Hoạt động truyền thông đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

TCCSĐT - Đất nước ta trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ hơn đòi hỏi ngày càng phải mở cửa tìm hiểu thế giới một cách sâu rộng, mặt khác cũng cần để thế giới hiểu nhiều hơn, rõ hơn về Việt Nam để qua đó cùng nhau tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, cùng phát triển. Do đó, nhu cầu cung cấp thông tin từ Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam ngày càng thường xuyên và bức thiết.

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ vai trò của truyền thông đối ngoại là rất quan trọng - Nguồn: tapchitaichinh.vn

Qua hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng trên các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Công tác đối ngoại của Đảng cùng ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân kết hợp hài hòa đã tạo nên những kết quả quan trọng trên mặt trận ngoại giao, góp phần phát triển đất nước trong những năm qua, trong đó có vai trò và đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung và truyền thông đối ngoại nói riêng. Truyền thông đối ngoại đã làm cho thế giới hiểu về đất nước, con người, về những giá trị văn hóa, vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam, về đường lối, chủ trương. chính sách; giúp xây dựng hình ảnh Việt Nam hòa bình, hợp tác và phát triển đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó truyền thông đối ngoại còn góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, làm rõ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế như: môi trường, dân số, dịch bệnh, xung đột, hợp tác, đồng thời đấu tranh, phản bác lại những luận điệu bôi xấu, xuyên tạc về Việt Nam, giúp dư luận hiểu đúng về Việt Nam.

Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận như một giá trị quan trọng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bao gồm quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người hoạt động báo chí, truyền thông, quyền tự do tiếp cận thông tin, quyền tự do cá nhân và các tổ chức, cá nhân được bảo vệ trước báo chí truyền thông.

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2016-2021 là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”(1) Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, vai trò của truyền thông đối ngoại rất quan trọng.

Thực trạng công tác truyền thông đối ngoại thời gian qua

Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII ra Chỉ thị số 11-CT/TW về đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại, trong đó chỉ rõ những nội dung chủ yếu: thông báo đường lối, chính sách và thành tựu đổi mới toàn diện của nước ta; những chủ trương quan trọng nhằm giải quyết một số vấn lớn hoặc đáng chú ý về kinh tế, chính trị, xã hội; bác bỏ những thông tin xuyên tạc, sai lệch về tình hình Việt Nam, nhất là về tình hình dân chủ, nhân quyền; ngăn chặn việc truyền bá vào nước ta những quan điểm, tư tưởng, lối sống, văn hóa phản động, đồi trụy, kích động bạo lực; thông tin về chính sách đối ngoại, kể cả chính sách kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những khả năng to lớn của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với các nước…

Tiếp đó, ngày 29-12-1998, Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII ra Thông báo số 188-TB/TW, bổ sung, nhấn mạnh những đối tượng, địa bàn ưu tiên và những trọng điểm tổ chức lực lượng để thực hiện công tác truyền thông đối ngoại trong tình hình mới. Ngày 27-12-2001, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ra Quyết định số 16-QĐ/TW về thành lập Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại. Ngày 10-9-2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ra Chỉ thị 26-CT/TW về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, xác định thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”. Đặc biệt, ngày 14-02-2012, Bộ Chính trị khóa XI ra Kết luận số 16 - KL/TW về chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020, xác định rõ: Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng ta; là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 368/QĐ-TTg, ngày 28-02-2013 phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2020. Các văn bản trên cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc khẳng định tầm quan trọng của truyền thông đối ngoại trong giai đoạn mới.

Những năm qua, công tác truyền thông đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tuyên truyền chủ trương và các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chính đáng; nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoạt động của các cơ quan truyền thông đã có sự chuyển biến rõ rệt về tổ chức, nội dung, hình thức, loại hình, quy mô, phương tiện kỹ thuật và ảnh hưởng xã hội, bảo đảm đưa thông tin tới người nước ngoài ở Việt Nam, tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và tới bạn bè quốc tế, góp phần thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế. Hệ thống báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình quốc gia, như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, một số báo, tạp chí và nhà xuất bản lớn đã làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền đối ngoại; từng bước tổ chức việc đưa thông tin của hệ thống này lên mạng internet, kịp thời cập nhật thông tin ra thế giới, phản ánh đầy đủ, kịp thời, toàn diện mọi mặt hoạt động của đất nước.

