Học bạ toàn điểm 10 thi được 0,75 phải chăng do không luyện đúng lò?

GDVN- Các trường chất lượng cao hiện nay vẫn chạy theo thành tích của những môn thi, đó là sự lệch lạc trong giáo dục và lệch lạc trong thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW.

Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội) vừa công bố kết quả thi tuyển sinh vào lớp 6 hệ chất lượng cao năm học 2020-2021.

Nhưng có một điều khiến dư luận xã hội hoài nghi vì không ít thí sinh có điểm 3 bài thi rất thấp, thậm chí có em chỉ đạt 0,75 điểm môn Toán, có khá nhiều bài Tiếng Việt được 2 hoặc 2,5 điểm trong khi bảng điểm tổng kết trong học bạ tiểu học của những thí sinh này rất cao 10/10 hoặc 9,5/9,5.

Điểm trong học bạ 10/10 nhưng điểm bài thi dưới mức trung bình. Ảnh chụp trang web của Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội.

Điểm trong học bạ 10/10 nhưng điểm bài thi dưới mức trung bình. Ảnh chụp trang web của Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chia sẻ:

“Thi để phân hóa học sinh thì đề thi của trường làm phải khác, ở đây do quan điểm của từng trường và quan điểm chỉ đạo của cấp phụ trách trường chất lượng cao đó.

Nhưng theo tôi, dù cho đó là trường nào thì cũng phải trên tinh thần học gì thi nấy, học theo chuẩn thì nên thi theo chuẩn. Ở mức chuẩn chúng ta vẫn có thể phân hóa được, chứ không phải cứ đánh đố bằng những đề thi quá khác biệt.

Tôi lo ngại xu hướng như hiện nay để phân hóa được học sinh thì một số trường lại ra đề khó, không theo đúng chuẩn chương trình quốc gia. Như vậy sẽ làm cho việc đánh giá thực chất giáo dục phổ thông bị sai lệch.

Ví dụ như học bạ toàn 9 với 10 điểm, nhưng khi thi chỉ được dưới trung bình bởi đề thi đó không nói lên được thực chất chuẩn chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mà họ lấy những đề khó, thậm chí là những đề từ lâu rồi không còn phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay, dẫn đến lệch lạc về việc đánh giá chất lượng thực của giáo dục, điều đó rất nguy hiểm.

Một khía cạnh nữa là nhiều phụ huynh muốn cho con em mình vào được trường chất lượng cao nên cũng muốn có học bạ đẹp.

Phải nói thẳng học bạ toàn 10 đi thi chỉ 1 điểm là rất bất thường!

Mà đã muốn học bạ đẹp thì họ sẽ có “cách” để cho có được học bạ đẹp, vậy nên điều đó không thực chất. Nhưng tôi nghĩ chủ yếu là đề thi không chuẩn, khác xa với yêu cầu đầu ra của cấp tiểu học.

Các em phải đi luyện thi, luyện đúng “lò” thì mới làm được đề này. Cho nên rất nhiều em học lực tốt, nhiều điểm 10 nhưng cũng không vào được vì đi luyện thi đúng “lò”.

Từ đó dẫn đến việc không công bằng, vậy nên các trường chất lượng cao cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc làm thế nào để tuyển chọn được những em học sinh thực chất vào trường”.

Phụ huynh cần thay đổi suy nghĩ

Thầy Hòa nêu quan điểm: “Các bậc cha mẹ cần suy nghĩ xem thực chất con em mình học đến mức nào, thông minh đến đâu cũng như có khả năng với những bộ môn nào?

Không phải chỉ thi môn Toán và Tiếng Việt là đã hơn tất cả, là siêu đẳng. Tôi nghĩ con người có hàng triệu thứ phải học và kiến thức chỉ là 1 trong số hàng triệu kỹ năng đó.

Trẻ em có nhiều năng lực khác nhau, nếu chỉ chọn Toán hoặc Tiếng Việt…thì những trường đó chọn học sinh theo hướng học tập chứ không có những năng lực theo hướng nổi trội khác.

Nếu chúng ta cứ đào tạo theo cách đó sẽ dẫn tới việc giáo dục không đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển kinh tế, nhu cầu đào tạo con người Việt Nam trong thế kỷ 21.

Vậy nên các bậc cha mẹ cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng khi con em mình không giỏi về các môn Toán, Văn…thì hãy xác định các em giỏi về cái khác, mà đã như vậy thì không có lý gì cứ đua nhau theo trào lưu, cố phải vào những trường chất lượng cao như vậy.

