Học ăn, học nói, học gói, học mở

Sân bay Đà Nẵng nắng nóng như ai hắt lửa ra đường. Hình như, tôi thuộc tốp khách cuối cùng từ phòng chờ ra xe buýt để ra máy bay. Xe đã chật cứng. Chợt có ai đó cầm tay ấn tôi ngồi xuống ghế. Hóa ra là chàng thanh niên cùng công ty. Cậu ấy bay cùng chuyến, nhận ra và nhường chỗ cho tôi, dù ghế bên cạnh là một cô gái trẻ đẹp.

Cô gái bắt đầu trò chuyện với tôi bằng hàng loạt các câu hỏi: “Chị nghỉ ở V. à, đẹp không?” rồi tự trả lời: “Tại em thấy chị xách túi của V.”. Lại nữa “Trong túi đấy có gì?”, tôi phát phì cười, chưa kịp trả lời và thực tình không muốn trả lời những câu hỏi quá riêng tư thì cô ấy lại tự trả lời tiếp: “V. tặng à chị”. Tôi lắc đầu cười.

Đúng lúc ấy, hành khách cuối cùng lên xe, vội vã trước khi cửa xe đóng lại. Đó là một phụ nữ trẻ, tay bồng con nhỏ, tay dắt thêm một em bé nữa. Tôi vội vàng đứng lên, nói “Em cho cháu ngồi đi”. Cô gái trẻ đẹp bên cạnh vẫn ngồi, tiếp tục ung dung tọc mạch: “Ở V. sướng chị nhỉ, về còn được tặng quà”.

Xe buýt đến chân máy bay. Tôi thấy cô gái trẻ đẹp vẫn cười nói vui vẻ, chụp hình check in dưới cánh máy bay. Tháo khẩu trang ra, đó là một cô gái thật đẹp. Tôi bỗng thấy tiếc. Giá như cô ấy đừng nói gì, giá như cô ấy cứ lên xe thật muộn để không còn có một chỗ ngồi nào.

Hà Nội, trong quán bún ngan quen thuộc ở trung tâm thành phố. Hai chàng trai áo đồng phục trắng tinh khôi, thắt cà vạt màu, nhìn logo trên áo, tôi đoán họ là nhân viên của một tập đoàn lớn. Khi tôi vào thì họ đang ăn.

Một chàng trai chân một bên thõng dưới đất, giày đen sáng bóng, chân kia gác lên gờ ghế nhựa. Tôi ý tứ hỏi: “Ghế này có ai ngồi chưa em?”. Chàng trai vẫn ăn, không ngẩng lên nhìn, chân vẫn gác lên ghế, khẽ khàng dùng chân đẩy ghế về phía tôi. Chắc ý nói, “mời chị”. Tôi lặng lẽ ngồi xuống, nhẹ nhàng cảm ơn. Đúng lúc chàng trai nhai xong, miệng hơi cười “Không có gì”.

Khi đám trẻ nhà tôi còn học phổ thông ở Việt Nam, tôi đã từng đưa con đến các lò luyện thi và thấy các lớp học thêm Văn, Toán, tiếng Anh... luôn tấp nập. Tôi nghĩ, những dạng toán phức tạp, những bài văn cao siêu, những công thức vật lý, hóa học... tất nhiên cần cho nhóm trẻ này hoặc nhóm trẻ khác.

Nhưng mà, những bài học kiểu “học ăn - học nói - học gói - học mở” như các cụ dạy lại cần mọi lúc, mọi nơi và cho mọi đứa trẻ trước khi chúng trở thành những thiếu nữ xinh đẹp, những chàng trai tuấn tú...

Đặng Huyền

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/hoc-an-hoc-noi-hoc-goi-hoc-mo-post123524.html