Hoạt động trợ giúp người dân gặp khó khăn cần chuyên nghiệp, rõ địa chỉ

Ngày 19-11, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, giai đoạn 2020-2025; kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập (23/11/1946 - 23/11/2020). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cùng đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng, đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham dự.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm vận động nguồn lực trợ giúp.

Các phong trào thi đua do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động mang ý nghĩa thi đua làm nhân đạo, trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn, chung sức, đồng lòng vì một cộng đồng hạnh phúc. Giai đoạn 2015-2020, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động trợ giúp được hơn 103 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá đạt hơn 20.209 tỷ đồng, tăng 66% so với giai đoạn 2010-2015.

Nổi bật là phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã trợ giúp gần 15 triệu lượt người, giúp các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có thành viên là nạn nhân chất độc da cam/dioxin thấy ấm lòng mỗi dịp Tết đến, xuân về. Phong trào hiến máu tình nguyện được triển khai rộng khắp, thu hút hơn 7 triệu lượt người tham gia, thu được hơn 6,7 triệu đơn vị máu, góp phần mang đến sự sống cho hàng triệu lượt bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo.

Đặc biệt, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ tham gia, qua đó xây dựng được hơn 70.000 địa chỉ nhân đạo, trợ giúp hàng triệu địa chỉ cần trợ giúp.

Thông qua các phong trào thi đua do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, tại các địa phương đã xuất hiện những mô hình điển hình. Đó là Nhóm thiện nguyện chia sẻ - Sharing của các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã mang nguồn lực trợ giúp đến cho nhiều người nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc; là mô hình bếp ăn tình thương ở các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

Nhìn lại quá trình 74 năm hoạt động, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh, Hội đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện nay, cả nước có gần 24.000 cơ sở hội với gần 8 triệu hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ, luôn hoạt động với tinh thần “Vì mọi người - Ở mọi nơi”.

Phát biểu tại đại hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong giai đoạn 2015-2020 cũng như trong quá trình 74 năm hình thành, phát triển của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Các phong trào thi đua, các chương trình, hoạt động do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, triển khai đã góp phần tạo giá đỡ an sinh, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội, giúp nhiều người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh, một bộ phận không nhỏ người dân trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang gặp khó khăn. Để trợ giúp người dân, các chính sách, giải pháp an sinh ở nước ta cần được xây dựng, tính toán ở 3 cấp độ là: Phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục.

Trong quá trình triển khai trợ giúp, các cấp Hội Chữ thập đỏ là lực lượng tiên phong, nòng cốt. Do đó, để thực hiện tốt hơn các phong trào thi đua, các chương trình hoạt động trong giai đoạn 2020-2025, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai lưu ý Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quan tâm củng cố mạng lưới, mở rộng hội viên, tình nguyện viên; đồng thời tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trợ giúp. Việc tiến hành các hoạt động trợ giúp cần khẩn trương, chuyên nghiệp, bảo đảm đúng người, đối tượng, có địa chỉ rõ ràng.

Cách thức trợ giúp không chỉ đơn thuần là trao và nhận, mà phải mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi để người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn tự tin vươn lên, sống độc lập, chủ động, phát huy tốt năng lực, sở trường của bản thân họ…

Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ của 46 tỉnh, thành đón nhận Cờ thi đua; 51 cá nhân đón nhận danh hiệu “Hội viên Chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc”, “Tình nguyện viên Chữ thập đỏ toàn quốc” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng.

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/983990/hoat-dong-tro-giup-nguoi-dan-gap-kho-khan-can-chuyen-nghiep-ro-dia-chi