Nhiều khi chỉ vì sĩ diện của cha mẹ, muốn con vào trường chất lượng cao để khoe với mọi người, để tự hào trong khi không có thực chất. Điều đó rất nguy hiểm cho trẻ em khi người lớn đẩy các em vào một môi trường không phù hợp với bản thân.

Đã có trường hợp các em vào được trường chất lượng cao rồi nhưng bị áp lực quá dẫn tới trầm cảm”.

Thầy Hòa nêu quan điểm: “Các bậc cha mẹ cần suy nghĩ xem thực chất con em mình học đến mức nào, thông minh đến đâu cũng như có khả năng với những bộ môn nào". Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Hòa cho biết: “Trường chất lượng cao mà các tỉnh, thành phố xây dựng về bản chất không phải để đào tạo “gà nòi”, không phải chỉ để siêu về Toán, Văn…để rồi lại thi vào các trường chuyên cấp III.

Mục tiêu chính của trường chất lượng cao vẫn là đào tạo con người của tương lai và đặc biệt là phát triển toàn diện đầy đủ các năng lực phẩm chất.

Nhưng các bậc phụ huynh đua nhau cho con em mình vào nhiều và cái đua ấy nếu không cẩn thận khi sĩ số đông quá sẽ làm lệch lạc mục tiêu của trường chất lượng cao. Khi thi vào trường không thi năng lực mà lại thi Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh mà đây cũng chỉ là kiến thức.

Mục tiêu trường chất lượng cao các tỉnh, thành phố đã xác định rất rõ, nhưng chính việc thi ấy lại không đúng với mục tiêu, làm lệch lạc giáo dục. Vấn đề chính vẫn là cách làm sai của các cơ sở giáo dục chứ không phải lỗi ở cấp trên.

Cách thi để lựa chọn học sinh như vậy đã làm cho xã hội hiểu lầm, dẫn đến cách dạy trong những trường chất lượng cao cũng ảnh hưởng theo xu hướng là mục tiêu thi đỗ vào các trường chuyên ở cấp III và như vậy cũng chỉ đơn thuần là kiến thức mà thôi”.

Cách thi tuyển sinh chất lượng cao đang trái với Nghị quyết 29-NQ/TW ?

Thầy Hòa cho biết: “Nghị quyết 29 rất sáng, rất trí tuệ đi theo hướng giáo dục hiện đại, trong đó có xác định là giáo dục của ta hiện nay đang là nền giáo dục nặng về cung cấp kiến thức.

Cần phải nhanh chóng chuyển sang một nền giáo dục vì sự phát triển của con người, giúp hình thành phẩm chất phát triển năng lực để đào tạo những công dân có tri thức, có trách nhiệm cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước hội nhập quốc tế.

Nghị quyết cũng nêu rõ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp…

Đổi mới từ sự lãnh đạo của các cơ sở giáo dục và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội cũng như bản thân người học, đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học… Kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc.

Nghị quyết 29 rất rõ ràng như vậy nhưng khi chỉ đạo xuống đến các cơ sở giáo dục thì lãnh đạo nhà trường không bám sát cái đó, mà họ lại cứ theo hướng đã cũ lâu nay vẫn làm.

Các trường chất lượng cao vẫn chạy theo thi cử, mà đã thi cử là chạy theo thành tích của những môn thi, đó là sự lệch lạc trong giáo dục và lệch lạc trong thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW.

Những cuộc thi vào lớp 10 và như kiểu thi vào lớp 6 trường chất lượng cao này đã đi ngược với tinh thần của Nghị quyết 29 NQ/TW”.

Theo nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "Vậy nên các thầy cô cũng như lãnh đạo các nhà trường phải thay đổi, có thay đổi được thì các quy định kiểu đánh đố cũng sẽ thay đổi theo”. Ảnh: Tùng Dương.

Cùng quan điểm trên, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Giáo viên dạy môn Toán, Trường trung học phổ thông Thăng Long, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã chia sẻ quan điểm khi trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam,

“Ở tiểu học các em được dạy theo chuẩn chương trình phù hợp với yêu cầu, làm theo đúng bài chuẩn đã được học và nếu làm bài đạt tối đa thì học sinh sẽ được 10 điểm.

Điểm 10 này không có nghĩa em học sinh đó là siêu sao, mà mới chỉ là đạt tốt chương trình của Bộ.

