảng và đảng viên với thái độ thẳng thắn, xây dựng, cần nghiêm túc tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức kỷ luật, xây dựng phong cách lãnh đạo, tác phong làm việc, tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, công tác, nói đi đôi với làm để có được niềm tin của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh như di huấn của Người', Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cán bộ từng trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ. Ảnh: N.B

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cán bộ từng trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ. Ảnh: N.B

Ngày 28/8, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng chủ trì hội thảo.

Bác Hồ thăm nông dân Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: TL

“Cuộc chiến chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng”

Điểm lại những nội dung trọng yếu trong Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến lời căn dặn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là lời bất hủ của Người về đoàn kết: "Phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi trong mắt mình". Bác dặn mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật sự trung thành của nhân dân.

“Con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân dân. Người căn dặn Nhà nước phải có chính sách cụ thể để giúp đỡ, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân sau chiến tranh. Di chúc của Người viết, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”.

Ông Phạm Minh Chính

Theo ông Phạm Minh Chính, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong các kỳ đại hội, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Liên tục trong hai nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biển hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Về chỉnh đốn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đây là cuộc chiến chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại nhân dân”. Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Mỗi cấp ủy đảng và đảng viên với thái độ thẳng thắn, xây dựng, cần nghiêm túc tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức kỷ luật, xây dựng phong cách lãnh đạo, tác phong làm việc, tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, công tác, nói đi đôi với làm để có được niềm tin của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh như di huấn của Người”.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong Di chúc, cùng với “trước hết nói về Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vấn đề “đầu tiên là công việc với con người”. “Con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân dân. Người căn dặn Nhà nước phải có chính sách cụ thể để giúp đỡ, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân sau chiến tranh. Di chúc của Người viết, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”, ông Chính nêu.

Với quyết tâm xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo Di chúc của Người, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực thực phẩm phải xin viện trợ, nhập khẩu, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước phát triển và đứng đầu trong số các nước xuất khẩu nông sản trên thế giới. Nhưng theo ông Chính, cần phải nhận thấy rằng nước ta hiện nay vẫn ở nhóm thu nhập thấp, trung bình thấp, kinh tế phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu, năng suất lao động còn thấp...

Thực tế đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải cố gắng, nỗ lực lao động sáng tạo, tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo nền tảng để tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian

Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Di chúc của Người là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc, một trái tim nhiệt huyết, giàu lòng yêu thương. Đó là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Với 60 tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ những nội dung và giá trị sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, 50 năm đã trôi qua, nhưng Di chúc của Bác mang sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, vẫn là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng nước ta, là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên giành những thắng lợi mới.

Đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Di chúc của Người tiếp tục là cơ sở lý luận, thực tiễn và là chỉ dẫn quý báu để cán bộ, đảng viên và toàn Đảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng”; để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, trở thành “Đảng đạo đức, Đảng văn minh”, xứng đáng là Đảng lãnh đạo thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng CNXH ở đất nước ta như Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, 50 năm đã trôi qua, nhưng Di chúc vẫn mang sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, vẫn là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng nước ta, là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên giành những thắng lợi mới.

Thủ tướng gặp mặt các cán bộ trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ

Sáng 28/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cán bộ trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ và đã nghe nhiều câu chuyện cảm động về Bác. Ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch kể: Có một lần, cán bộ phục vụ đọc cho Bác nghe trên báo Hà Nội Mới đưa tin: Hợp tác xã Ngũ Xá có ý định đúc bức tượng Bác bán thân bằng đồng, Bác bảo đồng chí phục vụ: “Chú sang nói với Trung ương, trong lúc đồng khan hiếm không được làm như vậy. Đem số tiền định đúc tượng Bác xây thêm cho các cháu một phòng học. Biết bao Anh hùng, liệt sĩ sao không đúc tượng lại đi đúc tượng Bác”, ông Hoàn kể.

Bày tỏ xúc động về những câu chuyện, kỷ niệm mà những người trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ kể lại, Thủ tướng nhấn mạnh Bác Hồ là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, cả cuộc đời vì nước, vì dân. Bác đã đi xa 50 năm nhưng hình ảnh, tấm gương đạo đức, những lời dạy của Người luôn chỉ lối dẫn đường cho mọi cán bộ đảng viên và nhân dân ta học tập, noi theo.

Văn Kiên

Thành Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hoc-bac-de-dang-ta-la-dao-duc-la-van-minh-1457892.tpo