Truyền thông đối ngoại đã mở rộng diện thông tin tới các khu vực trên thế giới, phục vụ ngày càng tốt hơn chủ trương hội nhập và tăng cường đoàn kết quốc tế của Việt Nam. Trong đó việc cung cấp và quản lý thông tin cho phóng viên, cơ quan báo chí nước ngoài có nhiều tiến bộ, nhất là trong dịp tổ chức các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng trong nước, khu vực và trên thế giới. Hoạt động truyền thông đối ngoại cũng được nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng về hình thức thông tin. Điển hình là kênh truyền hình đối ngoại (VTV4) của Đài Truyền hình Việt Nam, truyền hình công an nhân dân (ANTV) của Bộ Công an, truyền hình thông tấn (VNEWS) của Thông tấn xã Việt Nam, kênh truyền hình của Báo Nhân dân; chương trình phát thanh bằng tiếng nước ngoài của Đài Tiếng nói Việt Nam; các tạp chí: Đối ngoại của Ban Đối ngoại Trung ương, Thông tin đối ngoại của Ban Tuyên giáo Trung ương; các báo Vietnam News, Vietnam Courrer của Thông tấn xã Việt Nam, Sài Gòn giải phóng bằng tiếng Hoa, Vietnam Economic Times của Hội Kinh tế Việt Nam, Saigon Times của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Vietnam Investment Review của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nhiều sách, báo, tạp chí của Trung ương, của các bộ, ngành...

Mạng lưới sách, báo, tạp chí điện tử và trang tin điện tử với 859 tờ báo, tạp chí in, trong đó có 135 báo, tạp chí điện tử được cấp phép; có 67 đài phát thanh, truyền hình với 268 kênh, trong đó có 86 kênh phát thanh và 142 kênh truyền hình. Sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam (1997 - 2017) internet phát triển rất nhanh chóng, trở lên phổ biến, mang đến cả thời cơ, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức cho công tác quản lý. Hiện có 1500 trang thông thông tin điện tử tổng hợp; 270 mạng xã hội được cấp phép hoạt động; có gần 59 triệu người sử dụng internet, chiếm 62,7% dân số. Việt Nam xếp thứ 8 châu Á và thứ 18/20 quốc gia có tỉ lệ người sử dụng internet cao nhất thế giới, ước khoảng 35 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 37% dân số, trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút (nguồn Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 8-2017). Với 2.500 website trên mạng internet đã cung cấp lượng thông tin lớn cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Việc trao đổi thông tin với các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua chương trình truyền hình ASEAN, hệ thống các cơ quan đại diện của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Nhân dân,... ở trong và ngoài nước đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông đối ngoại, thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hợp tác, phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa nước ta với các nước trên thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; thông tin kịp thời về các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế và những vấn đề quốc tế khác mới nổi lên như: vấn đề lao động, việc làm, di cư; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố, sự nổi dậy của IS, vấn đề li khai, an ninh tiền tệ, ngân hàng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 …

Có thể thấy, những hoạt động của truyền thông đối ngoại đã góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và phong phú của người dân: tuyên truyền kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội; nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế.

Những hạn chế trong công tác truyền thông đối ngoại

Tuy nhiên, nhận thức về tầm quan trọng của truyền thông đối ngoại ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là cơ quan chủ quản vẫn còn có lúc chưa thật đầy đủ. Trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực. Hoạt động truyền thông đối ngoại nước ta hiện nay chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đặc biệt, các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới đang triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng internet để chống phá cách mạng nước ta.

Truyền thông trong nước đang bị sự cạnh tranh gay gắt bởi sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông nước ngoài, trong đó có nhiều thông tin trái với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các phương tiện truyền thông nước ngoài với những phương tiện truyền phát hiện đại, khả năng phủ sóng rộng, nội dung thông tin đa dạng có mặt đang “lấn sân” các phương tiện truyền thông đối ngoại nước ta.

Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận trong nước và quốc tế, đưa thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin, gây ra những tác động xấu đến dư luận xã hội, làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc.

Thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các hành vi vi phạm của báo chí. Một số cơ quan báo chí có hiện tượng coi nhẹ quy trình biên tập, duyệt bài, chưa coi trọng đúng mức trách nhiệm xã hội của báo chí. Không ít cơ quan báo chí (nhất là báo điện tử) khai thác thông tin từ truyền thông xã hội, mạng nước ngoài chưa được kiểm duyệt, nhưng lại buông lỏng hoặc bỏ qua khâu thẩm định nguồn tin nên đã cho đăng tải thông tin không chính xác, hoặc sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam vẫn còn xảy ra, nhất là trên báo điện tử và nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp.

Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, tính công khai, minh bạch, tính khả thi, ổn định còn hạn chế; kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém, gây trở ngại không nhỏ đối với hoạt động truyền thông đối ngoại và đội ngũ những người làm công tác trên lĩnh vực này. Đại hội XII của Đảng thẳng thắn chỉ rõ: “Hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển”(2).

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho truyền thông đối ngoại chưa tương xứng và còn dàn trải; bộ máy tổ chức chỉ đạo, quản lý chưa thật hợp lý, hoạt động chưa hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý những tiêu cực, vi phạm trong hoạt động truyền thông đại chúng nói chung, trong hoạt động truyền thông đối ngoại nói riêng còn chậm và thiếu triệt để. Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan truyền thông đại chúng nói chung, truyền thông đối ngoại nói riêng đã có những cố gắng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, song nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra về truyền thông đối ngoại và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Truyền thông đối ngoại của nước ta còn thiếu những trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ cho các hoạt động tác nghiệp. Hệ thống thiết chế truyền thông và cơ sở vất chất - kỹ thuật cho hoạt động truyền thông còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp,...

Mục tiêu quan trọng hàng đầu trong quá trình đổi mới là tiếp tục giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, sự ổn định chính trị, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội. Và ngược lại, để phát triển đất nước thì rất cần sự ổn định chính trị, đây là điều kiện tiên quyết. Sự ổn định này rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cả cộng đồng, các cơ quan truyền thông cần tham gia một cách chủ động và tích cực, đồng thời các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời, khoa học và khách quan.

Chủ động hội nhập quốc tế một cách sâu rộng

Từ thực tiễn công tác truyền thông đối ngoại ở nước ta thời gian qua, thiết nghĩ cần một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng truyền thông đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế một cách sâu rộng trong thời gian tới.

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại và truyền thông đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ hoạt động truyền thông đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại của nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Nắm vững quan điểm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu: “Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập”(3). Tăng cường hiệu quả công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại theo tinh thần Kết luận số 16 của Bộ Chính trị khóa XI về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020”. Nắm vững phương hướng, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn mới là: “Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của đất nước”(4).

Hai là, nắm vững phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới là: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”(5).

Ba là, các cơ quan truyền thông, nhất là truyền thông đối ngoại phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, góp phần hội nhập quốc tế sâu rộng. Tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống truyền thông, trong đó có truyền thông đối ngoại, đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng. Đồng thời, “tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”(6).

Bốn là, chủ động tuyên truyền hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa. “Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”(7).

Năm là, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu về đối ngoại; đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại; chăm lo đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và truyền thông đối ngoại. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này. Xây dựng cơ chế phối hợp xử lý nhanh chóng, chính xác, hiệu quả các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, đột xuất để chủ động trong công tác định hướng dư luận và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của thế lực cơ hội, thù địch. Sớm xây dựng kịch bản truyền thông, thông tin, tuyên truyền các vấn đề quan trọng, phức tạp, mới nảy sinh để giành thế chủ động thông tin.

Sáu là, tập trung, ưu tiên phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, trong đó có viễn thông, công nghệ thông tin. Đầu tư, nâng cấp và đổi mới cơ sở vật chất - kỹ thuật, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị, thu hẹp khoảng cách về công nghệ truyền thông giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới, trên cơ sở đó góp phần nâng cao một bước trình độ và chất lượng sản phẩm truyền thông, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế một cách sâu rộng; “có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ truyền thông tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa..., tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam” ra nước ngoài, đến với bạn bè quốc tế.

Có thể nói, ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghệ thông tin đã có nhiều tiến bộ vượt bậc và được nhanh chóng ứng dụng trong đời sống xã hội, tạo ra kỷ nguyên “thế giới phẳng” thông tin đa dạng, kết nối nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò và ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của truyền thông chính sách trong quản lý xã hội, cũng như việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua truyền thông là một kênh quan trọng để truyền tải những chủ trương, quan điểm, đường lối vào đời sống xã hội, đồng thời cũng thông qua truyền thông để phản hồi những ý kiến, phản hồi tâm tư, góp ý, kiểm tra, giám sát … của các cá nhân và tổ chức để hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hành động và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển con người, xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng tích cực, chủ động hơn của Việt Nam như trong Kết luận số 16 của Bộ Chính trị khóa XI về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020” đã nêu ra./.

----------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 219

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 125

(3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 73-74, 130-131

(5), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 153-154, tr.201

(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 153-154

TS. Vũ Hồng HuyBan Tuyên giáo Trung ương

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/doi-ngoai-va-hoi-nhap/2018/50668/hoat-dong-truyen-thong-doi-ngoai-cua-viet-nam-theo-tinh-than.aspx