Nhưng khi thi vào trường chất lượng cao, các em không được thi bằng kiến thức chuẩn đã học mà lại thi với đề khó hơn, nếu không luyện thi thì chắc chắn sẽ không làm được trong khi Bộ vẫn kêu gọi giảm tải cho học sinh, không dạy thêm học thêm.

Các quy định thí sinh cần ghi nhớ khi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020

Tôi không nói việc đánh giá học bạ ở các trường tiểu học là sai, nhưng nếu đi luyện thi không gặp “đúng thầy” thì có học giỏi nữa cũng không làm được.

Còn nếu đề thi ra theo chuẩn của Bộ, theo đề kiểm tra học kỳ thì các em sẽ làm tốt ngay. Nhưng nếu chỉ cần khác một chút là các em sẽ không làm được.

Ngay như con trai tôi cách đây mấy chục năm cũng thi vào lớp 6 chuyên, nhưng có những bài toán lớp 5 của nó lúc bấy giờ tôi cũng không giải được trong khi tôi là giáo viên dạy Toán.

Con tôi cho biết chỉ có theo học luyện thi vào lớp 6 với thầy của nó thì mới giải được.

Vậy nên nói học sinh không biết vận dụng là không đúng bởi những đề thi Toán đó đặt ra theo cách cũ là luyện thành “ngôi sao”, nhưng thực ra là mẹo chứ không có phát triển gì về tư duy.

Việc này rất nguy hiểm, chính những bài thi kiểu như vậy đã tạo nên đầu ra của nhiều thế hệ học sinh không được như mong muốn, không phải là những con người năng động sáng tạo.

Các em kiến thức rất nhiều nhưng cũng chỉ dùng vào việc dạy và luyện thi thôi, còn nếu để phát triển kinh tế, làm một nhà chính trị, một nhà phát minh sáng tạo thì những đứa trẻ đó chưa chắc đã làm được.

Các em được dạy để giải những bài tập kiểu đánh đố, mưu mẹo chứ không phải với mục tiêu phát triển tư duy.

Phát triển tư duy theo xu thế hiện đại không chỉ là phát triển tư duy lô gích, mà phải là tư duy phản biện, sáng tạo trong mọi lĩnh vực.

Trong điều kiện nào cũng có thể sáng tạo được, trong môi trường nào cũng phải phản biện được, chứ không phải chỉ có làm những bài Toán máy móc.

Việc nhà trường yêu cầu điểm trong học bạ phải đạt từ 9 trở lên mới được dự thi thì theo tôi đó là cách để họ tuyển chọn học sinh.

Họ đặt ra yêu cầu đó nhưng không dựa trên quan điểm giáo dục, không vì con người mà chỉ để chọn ra học sinh và tránh được sự phản ứng của xã hội.

Quy định thì không ai cãi được nhưng quy định lại do con người đặt ra, nếu là con người vì trẻ em, vì học sinh, vì nền giáo dục thì không ai lại đặt ra quy định như vậy.

Chỉ tiêu của trường chất lượng cao lấy 240 nhưng có tới 1.200 em dự thi, theo tôi có nhiều cách tuyển chọn. Còn cách làm ở trên là theo quan điểm của cá nhân họ, của trường đó nhưng lại sai với tinh thần Nghị quyết 29 NQ/TW”.

Học bạ toàn điểm 10, thi tuyển sinh chỉ được 0,5 lý do không như dư luận nghĩ

Thầy Ngọc nhấn mạnh: “Chúng ta đào tạo làm sao để sau này học sinh không phải là con người máy móc, mà phải là con người luôn sáng tạo, luôn có quan điểm mới, luôn vì con người làm trung tâm trong mọi hoàn cảnh.

Như vậy thì mới có được những quy định và ứng xử vì con người mang tính nhân văn, phù hợp với thời đại mới hội nhập quốc tế.

Còn cứ giữ nếp thi cũ đánh đố như hiện nay là các cơ sở giáo dục chưa chịu thay đổi, vẫn tư duy và hành động theo lỗi mòn cũ từ vài chục năm qua, dẫn đến hệ lụy là nền giáo dục và các em học sinh phải chịu thiệt thòi.

Vậy nên các thầy cô cũng như lãnh đạo các nhà trường phải thay đổi, có thay đổi được thì các quy định kiểu đánh đố cũng sẽ thay đổi theo”.

Tùng Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-ba-toan-diem-10-thi-duoc-0-75-phai-chang-do-khong-luyen-dung-lo-post211422.gd